Ninh Bình: Linh thiêng ngôi chùa cổ Bàn Long nghìn năm tuổi
Nằm trên địa bàn thôn Khê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, chùa Bàn Long được xây dựng từ thời nhà Đinh, cách đây hơn 10 thế kỷ. Chùa nằm gọn trong động của dãy núi Đại Tượng – ngọn núi có hình dáng trông giống như con voi khổng lồ chầu về kinh đô Hoa Lư xưa. Trong động có nhũ đá hình dáng như con rồng đang ngồi nên vào thế kỷ thứ 18, chúa Trịnh Sâm trong một lần ghé qua đây đã đề 3 chữ lớn “Bàn Long Tự” trên vách cửa động. Điều thú vị là khối đá tự nhiên hình con rồng còn nổi rõ cả vảy. Tương truyền, vào những đợt nắng hạn, khi vảy rồng trong động long lanh tỏa sáng thì vài ngày sau trời sẽ đổ mưa. Vì thế, hàng năm, người dân thường làm lễ ở đây để cầu cho mưa thuận gió hòa.
Chùa Bàn Long là công trình kiến trúc thờ Phật độc đáo có một không hai. Trong động chùa có pho tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối được tạo dựng từ khi lập chùa. Đây là pho tượng Phật bằng đá cổ xưa nhất còn lại đến ngày nay; phía dưới tượng là khối nhũ đá thiên tạo, giống như một ổ rồng đá cuộn tròn. Trên các vách động, bàn tay của tạo hóa đã khéo léo biến những khối nhũ đá thành tứ linh: long, ly, quy, phượng như đang chầu về phía các tượng Phật, làm tăng thêm nét uy nghi của ngôi chùa cổ. Đặc biệt hơn nữa, ở giữa động còn có một khối nhũ đá giống hình tượng Phật đang cưỡi ngựa trắng – một kiến tạo hoàn hảo của tạo hóa mà chỉ động chùa Bàn Long mới có. Trong động, trên mỗi vách đá lại được thiên nhiên tạo nên những bức điêu khắc tinh tế: nào là hổ chầu, nào là voi phục, đây là cây vàng, kia là cây bạc… càng làm cho không gian nơi đây thêm phần kỳ bí và linh thiêng. Ngoài nơi thờ Phật trong động ra, ở khuôn viên chùa còn có phủ thờ Tam vị Thánh Mẫu: Liễu Hạnh công chúa, Quỳnh Hoa công chúa và Quế Hoa công chúa.
Nép mình trong động, giữa một vùng non xanh nước biếc, chùa Bàn Long là điểm đến không thể bỏ qua khi mang đậm dấu ấn tâm linh và sức cuốn hút đối với du khách bởi những điều kỳ diệu của tự nhiên mà không nơi nào có được./.
Lê Hằng