Nghĩa Hành (Quảng Ngãi): Phát huy tiềm năng du lịch
Những năm gần đây, bằng nhiều nguồn lực đầu tư, huyện Nghĩa Hành đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và khai thác các lợi thế sẵn có để phát triển du lịch.
Một trong những điểm du lịch được đầu tư khá bài bản ở Nghĩa Hành hiện nay là Khu du lịch Suối Chí, ở xã Hành Tín Đông. Đây là khu du lịch sinh thái gắn liền với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thân thiện với môi trường. Dự án Khu du lịch sinh thái Suối Chí khởi công vào tháng 6.2018 (tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, trên diện tích 187.316,6m2) và chính thức đưa vào hoạt động dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Khu du lịch Suối Chí đã mang đến một luồng sinh khí mới cho du lịch của huyện Nghĩa Hành tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động địa phương. Trước năm 2019, hằng năm Nghĩa Hành chỉ có khoảng 1.000 lượt khách đến tham quan, thì đến nay, số lượng du khách đến với huyện trung du này tăng lên trên 50.000 lượt khách, đóng góp thêm vào “bản đồ du lịch” Quảng Ngãi một điểm đến hấp dẫn, lý thú.
Du lịch cộng đồng cũng là một lợi thế của huyện Nghĩa Hành. Sau khi được UBND tỉnh chọn đưa vào Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng giai đoạn 2018 - 2020, UBND huyện Nghĩa Hành đã chọn 7 hộ dân ở xã Hành Nhân đưa đi tham quan học tập kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại một làng du lịch ở tỉnh Quảng Nam. Nhờ định hướng của chính quyền và sự nhiệt tình tham gia của các hộ dân, năm 2020, xã Hành Nhân đã trở thành điểm đến thứ hai của du khách khi đến Nghĩa Hành (sau Suối Chí). Các vườn cây ăn quả ở đây đã đón hơn 2.000 lượt khách mỗi năm...
Không chỉ chú trọng đầu tư phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, huyện Nghĩa Hành còn quan tâm, chú trọng công tác quản lý bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện, vừa để bảo tồn các di tích lịch sử, di sản văn hóa có giá trị của huyện, vừa để phục vụ khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Trên địa bàn huyện hiện có 20 di tích lịch sử - văn hóa đã được tỉnh và trung ương xếp hạng; trong đó có 5 di tích cấp quốc gia và 15 di tích cấp tỉnh. Huyện chủ trương phát huy giá trị các di tích để mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương; vừa tạo sự lan tỏa giá trị văn hóa trong cộng đồng vừa góp phần mở rộng không gian tuyến, điểm du lịch của tỉnh.
Ngoài ra, huyện Nghĩa Hành cũng chú trọng bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể. Điển hình là duy trì tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Vệ (tại xã Hành Phước và Hành Thịnh) vào ngày mùng bốn tết Nguyên đán hằng năm. Đặc biệt, mới đây huyện đã thành lập Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi nhằm bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca thuộc vùng Trung Bộ, đồng thời phục vụ phát triển du lịch./.
Bài, ảnh: P.Danh