Non nước Việt Nam

Hà Nội: Xây dựng nét đẹp ứng xử với di tích

Cập nhật: 29/06/2022 09:52:18
Số lần đọc: 784
Mô hình Quy tắc ứng xử “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” mà quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội triển khai thời gian qua đang được cán bộ, nhân dân thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả. Cách làm này góp phần hình thành chuẩn mực văn hóa, xây dựng nét đẹp trong ứng xử với các di tích lịch sử văn hóa, nhằm thu hút khách thập phương và phát triển du lịch.


Nhân dân phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) tìm hiểu Quy tắc ứng xử “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại đình Đăm.

Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu

Phường Tây Tựu có 6 di tích, trong đó 4 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 1 di tích xếp hạng cấp thành phố, 1 di tích đang đề nghị xếp hạng cấp thành phố. Vì vậy, không chỉ thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, phường Tây Tựu còn đi đầu trong triển khai mô hình Quy tắc ứng xử “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” do quận Bắc Từ Liêm phát động. Theo đó, Ban Quản lý di tích phường thành lập các tiểu ban vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng khi đến di tích tham quan, chiêm bái. Tại các di tích đều niêm yết nội dung quy tắc ứng xử; cán bộ ban quản lý di tích được tập huấn để nắm rõ các nội dung cần thực hiện trong việc vận động nhân dân chấp hành quy tắc ứng xử tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Bí thư Đảng ủy phường Tây Tựu Đặng Trần Phi cho biết, với mục tiêu xây dựng Di tích quốc gia đình Đăm thực sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn trên địa bàn Thủ đô và gắn với lễ hội bơi Đăm, Tiểu ban Quản lý di tích số 3 của phường vừa tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện 2 quy tắc ứng xử do UBND thành phố ban hành tại các buổi sinh hoạt của các chi hội, đoàn thể; đồng thời chú trọng niêm yết nội dung Quy tắc ứng xử “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại di tích. Cùng với đó là xây dựng quy chế hoạt động, phân công các thành viên trong Tiểu ban bố trí khu vực đón khách, xếp lễ gọn gàng; xây dựng nội quy khi tham quan di tích; cử hội viên Hội Người cao tuổi giới thiệu về di tích khi khách yêu cầu...

Là địa phương có di tích cấp quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia, nhờ thực hiện mô hình trên nên việc ứng xử văn minh tại các di tích của phường Thụy Phương cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận xét khi đến thăm đình Chèm (phường Thụy Phương), bà Lê Thị Phương (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) chia sẻ: “Quy tắc ứng xử nơi công cộng, sơ đồ, nội quy khi vào đình được niêm yết công khai, trang trọng, tạo thuận lợi cho khách. Thái độ niềm nở, lịch sự của các thành viên trong Ban Quản lý di tích đã tạo cho tôi cảm giác thân thiện và ấn tượng đẹp khi về đình Chèm tham quan”.

Tiếp tục lan tỏa

Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, toàn quận có 133 di tích, trong đó 58 di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Việc triển khai mô hình Quy tắc ứng xử “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” chính là sự tiếp nối các hoạt động nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, để di tích lịch sử thành điểm đến an toàn, hấp dẫn. Đây cũng là việc làm nhằm góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội nói chung, của quận Bắc Từ Liêm nói riêng.

Được biết, mô hình Quy tắc ứng xử “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các di tích trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và hoàn thành xong trước tháng 8-2022. “Trước mắt, chúng tôi rà soát và chỉ đạo 100% các đơn vị thực hiện việc niêm yết công khai Quy tắc ứng xử tại các điểm di tích lịch sử văn hóa của các phường”, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Bắc Từ Liêm Phan Thị Thanh Huyền chia sẻ.

Thể hiện quyết tâm góp phần điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của nhân dân khi thực hiện những quy định trong Quy tắc ứng xử “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn”, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Phương Nguyễn Thị Thanh Loan thông tin, dù đã thực hiện rất nghiêm và hiệu quả nội dung 2 quy tắc ứng xử do UBND thành phố ban hành, song, phường cũng tiếp tục rà soát và đưa mô hình mới này của quận vào các di tích lịch sử văn hóa để tạo môi trường văn minh cho các di tích trên địa bàn.

Thực hiện 2 quy tắc ứng xử do UBND thành phố Hà Nội ban hành, quận Bắc Từ Liêm được đánh giá là đơn vị dẫn đầu, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong quá trình triển khai. Vì vậy, việc đưa Quy tắc ứng xử “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” vào các di tích lịch sử trên địa bàn quận chắc chắn sẽ tạo thêm cú hích xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng nét đẹp văn hóa, thói quen tuân thủ những quy định về bảo vệ, gìn giữ, phát huy, góp phần làm tăng những giá trị đích thực của di tích trong cộng đồng. Đây cũng là giải pháp hiệu quả thu hút nhiều hơn nữa du khách thập phương đến với quận Bắc Từ Liêm.

Hiền Phương

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 29/6/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT