Phát huy thế mạnh văn hoá, du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng, đồng hành đưa Nghị quyết 30 vào cuộc sống
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Báo Văn hóa
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Đồng chủ trì có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Dự hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đây là hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhằm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng, một vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong việc phát triển nhanh, bền vững mỗi vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng là: Tiểu vùng Bắc Đồng bằng sông Hồng gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị. Ảnh: Báo Văn hóa
Vùng Đồng bằng sông Hồng là vùng đất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển, có truyền thống lịch sử văn hiến, cách mạng, anh hùng, vẻ vang. vùng có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều những di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể quý giá. Đồng thời, đây cũng là trung tâm hàng đầu về y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ với đội ngũ trí thức giỏi và đông đảo lực lượng lao động có chất lương cao; là cái nôi đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu có uy tín.
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng, ngày 14.9.2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW; và ngày 28.10.2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 13-KL/TW về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020.
Qua 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị các khóa IX và XI, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong vùng đã phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang và những tiềm năng, lợi thế vượt trội, nhất là về nguồn nhân lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, liên tục phấn đấu đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn còn một số mặt hạn chế. Thực tế đã đặt ra yêu cầu phải ban hành Nghị quyết mới, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước trong giai đoạn phát triển mới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trình bày báo cáo về một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 30-NQ/TW; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trình bày chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết.
Hội nghị cũng đã nghe ý kiến đại diện của các Ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TITC
Trong tham luận trình bày tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Bộ VHTTDL ý thức một cách đầy đủ rằng, Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 và xác định nhiều nội dung toàn diện, sâu sắc về lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh, trong đó lĩnh vực văn hóa được Bộ Chính trị đề cập hết sức đầy đủ, toàn diện và có rất nhiều điểm mới. Nghị quyết cũng đã xác định, vùng Đồng bằng sông Hồng là nơi hội tụ và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của dân tộc ta. Nghị quyết cũng đặt vấn đề kinh tế phải phát triển hài hòa với văn hóa như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí Thư, đó là đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế và chính trị. Đồng thờip, Nghị quyết yêu cầu phải giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa, các giá trị văn hóa lịch sử của vùng trên cơ sở các quan điểm, các nhiệm vụ được nêu ra trong Nghị quyết 30 đã cho thấy rất nhiều điểm mới về văn hóa.
“Thay mặt cho toàn ngành Văn hóa, chúng tôi xin được trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo sâu sắc của Bộ Chính trị để trên cơ sở này, ngành Văn hóa tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy Đảng cùng với các địa phương tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, nhất là cụ thể hóa sâu sắc hơn chương trình hành động của Chính phủ để tập trung thực hiện Nghị quyết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để thực hiện Nghị quyết, ngành Văn hóa cũng như toàn bộ các địa phương trong khu vực cần phải quán triệt các quan điểm lớn, từ đó nhận diện sâu sắc hơn về những tiềm năng thế mạnh văn hóa của vùng. Đây là vùng có truyền thống văn hóa lâu đời, là cái nôi hình thành văn hóa của người Việt cổ gắn liền với văn hóa Đông Sơn và kinh đô của nhiều triều đại phong kiến. Nếu như ở Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị xác định về Đồng bằng Sông Cửu Long, khẳng định đây là “vùng đất Chín Rồng” thì Nghị quyết 30 lần này cũng đã đề cập đến vấn hào hùng khí thế của Rồng bay khi mà “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Chính vì vậy, vùng đất này luôn luôn gắn liền với văn hóa xứ Kinh Bắc, văn hóa của xứ Đông, xứ Đoài, là cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống, của dân ca Quan họ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Trong vùng cũng có những tiềm năng văn hóa, tài nguyên văn hóa hết sức phong phú và đa dạng. Những con số thống kê sau đây cũng đủ chứng minh cho những điều đó. Vùngcó 102/123 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước, có 3/8 di sản văn hóa thiên nhiên được UNESCO ghidanh, có 5/14 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh cùng với 251 nghìn nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nân dân, những người đã giữ hồn và giữ lửa để trao truyền các nghệ thuật truyền thống, giá trị văn hóa của dân tộc chúng ta. Và cũng hiếm có địa phương nào trong vùng, khi mà trong quá trình phát triển đã luôn luôn chú ý tôn tạo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bằng hình thức cụ thể, nhân dân là người sáng tạo mà khó có địa phương đã có con số kỷ lục là hàng trăm câu lạc bộ hát chèo, hàng trăm CLB về dân ca Quan họ… Những cách làm sáng tạo bằng cách trao truyền, phát huy giá trị của nghệ nhân. “Trách nhiệm của Bộ VHTTDL và các địa phương là phải phát huy, giữ gìn, tôn tạo và đưa các các giá trị này để góp phần bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, Bộ trưởng nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại hội nghị. Ảnh: Báo Văn hóa
“Văn hoá là lĩnh vực rất rộng, vì vậy qua quá trình thực hiện, vừa phải toàn diện nhưng đồng thời cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình và bước đi thích hợp. Với cách tiếp cận này, Bộ VHTTDL đề nghị các địa phương trong vùng cùng đồng hành, tổ chức thực hiện một số công việc trọng điểm để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Với cách tiếp cận đó, chúng tôi đề nghị phải tập trung để xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, gắn liền với yếu tố giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, không gian văn hóa, văn hóa làng xã, mang đậm nét riêng của vùng. Từ đó xem xét mối quan hệ của dòng họ, của địa bàn, của hệ giá trị gia đình văn hóa… Khi chúng ta cụ thể hóa về giá trị văn hóa, con người Việt Nam, phải chăng ở vùng này còn phải chú ý thêm nét hào hoa, tinh tế của vùng đất đồng bằng sông Hồng để với tư cách là chủ thể, người dân sẽ chủ động sáng tạo, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa như tinh thần Nghị quyết đã nêu”. (Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng) |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, văn hoá là lĩnh vực rất rộng, vì vậy qua quá trình thực hiện, vừa phải toàn diện nhưng đồng thời cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình và bước đi thích hợp. “Với cách tiếp cận này, Bộ VHTTDL đề nghị các địa phương trong vùng cùng đồng hành, tổ chức thực hiện một số công việc trọng điểm để đưa Nghị quyết vào cuộc sống”, Bộ trưởng nói và cho biết: Với cách tiếp cận đó, chúng tôi đề nghị phải tập trung để xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, gắn liền với yếu tố giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, không gian văn hóa, văn hóa làng xã, mang đậm nét riêng của vùng. Từ đó xem xét mối quan hệ của dòng họ, của địa bàn, của hệ giá trị gia đình văn hóa… “Khi chúng ta cụ thể hóa về giá trị văn hóa, con người Việt Nam, phải chăng ở vùng này còn phải chú ý thêm nét hào hoa, tinh tế của vùng đất đồng bằng sông Hồng để với tư cách là chủ thể, người dân sẽ chủ động sáng tạo, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa như tinh thần Nghị quyết đã nêu”, Bộ trưởng nói.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị phải tập trung phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, sản phẩm du lịch phải mang tầm dầu ấn văn hóa. Tập trung xác định Thủ đô sẽ là trung tâm để kết nối, liên kết vùng đề phát triển, liên kết các sản phẩm du lịch. Chúng ta sẽ có các sản phẩm, hành trình qua miền di sản như: Tràng An, Hạ Long, Côn Sơn Kiếp Bạc, Vân Đồn… và nhiều sản phẩm tương tự khác để chúng ta đưa nền kinh tế này gắn kết giữa du lịch với văn hóa, trong đó văn hóa giữ vai trò động lực.
Kết thúc bài tham luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Để thực hiện nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra, chúng ta phải huy động được nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực đầu tư công giữ vai trò chi phối, có cơ chế để huy động các nguồn lực khác để tôn tạo, phát huy, giữ gìn các giá trị di tích vănhoá, lịch sử. “Tôi mong muốn Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ quan tâm để đầu tư các thiết chế văn hóa cho các địa phương trong vùng, vừa đảm bảo được các thiết chế theo quy định của pháp luật, đồng thời cũng có những thiết chế văn hóa và thể thao xứng tầm để chúng ta thực thi Nghị quyết”, Bộ trưởng đề nghị.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Báo Văn hóa
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nêu rõ, những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết Bộ Chính trị lần này có 3 điểm đáng chú ý. Nghị quyết đã kế thừa, bổ sung, phát triển thành 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ, sát hợp với tình hình mới.
Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị tiếp tục xác định: vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng là trách nhiệm của các địa phương trong vùng và toàn hệ thống chính trị. Các địa phương trong vùng cần phải bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vượt trội; phát huy thật tốt vai trò là vùng động lực phát triển hàng đầu để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về nhiệm vụ và giải pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững vùng, các tiểu vùng và các địa phương trong vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh...
Để tổ chức thực hiện có kết quả Nghị quyết lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL. Ảnh: TITC
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL. Ảnh: TITC
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý chí vươn lên, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết vươn lên làm cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước giàu mạnh và tốt đẹp hơn, dẫn đầu cả nước. Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, vùng cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển. Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển vùng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nghiêm túc thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, các cấp ủy và tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị ở các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng...