Non nước Việt Nam

Quảng Trị: Nỗ lực gìn giữ ''kho báu rừng xanh'' đảo Cồn Cỏ

Cập nhật: 04/06/2021 16:02:16
Số lần đọc: 966
Cồn Cỏ là một đảo nhỏ ở Biển Đông thuộc tỉnh Quảng Trị, là một trong những điểm mốc quan trọng để phân định ranh giới trên biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Đảo Cồn Cỏ còn là vị trí tiền tiêu, có vai trò quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.  
 

Hệ sinh thái rừng ở đảo Cồn Cỏ đang được bảo vệ và phát triển - Ảnh: H.N.K

Đảo Cồn Cỏ hình thành bởi hoạt động kiến tạo từ núi lửa phun trào cách đây trên 4 vạn năm, có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một "bảo tàng thiên nhiên" với các thềm đá ba dan dọc bờ biển. Cồn Cỏ nằm trong khu vực có hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên khá phong phú, gần nơi giao thoa của các dòng hải lưu. Hệ sinh thái biển hiện nay đã được bảo tồn với việc hình thành Khu bảo tồn biển, đảo Cồn Cỏ. Còn hệ sinh thái rừng trên cạn cũng phong phú không kém đòi hỏi phải có một cơ chế bảo vệ phù hợp với đặc thù của đảo tiền tiêu.

Đảo Cồn Cỏ hiện có tổng diện tích là 229,74 ha, trong đó đất có rừng là 117,84 ha, đất trống là 40,79 ha và đất ở, đất công trình, đất khác là 71,11 ha. Hệ sinh thái rừng và kiểu thảm thực vật của Cồn Cỏ có 3 kiểu chính gồm rừng lá rộng thường xanh đất thấp phát triển trên đất ba dan; rừng lá rộng thường xanh đất thấp phát triển trên vụn san hô, vỏ sò và kiểu thảm trảng cỏ, cây bụi, cây gỗ rải rác trên núi đất. Đối với rừng lá rộng thường xanh đất thấp trên đất ba dan có diện tích 102,69 ha, gồm 2 trạng thái là rừng nghèo và rừng trung bình. Rừng cấu trúc có 4 tầng gồm những loài cây gỗ thuộc các loài như bình linh, gội gác, duối, dền...Tầng dưới tán gồm những cây gỗ mọc rải rác dưới tán rừng, thuộc các họ dâu tằm, họ máu chó, dền, long não... Ở tầng dưới tán, thực vật ngoại tầng phát triển khá mạnh như các loài kim cang, mây nước, dây, hoàng đằng, chạc chìu... Tầng cây bụi gồm các loài cây chủ yếu là nhót rừng, găng, bọ mẩy, móng rồng và tầng thảm tươi có nhiều loại cỏ ba cạnh, dương xỉ, cỏ mật… Đối với rừng lá rộng thường xanh đất thấp trên vụn san hô, vỏ sò loài cây chủ yếu là bàng biển. Tầng dưới tán với kiểu thảm trảng cỏ, cây bụi, cây gỗ rải rác trên núi đất phân bố rải rác thành từng đám trên những khu vực lập địa có nhiều đá lộ đầu, do tỉ lệ đá lộ đầu lớn nên thực vật thân gỗ phát triển kém, thành phần gồm các loài cây gỗ tái sinh, cây bụi, dây leo và thảm tươi. Vào mùa khô, do lượng mưa ít nên kiểu thảm này thường bị tàn lụi, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao khi có nguồn lửa.

Xét về thành phần loài, thảm thực vật trên đảo có 285 loài thuộc 205 chi của 92 họ. Trong số 285 loài thực vật đã ghi nhận đa số đều ở các ngành thực vật bậc cao, có nhiều loài nhất là ngành ngọc lan với 273 loài, thuộc 196 chi, 87 họ. Xét theo đa dạng về nhóm dạng sống thì trên đảo có các loài thực vật thân thảo có số lượng lớn nhất với 99 loài, tiếp đến là thực vật thân gỗ với 94 loài và cây bụi trường, cây thân leo, cây phụ sinh... Có 168 loài thực vật trên đảo có giá trị sử dụng. Trong đó cây cho gỗ có số loài nhiều nhất, tiếp đến là cây làm thuốc, cây làm thực phẩm và cây làm cảnh, trong đó giảo cổ lam là loài có giá trị thảo dược đang được bảo tồn, khai thác.

Đảo Cồn Cỏ có hai hệ sinh thái rừng đặc thù bao gồm hệ sinh thái rừng tự nhiên nhiệt đới phát triển trên đất ba zan có nguồn gốc từ núi lửa rất hiếm gặp ở Việt Nam và rừng nhiệt đới phát triển trên nền san hô và mảnh vụn sò ốc…Đặc biệt, rừng nhiệt đới 3 tầng trên đảo là hệ sinh thái rừng khá hiếm của đảo núi lửa ở Việt Nam được gìn giữ và bảo vệ tốt. Trong điều kiện tự nhiên lý tưởng, khí hậu mát lành, Cồn Cỏ đang sở hữu cây thuốc quý giảo cổ lam hiện sinh trưởng rất mạnh trên đảo. Ngoài ra, có hơn 74% diện tích rừng tự nhiên trên đảo từng bị chiến tranh tàn phá nhưng nay đã hồi sinh gần như nguyên vẹn và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm với nhiều tầng, làm cho nơi đây thực sự là hòn đảo xanh cần được bảo vệ, gìn giữ.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường cho biết, ngoài việc bảo tồn nghiêm ngặt hệ sinh thái rừng tự nhiên trên đảo, những năm gần đây đảo Cồn Cỏ còn hình thành và phát triển các vườn ươm nhân tạo nhân giống cây có từ lâu trên đảo, thích nghi với điều kiện nắng, gió khắc nghiệt, góp phần tạo cảnh quan xanh mát. Những cây bàng vuông, cây gội, mù u…được ươm mầm và trồng ngay trên đảo nay đã tỏa bóng xanh dọc các con đường như một cam kết trách nhiệm của người dân trên đảo Cồn Cỏ không chỉ gìn giữ, bảo tồn hệ sinh thái rừng mà còn nhân rộng, phát triển “kho báu rừng xanh” giữa trùng khơi.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển, đảo Cồn Cỏ đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại khu bảo tồn biển, đảo. Xây dựng, đề xuất các chương trình nghiên cứu khoa học, điều tra đánh giá nguồn lợi sinh vật biển, đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2016-2020; chương trình điều tra bổ sung bảo tồn gen của các loài động, thực vật quý hiếm tại khu bảo tồn biển, đảo. Với nét độc đáo, riêng có của hệ sinh thái rừng trên đảo Cồn Cỏ, hiện nay UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện đảo Cồn Cỏ thành lập Khu rừng cảnh quan đảo Cồn Cỏ để mục đích vừa bảo tồn hệ sinh thái trên cạn của đảo, kết hợp với hệ sinh thái biển phục vụ hoạt động du lịch sinh thái, phát huy giá trị sinh thái cảnh quan, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa nhằm thu hút khách du lịch để phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Lâm Khanh - Thanh Luận

Nguồn: Báo Quảng Trị

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT