Hoạt động của ngành

Phát huy giá trị di sản, tạo nền tảng đưa du lịch Bắc Kạn ''cất cánh''

Cập nhật: 17/11/2023 11:56:59
Số lần đọc: 473
Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần tích cực trong việc thu hút du khách, đưa Bắc Kạn trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc sắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lấy văn hóa để phát triển du lịch

Cuối thu, tiết trời Ba Bể se lạnh, nhóm du khách đến từ Hải Phòng sau khi dùng bữa tối, quây quần cùng chủ nhà nghỉ Homestay Ngôn Văn Toàn, thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu nghe ông kể huyền tích hồ Ba Bể, chia sẻ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày và chuyện người dân nơi đây làm du lịch cộng đồng. Dù đi du lịch nhiều nơi nhưng chị Bùi Thu Hoài, thành viên nhóm du khách Hải Phòng không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên, được nghe hát Then - đàn Tính, ăn tép chua, khám phá nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày trong khung cảnh thơ mộng của hồ Ba Bể đối với chị là trải nghiệm khó quên.

“Mỗi dịp dẫn khách đến Ba Bể, phản hồi từ du khách đối với du lịch cộng đồng nơi đây khá tốt bởi có sự hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa bản địa của cộng đồng dân cư” - Hướng dẫn viên Cao Văn Đức của hãng Vietravel chia sẻ.

Đến Khâu Đấng (Pác Nặm), du khách được hòa mình với người dân địa phương để tìm hiểu về văn hóa, tập quán, cách sinh hoạt của họ

Những ai từng đặt chân đến Khâu Đấng (xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm) đều cảm mến khung cảnh bình yên và con người nơi đây. Dưới mái nhà sàn cổ là cuộc sống bình dị nhưng đầy màu sắc của đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Dù làm gì, ở đâu, trong dịp lễ, Tết hay xuống chợ, làm nương, phụ nữ Sán Chỉ vẫn mặc trang phục truyền thống với niềm tự hào riêng. Ở Khâu Đấng, văn hóa liên quan đến lễ nghi vòng đời người và lao động sản xuất vẫn được gìn giữ, phát huy. Trải nghiệm cùng phụ nữ Sán Chỉ dệt vải, tắm thác mùa hè, thưởng thức món ăn ngon cũng là điểm cộng cho Khâu Đấng.

Anh Hoàng Văn Thành, Trưởng thôn Khâu Đấng bộc bạch: “Người dân Sán Chỉ ở Khâu Đấng luôn tự hào và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, từ nếp nhà sàn, trang phục, nghề dệt vải đến các lễ nghi, phong tục. Khách phương xa đến Khâu Đâng chắc chắn sẽ cảm mến khung cảnh hữu tình, văn hóa đa dạng và tình người nồng ấm”.

Khuân Bang là thôn vùng cao của xã Như Cố (Chợ Mới), nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày. Nơi đây hội tụ đủ yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng từ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nếp nhà sàn cổ kính, khí hậu trong lành, môi trường xanh - sạch, thôn có đội văn nghệ quần chúng và rất nhiều truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và phát huy. “Ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người dân đã giúp Khuân Bang giữ được nguyên vẹn những mái nhà sàn và nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp từ đời cha ông truyền lại. Đây cũng là cơ sở để tỉnh lựa chọn Khuân Bang đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, mở hướng đi mới cho bà con” - Trưởng thôn Khuân Bang Vũ Sơn Hà chia sẻ.

Để biến những vùng đất giàu tiềm năng này thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, ngành Du lịch đã và đang chủ động tham mưu cho tỉnh xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, những địa danh du lịch cộng đồng nổi tiếng ở khu vực phía Bắc ngoài lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu thì yếu tố hàng đầu để hấp dẫn, níu chân du khách là nét văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư được lưu giữ và phát huy. Ở Bắc Kạn, những thôn, bản có nhiều lợi thế để làm du lịch cộng đồng như: Khâu Đấng (Pác Nặm), Phiêng Phàng (Ba Bể), Khuân Bang (Chợ Mới), Cọn Poỏng (Chợ Đồn), Bản Chiêng (Bạch Thông), Nà Tuồng (Na Rì)… không còn nhiều và cần động thái quyết liệt, đồng bộ của cấp ngành chức năng trong bảo tồn các giá trị văn hóa cốt lõi, tiêu biểu. Ngay cả những thôn có truyền thống làm du lịch như Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc thuộc khu hồ Ba Bể cũng phải đề cao công tác bảo tồn.

Sự đồng thuận của người dân là “chìa khóa” thành công

Người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh sẵn sàng để tiếp đón du khách gần xa với những nét văn hóa đặc sắc của mình (Ảnh: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Kạn năm 2023)

Nhà sàn xuống cấp trầm trọng, gia đình anh Trương Văn Lại, thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố (Pác Nặm) phải xây mới. Lựa chọn làm nhà theo kiểu truyền thống của anh Lại nhận được sự đồng tình và giúp đỡ của bà con thôn Khâu Đấng, dù việc tìm vật liệu thay thế, sửa chữa không đơn giản. Đây cũng là cách mà người Sán Chỉ ở Khâu Đấng nhiều năm qua giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của mình trước những tác động mạnh mẽ của dòng xoáy kinh tế thị trường. Theo dự kiến, thôn Khâu Đấng sẽ được đầu tư khoảng 10 tỷ đồng từ Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây sẽ là nguồn lực to lớn để người dân Khâu Đấng bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống kết hợp làm du lịch cộng đồng.

Không chỉ có nhà anh Trương Văn Lại mà các hộ dân ở Khâu Đấng cũng phấn khởi và sẵn sàng bước vào hành trình mới với hành trang là những nếp nhà sàn, những truyền thống văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp để tiếp đón du khách gần xa.

Theo kết quả kiểm kê, đánh giá của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn tỉnh hiện còn hơn 9.000 công trình kiến trúc nhà ở truyền thống, hơn 90% là nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng, Sán Chỉ. Để bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời phát huy giá trị, thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương, UBND tỉnh đã có Công văn số 3319/UBND-GTXNXD giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tham mưu các biện pháp, chính sách hỗ trợ cho các địa phương bảo tồn, lưu giữ kiến trúc nhà ở truyền thống kết hợp với phát triển du lịch tại địa phương. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện Đề tài “Giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát triển kiến trúc nhà truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” khi được đưa vào danh mục thực hiện; rà soát, đề xuất các địa danh để ban hành hướng dẫn quản lý tạm thời về kiến trúc, cảnh quan, việc xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ đối với các địa danh, vị trí các thôn, bản có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh… Điều này cho thấy, tỉnh đang và sẽ từng bước nỗ lực hoàn thiện để khẳng định hình ảnh một điểm đến an toàn, hấp dẫn và đặc sắc.

Nhấn mạnh yếu tố bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên gắn kết với phát triển du lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Đình Thất cho biết, thời gian trước, ở một số địa phương chưa làm tốt công tác bảo tồn nên mai một dần những giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên cũng không còn nguyên trạng. Vì vậy, Ngành đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện bảo tồn, giữ gìn văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của các dân tộc. Quy hoạch và bảo tồn tốt sẽ là cơ sở để phát triển du lịch cộng đồng, ở những nơi cư dân hưởng lợi từ du lịch cộng đồng sẽ có ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống./.

Thu Trang

Nguồn: Cổng TTĐT Bắc Kạn - Backcan.gov.vn - Ngày 17/11/2023

Cùng chuyên mục