Hoạt động của ngành

Phan Thiết nhiều tiềm năng trở thành điểm hút khách bậc nhất Việt Nam

Cập nhật: 11/09/2019 15:41:33
Số lần đọc: 1123
Hệ thống giao thông, hạ tầng phát triển cùng các resort, khách sạn cao cấp được đầu tư dự báo Phan Thiết sớm trở thành trung tâm du lịch mới của Việt Nam.


Phan Thiết với đường bờ biển trong xanh luôn là điểm đến hấp dẫn. (Ảnh: CTV)

Mũi Né-Phan Thiết, đang trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất Việt Nam với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, bãi biển trong xanh có thể khai thác du lịch quanh năm.

Bộ mặt du lịch của thành phố cũng thay đổi từng ngày từ khi được Chính phủ phê duyệt quy hoạch đưa Mũi Né-Phan Thiết trở thành điểm đến hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương.

Hệ thống cao tốc, sân bay được nâng cấp cùng làn sóng đầu tư của các tập đoàn nghỉ dưỡng lớn dự báo đây sẽ là điểm đến hút khách bậc nhất Việt Nam trong thời gian tới.

Vì sao Phan Thiết ngày càng hút khách du lịch?

Báo cáo của tổng cục thống kê từ 2015-2018 cho thấy chỉ số tăng trưởng khách du lịch của thành phố Phan Thiết-Mũi Né luôn nằm ở mức hai con số. Năm 2018 có khoảng 5,7 triệu khách đến Phan Thiết tương đương Nha Trang, Đà Nẵng và gấp gần 1,5 lần Phú Quốc.

Tổng thị trường khách đến Bình Thuận trong 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng trưởng mạnh với gần 3 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 376 nghìn lượt, tăng 12,37% so cùng kỳ năm 2018.

Theo các chuyên gia du lịch, có ba yếu tố chính khiến Mũi Né-Phan Thiết trở thành điểm đến hấp dẫn trong vài năm trở lại đây.

Đầu tiên là điều kiện thiên nhiên ưu đãi với hệ thống bãi biển hoang sơ trải dài gần 300km. Khí hậu nhiệt đới, nhiều ngày nắng, ít mưa bão cho phép du khách có thể nghỉ dưỡng quanh năm.

Ngoài những điểm du lịch nổi tiếng như: Danh thắng Bàu Trắng, công viên vui chơi giải trí Hòn Rơm, Dinh vạn Thuỷ Tú, Trường Dục Thanh, Lầu ông Hoàng… Phan Thiết còn có những di tích văn hoá Chăm Pa đặc sắc.

Tiếp đến là quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ là đòn bẩy khiến hàng loạt thay đổi về hạ tầng đô thị, giao thông.

Sân bay Phan Thiết đang gấp rút chuẩn bị để khởi công vào quý 3/2019 và sớm đi vào hoạt động. Hệ thống đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1A mới đưa vào khai thác góp phần đưa Phan Thiết trở thành tâm điểm của “tứ giác vàng du lịch” Thành phố Hồ Chí Minh-Phan Thiết-Đà Lạt-Nha Trang.

Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp của hàng loạt tập đoàn lớn trong và ngoài nước cũng khiến bộ mặt thành phố thay đổi từng ngày. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để thu hút thêm khách du lịch quốc tế đến Phan Thiết và kéo dài thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của khách.

Dư địa phát triển du lịch của Phan Thiết

Nhìn từ hình ảnh của Phú Quốc 6 năm trước khi sân bay quốc tế đi vào hoạt động, có thể thấy rõ tiềm năng du lịch Phan Thiết hiện nay.

Trước năm 2013, Phú Quốc được nhiều nhà đầu tư để ý vì có lợi thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên, giá đất rẻ. Nhưng chỉ đến khi sân bay quốc tế, đường trục Bắc Nam, đường vòng quanh đảo đi vào hoạt động thì diện mạo của Phú Quốc mới thực sự thay đổi.

Chỉ trong sáu năm, lượng khách du lịch đến Phú Quốc đã tăng 20 lần. Năm 2018, Phú Quốc đón hơn bốn triệu lượt khách. Du lịch phát triển kéo theo hàng loạt ngành dịch vụ, lưu trú, nhà hàng khách sạn. Hầu hết các dự án bất động sản tại Đảo Ngọc đều có sự góp mặt của các tập đoàn lớn của trong nước và quốc tế.

Từ câu chuyện Phú Quốc trước và sau khi được đầu tư về cơ sở hạ tầng có thể thấy tương lai đầy triển vọng về tiềm năng du lịch của Phan Thiết với nhiều điểm tương đồng.

Thống kê 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh Bình Thuận cho thấy, trong gần 3 triệu lượt khách đến đây chỉ có khoảng 370 nghìn lượt khách quốc tế (chiếm khoảng 11%). Đa số là khách Trung Quốc và các nước Đông Âu đi nghỉ đông.

Theo các chuyên gia du lịch, với tốc tộc tăng trưởng du khách và hạ tầng dần được cải thiện, Phan Thiết còn nhiều dư địa để phát triển thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Theo Tổng cục thống kê, mặc dù có lượng khách du lịch tương đương Đà Nẵng, Nha Trang, nhưng lượng phòng khách sạn 4-5 sao của Phan Thiết chỉ bằng khoảng 30% của các thành phố này. Với mục tiêu đón 10 triệu khách du lịch lưu trú vào năm 2023, khi sân bay hoàn thành, Phan Thiết còn thiếu khoảng 16.000 phòng khách sạn 4-5 sao.

Ghi nhận của CBRE cho thấy, công suất phòng của các khách sạn 4-5 sao tại Phan Thiết đạt gần 65%, tương đương với Hạ Long-Phú Quốc và cao hơn so với Nha Trang, Đà Nẵng. Nhận thấy tiềm năng này, hàng loạt tập đoàn lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Apec Group… liên tục đầu tư, xây dựng các khu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp vào đây.

Theo thống kê của tỉnh Bình Thuận, trong năm 2018, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án, luỹ kế đến nay đã có 390 dự án du lịch còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 6.495 ha và tổng vốn đầu tư 60.195 tỷ đồng; trong đó 184 dự án du lịch đã đi vào hoạt động.

Theo các chuyên gia du lịch, với tốc tộc tăng trưởng du khách và hạ tầng dần được cải thiện, Phan Thiết còn nhiều dư địa để phát triển thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất Việt Nam.

Tương lai của điểm đến hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương

Một trong những ưu tiên hàng đầu để phát triển du lịch Mũi Né-Phan Thiết là tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia; Thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Mũi Né trở thành điểm đến hấp dẫn.

Ủng hộ Phan Thiết đạt mục tiêu trên, Thủ tướng đã đồng ý điều chỉnh quy mô của sân bay Phan Thiết từ hơn 5.000 tỷ lên hơn 10.000 tỷ đồng.

Dự tính sau khi đi vào hoạt động, đây sẽ là một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng. Khu vực nhà ga hành khách cũng được mở rộng từ 5.000 m2 lên 19.200 m2, công suất thiết kế nhằm phục vụ 2 triệu hành khách mỗi năm.

Song song với đó là những tổ hợp vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp dọc trục đường Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Đình Chiểu. Đây được mệnh danh là "cung đường resort" với sự quy tụ của gần trăm dự án nghỉ dưỡng cao cấp như NovaHills Mũi Né của Tập đoàn Novaland; Sentosa do Hưng Thịnh đầu tư hay Goldsand Hill Villa của Công ty Lộc Tú và VNGroup…

Nổi bật trong số đó là tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí NovaWorld Phan Thiet của tập đoàn Novaland. Dự án có quy mô hơn gần 1.000 ha, trải dài trên 6,7 km đường bờ biển.

Điểm nhấn của dự án này là mô hình đầu tư các dòng sản phẩm second home kiến trúc Mỹ và đa dạng các sản phẩm như grand villa, villa, mini villa, townhouse, khu shophouse mặt biển sầm uất…với đa mục đích sử dụng.

Bên cạnh hệ thống hạ tầng, giao thông thì việc thiếu hụt điểm vui chơi giải trí ấn tượng cũng là lý do khách du lịch đến Phan Thiết thường lưu trú ngắn ngày, chi tiêu ít.

Vì vậy tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí NovaWorld Phan Thiet cũng đầu tư mạnh vào việc xây dựng các cụm sân golf theo tiêu chuẩn quốc tế đủ điều kiện đăng ký các giải thi đấu chuyên nghiệp (GPA); Cụm công viên chủ đề, công viên nước; Bến du thuyền, Công viên bãi biển với khu Bikini Beach, bãi biển chắn sóng Ocean Lagoon, câu lạc bộ thể thao biển mạo hiểm, quảng trường sân khấu ngoài trời Colosseum… để thu hút thêm khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách quốc tế.

Hệ thống giao thông, sân bay được đầu tư nâng cấp cùng với làn sóng đầu tư của hàng loạt dự án nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp đang hình thành dự báo diện mạo của ngành du lịch Phan Thiết sẽ thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục