Hoạt động của ngành

Du lịch Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng với tiềm năng

Cập nhật: 17/11/2023 11:15:50
Số lần đọc: 592
Lai Châu sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nền văn hóa truyền thống đa dạng, đặc sắc, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Thế nhưng các sản phẩm du lịch vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có, chưa bao hàm nhiều giá trị gia tăng và tính chuyên nghiệp nên hiệu quả kinh tế, xã hội từ hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.


Hội tụ văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc thiểu số, chợ phiên San Thàng (thành phố Lai Châu) là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Bích Nguyên

Thừa tiềm năng, thiếu thông tin, ít sản phẩm

Lai Châu là mảnh đất vùng Tây Bắc, với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ. Địa phương này có những đỉnh núi cao thuộc tốp đầu của Việt Nam và Đông Nam Á như đỉnh Pu Si Lung, Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử... với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật phong phú trong biển mây bồng bềnh. Lai Châu còn có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa trong suốt chiều dài phát triển của đất nước; là nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia Bia đá cổ khắc ghi bài thơ trấn giữ biên cương của vua Lê Thái Tổ; là cầu nối giữa hai điểm du lịch nổi tiếng Sa Pa và Điện Biên Phủ; con người hiền hòa, thân thiện và hiếu khách.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Lai Châu là vùng đất sinh sống của hơn 20 dân tộc anh em, trong đó có 90% là dân tộc thiểu số với những nét văn hóa riêng biệt, đặc sắc. Cảnh quan thiên nhiên của Lai Châu mang nhiều sắc thái đặc trưng của rừng núi vùng cao, đồng thời cũng mang nhiều dấu ấn đậm nét thể hiện sức người cải tạo thiên nhiên qua các vùng chè, vùng rừng trồng cây công nghiệp... Điều này đã tạo nên cho Lai Châu một “kho tàng” tài nguyên du lịch khá đồ sộ và đặc sắc, đầy tiềm năng để phát triển du lịch trở thành một trong những trọng điểm của vùng Tây Bắc.

Thời gian qua, nhận thức rõ về tiềm năng, dư địa phát triển du lịch của địa phương, cơ quan quản lý đã chủ động triển khai nhiều hoạt động và huy động sức mạnh liên kết phối hợp giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, xúc tiến, quảng bá, du lịch Lai Châu đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp ngày càng nhiều để phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải thẳng thắn nhìn nhận: Du lịch Lai Châu hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Nhiều chuyên gia đánh giá thực trạng du lịch của Lai Châu hiện nay là “thừa tiềm năng, thiếu thông tin, ít sản phẩm”. Thực tế, lượng khách du lịch hàng năm đến Lai Châu chưa nhiều, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch còn thấp so với cả nước, chưa thu hút được thị trường khách du lịch cao cấp, sản phẩm du lịch chưa phong phú, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, cơ sở vật chất còn hạn chế, tính liên kết vùng trong phát triển du lịch chưa cao, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư chưa hiệu quả.

Cần thay đổi để phát triển

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội phân tích: “Ẩm thực rất quan trọng trong phát triển du lịch, vì vậy muốn phát triển du lịch, Lai Châu cần chú ý xây dựng và phát triển ẩm thực cổ truyền của địa phương; có chiến lược và có giải pháp tích cực, đặc biệt là sự đầu tư bài bản cho phát triển du lịch, phát triển các doanh nghiệp du lịch, phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng hành lang tốt để thu hút nhà đầu tư. Lai Châu cũng có thể tập trung vào phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch trải nghiệm, xây dựng sản phẩm du lịch đi chợ đường biên. Để phát triển du lịch, điều quan trọng nhất là đã đến lúc Lai Châu nên thay đổi tư duy, thay đổi hành động để tạo ra những cảm xúc mới và riêng có cho du khách khi đến Lai Châu”.

Hướng tới phân khúc khách cao cấp, ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Hi Travel, thành phố Hồ Minh cho rằng, Lai Châu nên chú trọng thêm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với phát triển vùng sâm. “Nên định hướng khách hàng theo hướng nghỉ dưỡng và trị bệnh hoặc thưởng thức các món ăn bổ dưỡng; không nên chú trọng riêng về du lịch tham quan, tự nhiên. Mặt khác, khoảng cách giữa các điểm du lịch xa nhau nhưng lại không có điểm dừng nghỉ để du khách check-in, chụp ảnh giới thiệu về Lai Châu; đặc biệt là du lịch cộng đồng còn khó khăn, vì vậy, tỉnh cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Mặt khác, Lai Châu cần giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà mang đậm bản sắc dân tộc và nhân rộng cách làm du lịch của người dân bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá để nhiều khách du lịch biết đến. Cùng với đó, cần thay đổi hình thức tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng cách tận dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo; thay đổi tư duy tiếp cận khách hàng. Mặt khác, tỉnh cũng cần có sự liên kết tuyến giao thông, liên kết các giá trị văn hóa với các địa bàn lân cận để tạo các sản phẩm du lịch ấn tượng với du khách” - ông Hiệp gợi mở.

Đánh giá cao tiềm năng du lịch của Lai Châu, tuy nhiên, ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Travelogy Việt Nam cho rằng, việc xây dựng thương hiệu, điểm đến của Lai Châu chưa rõ nét. Các chuỗi cung ứng về du lịch chưa khớp và đang bị đứt từ giao thông, khách sạn, nhà hàng và nhân sự hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Lai Châu cần định vị lại thương hiệu du lịch, trong đó, trước tiên là cần làm tốt công tác truyền thống, xây dựng các logo, biểu trưng ấn tượng.

Bích Nguyên

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 16/11/2023

Cùng chuyên mục