Nồng đượm xứ sở Chăm pa
Mỗi món nướng có hương vị đặc sắc riêng.
Trong chuyến công tác sang nước Lào - xứ sở Chăm pa, chúng tôi được thưởng thức những món ăn vừa lạ vừa quen. Quen bởi nguyên liệu, gia vị giống của Việt Nam. Lạ bởi những món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng chưa từng được ngó qua. Và còn bởi vị cay nồng của ẩm thực Lào: Hình như món nào cũng có ớt, không phải cho một vài lát mà rất nhiều, có món đỏ ươm màu ớt. Mới gắp miếng đầu tiên đưa vào miệng, cô bạn trong đoàn đã xuýt xoa: Cay thế! Chợt thấy xung quanh các bạn chủ nhà nhìn mình, cô bèn “chữa”: Nồng nàn quá! Món ăn của Lào đượm vị thật!
Trước khi khách ngồi vào mâm đã có sẵn những món đồ nguội. Món xôi nếp được đựng trong ép khảu (hay coóng khảu đan bằng nan tre, nứa hoặc giang, giống như của đồng bào Thái Tây Bắc nước ta). Hạt nếp hơi dài, mới nhìn qua tưởng khô cứng nhưng xôi lại dẻo, mịn, vo vào tay không dính. Khi ăn xôi không dùng thìa hay đũa, mà mọi người đều dùng tay nhón một chút nắm nắm vo viên lại, chấm với nước chấm riêng. Đây là món ăn truyền thống, thường thấy trong các bữa ăn của người Lào. Điều này cho thấy văn hóa lúa nước của người Lào cũng có nét giống Việt Nam, nhất là đồng bào rẻo cao Tây Bắc. Cho nên, có người dù không thích ăn xôi lắm nhưng món xôi rất hấp dẫn nên vẫn “hút” tay vào ép khảu liên tục.
Thường đi cùng xôi nếp là món “gà nướng” (Ping Kai). Gà sau khi mổ sạch sẽ, tẩm ướp gia vị rồi kẹp cả con vào que tre nướng trên than của cây gỗ lâu năm đến chín vàng đều. Thịt gà chắc nịch quện với vị cay nồng, thêm một chút chua một chút ngọt, chấm với nước chấm “cheo boong” đặc trưng của xứ sở Chăm pa, vừa ăn vừa hít hà mùi thơm nức làm cho du khách được thưởng thức một lần sẽ khó quên. Không chỉ trên bàn tiệc hay mâm cơm, món gà nướng còn được bày bán ở các chợ sáng, chợ đêm, quán ăn đường phố. Nghe nói, ngon nhất là gà nướng Sa-va-na-khẹt (một tỉnh miền Nam nước Lào).
Những ngày ở Lào, bữa nào chúng tôi cũng được thưởng thức món “Tăm mạc hùng”. Nghe tên thấy lạ, háo hức đón chờ, thì ra đó là món nộm đu đủ xanh. Đây cũng là món đặc sản được người Lào ưa thích. Thực ra món ăn rất đơn giản, không có vẻ cầu kỳ từ nguyên liệu, chế biến đến cách thưởng thức. Từng sợi đu đủ được bào nhỏ, trộn với các loại gia vị: Chua, ngọt, mặn và không thể thiếu vị cay từ những lát ớt thái vát. Phụ thêm nữa là vị bùi của hạt lạc rang, có khi thêm đỗ xanh vừa bùi vừa có vị béo. Chỉ bấy nhiêu thôi mà món ăn trở nên hấp dẫn. Hấp dẫn từ tên gọi đến mùi vị và trang trí hình thức trên đĩa mới nhìn đã muốn ăn ngay, nhưng nhấp miếng đầu tiên vị cay nồng xộc lên như ăn món chấm mù tạt quá tay vậy.
Một món ngon mà các bạn chủ nhà hay mời và thường thấy trên bàn ăn mỗi bữa là món “lạp”. Phải hỏi đi hỏi lại, lắng nghe một lúc tôi mới rõ tên món đơn giản chỉ có một từ và hiểu thêm về món đặc sản này. Lạp được làm từ các loại thịt gà, lợn, bò... băm nhỏ, trộn với rau thơm, nước cốt chanh, bạc hà và không thể thiếu ớt tươi đem xào lên. Món này ăn rất tốn cơm hoặc ăn kèm dưa chuột, rau xà lách, cà chua, đậu đũa... được thưởng thức một lần khó có thể quên hương vị nồng cay, đậm đà chút chua chút ngọt, nhai kỹ thấy bùi bùi.
Trên mâm cơm ở Lào, điều đặc biệt là mỗi món ăn có loại nước chấm riêng. Mỗi người riêng một bát nước chấm, một bát canh nhỏ. Vào mâm rượu, nếu có nhu cầu thì trước tiên nhân viên phục vụ xơi cơm ra đĩa (không đựng bằng bát ăn cơm) vừa ăn cơm, húp canh vừa uống rượu. Có lẽ vậy mà uống rượu ở xứ sở Chăm pa ít khi thấy choáng váng kiểu say, nhất là mỗi bữa rượu ngồi hàng tiếng đồng hồ, những cuộc nói chuyện cởi mở, lôi cuốn khiến ta quên đi chất nồng cay của rượu được chưng cất từ hạt nếp đặc sản ủ men lá.
Còn nhiều món ẩm thực đặc sản của nước Lào mà không thể nhớ tên, không thể kể hết trong một bài viết ngắn. Chỉ có thể nhủ lòng sớm thăm lại Lào - đất nước Triệu Voi, xứ sở Chăm pa - để thêm cơ hội thưởng thức, khám phá văn hóa ẩm thực nồng cay đậm vị...