Non nước Việt Nam

Ninh Hòa (Khánh Hòa): Phát huy giá trị di sản văn hóa

Cập nhật: 29/06/2022 13:31:37
Số lần đọc: 1088
Với lợi thế có nhiều di sản văn hóa nổi tiếng, thời gian qua, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Qua đó, góp phần tích cực giáo dục, quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa đến các tầng lớp nhân dân và du khách.


Tu bổ, phục hồi nhiều di tích

Hiện nay, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có 82 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (Phủ đường Ninh Hòa, Lăng Bà Vú, địa điểm lưu niệm Tàu không số C235), 64 di tích cấp tỉnh và 15 di tích đang được lập hồ sơ xếp hạng. Điểm đáng ghi nhận ở thị xã Ninh Hòa chính là sự quan tâm, chú trọng đến công tác phục hồi, tu bổ di tích. Đối với các di tích cấp quốc gia, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh hoàn thành việc tu bổ Lăng Bà Vú, địa điểm lưu niệm Tàu không số C235; di tích Phủ đường Ninh Hòa cũng đã có chủ trương đầu tư và đang được xây dựng phương án tu bổ trong thời gian tới. Từ năm 2016 đến nay, địa phương cũng đã hoàn thành việc trùng tu, tu bổ đối với 5 di tích cấp tỉnh; hỗ trợ trùng tu 5 di tích khác bị thiệt hại do bão số 12 vào cuối năm 2017. Năm 2022 và 2023, có 4 di tích trên địa bàn thị xã nhận được chủ trương đầu tư tu bổ với tổng kinh phí hơn 10,4 tỷ đồng.

Di tích cấp quốc gia Phủ đường Ninh Hòa.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Ninh Hòa nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ mục tiêu: Phát triển du lịch văn hóa - sinh thái, du lịch truyền thống, lễ hội…, kết hợp tốt giữa du lịch văn hóa với tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh, giữa phát triển các sản phẩm du lịch với quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa Ninh Hòa. Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, thị xã cũng đề ra những kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể, khai thác tiềm năng du lịch tại một số di tích tiêu biểu, từ đó đã thu hút được một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Hàng năm, UBND thị xã Ninh Hòa đều có văn bản chỉ đạo các trường học thực hiện chăm sóc, vệ sinh môi trường tại các di tích; tổ chức cho học sinh tham quan di tích, tham dự các lễ hội tại các di tích ở địa phương. Các tổ chức đoàn thể của thị xã cũng thường xuyên có các buổi du khảo về nguồn để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Để di sản phục vụ đời sống

Hiện tại, ở Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa đang trưng bày nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương. Nơi đây cũng là địa điểm tham quan, học tập thường xuyên của học sinh, cán bộ, đảng viên trên địa bàn thị xã. Tại những xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đảng ủy và chính quyền luôn dành sự quan tâm đến công tác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào. Chính vì thế, cộng đồng người dân tộc thiểu số vẫn giữ gìn, phát huy được một số phong tục tập quán, lễ hội truyền thống tốt đẹp.

Lãnh đạo xã Ninh Phú đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh căn cứ cách mạng Hòn Hèo.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa, công tác bảo vệ, phát huy di sản văn hóa luôn được các cấp, ngành từ thị xã đến cơ sở quan tâm. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác này cũng ngày được nâng cao. Công tác quảng bá, giới thiệu các hoạt động văn hóa, lễ hội tại di tích, danh thắng góp phần kết nối và phát triển du lịch của địa phương. Những yếu tố đó đã giúp cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thị xã ngày càng đi vào chiều sâu, hướng tới những giá trị bền vững khi di sản quay trở lại với đời sống nhân dân và người dân dần phát huy vai trò chủ thể của những di tích, di sản văn hóa.

Tuy vậy, đội ngũ những người phụ trách lĩnh vực di sản văn hóa ở các xã, phường vẫn còn những hạn chế về trình độ chuyên môn, chưa được tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực di sản văn hóa nên việc theo dõi, giám sát, quản lý không kịp thời, sâu sát. Hiện nay tỉnh  chưa có quy định về chế độ thù lao đối với các thành viên trong ban quản lý di tích, do đó chưa phát huy hết được vai trò trách nhiệm của những người trực tiếp trông coi, chăm sóc các di tích.

Chính vì thế, mong muốn của những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở thị xã Ninh Hòa là bên cạnh được hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn, nên chăng tỉnh cũng cần ban hành quy định về chế độ hỗ trợ kinh phí cho đối tượng này.

Giang Đình

 

Nguồn: Báo Khánh Hòa - baokhanhhoa.vn - Ngày đăng 29/6/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT