Ninh Bình: Ngành Du lịch nỗ lực vượt khó thời COVID-19
Theo thông tin của Sở Du lịch Ninh Bình, 9 tháng năm 2020, lượng khách đến Ninh Bình đạt 2,1 triệu lượt (giảm 68% so với cùng kỳ), doanh thu ước đạt 1.180 tỷ đồng (giảm 61% so với cùng kỳ). Đại diện các doanh nghiệp du lịch Ninh Bình đều trong tình trạng nhiều hợp đồng tham quan, lưu trú và dịch vụ du lịch bị hủy bỏ.
Các đơn vị kinh doanh du lịch phải tính đến phương án cắt giảm nhân công, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn lao động du lịch; một số doanh nghiệp tạm đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc không lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã tạm ngừng đầu tư do khó khăn về tài chính. Theo thống kê sơ bộ, hơn 80% nhân lực du lịch của Ninh Bình không có việc làm trong nhiều tháng qua.
Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho biết, mặc dù công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách được ngành Du lịch Ninh Bình triển khai khá sớm và kịp thời, các đơn vị kinh doanh du lịch đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành Y tế và Du lịch tăng cường truyền thông, thông tin về tình hình bệnh dịch cũng như công tác phòng, chống dịch để du khách yên tâm, nhưng đại dịch COVID-19 với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch. Năm 2020, Ninh Bình là địa phương đăng cai, tổ chức Năm Du lịch quốc gia nhưng do dịch bệnh nên các sự kiện đã bị hủy, hoãn tổ chức.
Ông Hoàng Bình Minh, Chi hội Trưởng Lữ hành (Hiệp hội Du lịch Ninh Bình) cho biết, toàn tỉnh có 25 đơn vị lữ hành, trong đó có 3 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Đợt dịch thứ nhất diễn ra, có trên 90% khách hủy tour. Trong bối cảnh thị trường khách quốc tế chưa mở cửa trở lại, khách nội địa được xem là cứu cánh cho ngành Du lịch sau khi đại dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát.
Sau đợt dịch lần thứ 2, mặc dù đã được kiểm soát nhưng vào thời điểm đã hết hè, hết mùa du lịch nội địa cộng với tâm lý của du khách e ngại, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lại một lần nữa phải đối mặt với khó khăn, để duy trì và khai thác được cũng không dễ dàng.
Mặc dù khó khăn, du lịch Ninh Bình vẫn đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách trong năm 2020 và nỗ lực tuyên truyền quảng bá chuẩn bị đón Năm Du lịch quốc gia 2021. Hưởng ứng chương trình kích cầu lần 2 với chủ đề "Việt Nam an toàn và hấp dẫn", Ninh Bình vừa tổ chức chương trình khảo sát, nghiên cứu, xúc tiến quảng bá du lịch. Sự kiện thu hút hơn 200 đại biểu là đại diện cho các cơ quan quản lý Nhà nước của 13 tỉnh, thành phố và các hãng lữ hành, cơ quan truyền thông.
Đại diện ngành, đồng chí Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các điểm đến nổi bật của tỉnh, đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với hoạt động du lịch, đồng thời giới thiệu chính sách kích cầu du lịch lần thứ hai của tỉnh. Các ý tưởng được gợi mở để ngành Du lịch tập trung vào những sản phẩm đặc thù, riêng có và gắn với giá trị văn hóa bản địa. Tăng cường liên kết và xây dựng các sản phẩm du lịch mới độc đáo, đặc biệt là tour du lịch Bái Đính về đêm "phiên bản mới" nhằm níu chân du khách, góp phần đưa Ninh Bình trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Ngành Du lịch cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho du khách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các khách sạn đăng ký làm nơi cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19; vận động các đơn vị kinh doanh du lịch có chính sách khuyến mại, giảm giá vé tham quan tại các khu, điểm du lịch, tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, vận chuyển… nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương phối hợp các đơn vị tổ chức khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới an toàn, đa dạng, hấp dẫn, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với các điểm du lịch tạo ra các gói sản phẩm với giá cạnh tranh; nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn tại các điểm đến tại Ninh Bình. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến trên các phương tiện truyền thông, các sự kiện du lịch trong nước, tăng cường quảng bá trên mạng xã hội.
Trong thời điểm này, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cần mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; giảm lãi suất, giãn nợ cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch và phát triển sản phẩm; áp dụng giá điện cho cơ sở lưu trú ngang với giá điện cho các cơ sở sản xuất; hỗ trợ gói kích thích tăng trưởng trong xúc tiến, khôi phục thị trường./.