Phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai
Các đại biểu xem bộ sưu tập đàn đá Bình Đa được công nhận Bảo vật quốc gia, đang lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Đồng Nai là điểm khởi phát và lan tỏa của dòng chảy văn hóa Nam Bộ. Sẽ không thể có một Đồng Nai tiên phong, hiện đại, văn minh nếu người dân địa phương thiếu vắng bản sắc và truyền thống văn hiến trong từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim mình.
Vùng đất Đồng Nai có sứ mệnh lịch sử gìn giữ và trao truyền cho các địa phương khác ở Nam Bộ truyền thống văn hiến và tinh thần khai phóng, tiên phong của cha ông các thời đại. Trong mối quan hệ tổng thể của văn hóa Nam Bộ, văn hóa Đồng Nai thể hiện nổi trội các đặc trưng tiêu biểu về đa dạng, văn hiến, tiên phong và đang trên đường hướng tới hiện đại, văn minh. Các cộng đồng dân tộc, tôn giáo sinh sống chan hòa, nương tựa nhau cùng tạo nên một bức tranh văn hóa Đồng Nai đa dạng, dung hòa, hội tụ và lan tỏa. Các thuộc tính này vừa là điều kiện tích cực, vừa là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế không chỉ của riêng Đồng Nai mà của cả vùng Đông Nam Bộ.
Cùng quan điểm trên, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay khẳng định: Tinh thần tiên phong mạnh mẽ hướng về phía trước luôn luôn chảy trong mạch nguồn kết nối văn hóa vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai từ xưa đến nay. Chính việc lựa chọn Trấn Biên để xây văn miếu từ rất sớm đã minh chứng cho việc mảnh đất này có nhiều động lực lan tỏa phát triển cho Đồng Nai và toàn vùng Nam Bộ. Đây cũng là nơi phải chịu đựng những thử thách đầu tiên trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc trước sự xâm lược của thực dân Pháp.
Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những nơi đầu tiên tiếp cận với những cái mới mẻ, văn minh của phương Tây. Đến khi thống nhất đất nước thì Đồng Nai cũng là cái nôi dẫn đầu về phát triển công nghiệp. Để phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai, trước hết cần phải nhận thức vị thế của Đồng Nai trong tổng thể, ít nhất là của Nam Bộ. Về giáo dục, phải làm sao để người dân Đồng Nai biết tự hào về lịch sử, văn hóa của vùng đất và trách nhiệm của bản thân đối với nơi mình sinh sống.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng: Để phát triển văn hóa, con người Đồng Nai trong thời gian tới, tỉnh cần khơi dậy khát vọng phát triển quê hương Đồng Nai ngày càng đổi mới, tiến bộ, giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Xây dựng con người Đồng Nai phát triển toàn diện là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, đổi mới với những phẩm chất yêu nước, yêu quê hương, đoàn kết, dũng cảm, tài trí. Tập trung cao cho việc xây dựng con người Đồng Nai có trình độ học vấn và văn hóa cao hơn, thực chất hơn, giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa quê hương, vươn lên theo kịp bước đi của đất nước và hội nhập quốc tế.
Đồng Nai là nơi mà có nhiều doanh nghiệp cho nên phải làm sao phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Trước hết, mỗi sản phẩm phải chứa một hàm lượng văn hóa, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tin tưởng lẫn nhau, giữ chữ tín với khách hàng. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, để xác định được một hệ giá trị văn hóa mang tính đặc thù cho Đồng Nai, không chung chung, không trùng lặp với các địa phương khác và đem lại hiệu quả thiết thực, tỉnh nên gấp rút thực hiện một đề tài khoa học nghiên cứu hệ giá trị văn hóa, con người Đồng Nai với bốn nhiệm vụ chính tương ứng với bốn bước trong quy trình xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người. Từ đó, mới có cơ sở khách quan để xác định được một hệ giá trị văn hóa, con người mang tính đặc thù cho Đồng Nai, tạo ra nguồn lực giúp Đồng Nai phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Cũng theo các nhà khoa học, để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, biến thách thức thành cơ hội. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là khơi dậy được khát vọng phát triển quê hương Đồng Nai ngày càng đổi mới, tiến bộ, giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc và xây dựng con người Đồng Nai phát triển toàn diện.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh: Ý nghĩa của hội thảo là tổng hợp những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương, tổng hòa trên tất cả các mặt, lĩnh vực của đời sống, được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử.
Đây là sợi dây kết nối, diễn đàn quan trọng để quy tụ lòng người, đoàn kết xã hội, gắn kết các định hướng lớn cho xây dựng, phát triển bền vững tỉnh Đồng Nai, đồng thời, tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững: “Tôi tin rằng, với một tỉnh có bề dày lịch sử 325 năm hình thành và phát triển, giàu truyền thống cách mạng, nơi hội tụ của “hồn thiêng sông núi” đất phương nam, đội ngũ cán bộ lãnh đạo tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao vì sự phát triển chung; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ vượt qua mọi thách thức để xây dựng hình ảnh văn hóa, con người Đồng Nai phát triển bền vững, thịnh vượng, mang tầm cỡ khu vực”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đề nghị các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Bài và ảnh: Thiên Vương