Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Du lịch vùng Đông Nam Bộ cần tăng cường sản phẩm đặc trưng, đổi mới xúc tiến quảng bá và đẩy nhanh chuyển đổi số
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh), cùng lãnh đạo các Sở quản lý du lịch các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, du lịch.
Theo báo cáo tại hội nghị, hoạt động liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ nhận được sự quan tâm và đồng thuận cao từ lãnh đạo các địa phương nằm trong liên kết cũng như của các doanh nghiệp 6 tỉnh/thành phố; đồng thời nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp trong việc hình thành một số tour, tuyến điểm du lịch liên kết vùng. Các tỉnh, thành trong vùng cũng đã tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá thông qua tổ chức 18 sự kiện du lịch tiêu biểu với sự tham gia đầy đủ của các địa phương.
Năm 2021, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 6 tỉnh, thành trong nhóm liên kết đạt 15,7 triệu lượt; tổng thu du lịch ước đạt 52 nghìn tỷ đồng. Trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 23 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu du lịch ước đạt 109 nghìn tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh Báo Bình Phước
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhận định Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động trong 7 vùng du lịch của Việt Nam; có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch. Đây là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển...
Để vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phát huy vị thế là đầu tàu du lịch của cả nước, các địa phương cần triển khai có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương. Tích cực khai thác, trao đổi khách du lịch giữa các địa phương trong vùng. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm đến, kết nối quốc tế và phát triển các điểm đến mới, sản phẩm mới, tour tuyến mới.
Toàn cảnh hội nghị
Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần tập trung đầu tư phát triển sản phẩm, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút quan tâm, khám phá của du khách trong và ngoài nước. Tạo ấn tượng đậm nét về thương hiệu du lịch vùng Đông Nam Bộ thông qua việc khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa và sản phẩm mới mà vùng Đông Nam Bộ có thế mạnh như: du lịch MICE tại TP. Hồ Chí Minh, du lịch biển Bà Rịa-Vũng Tàu, du lịch văn hóa tâm linh tại Tây Ninh, du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, làng nghề tại Bình Phước, Đồng Nai, du lịch tham quan khu công nghiệp, nhà máy sản xuất tại Bình Dương, du lịch đường sông khai thác ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai…
Thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong vùng; hình thành những điểm đến vệ tinh, gần với trung tâm du lịch TP. Hồ Chí Minh; và từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất du lịch cho toàn vùng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh cần đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và cách thức xúc tiến quảng bá. Bên cạnh các hình thức xúc tiến quảng bá trực tiếp cần kết hợp quảng bá trực tuyến trên các nền tảng số và mạng xã hội. Đồng thời, phát huy hiệu quả của Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh ITE hàng năm, cũng như các sự kiện lớn của các địa phương trong vùng. Triển khai các hoạt động gắn liền với chủ đề Năm Du lịch quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thường niên. Hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Du lịch, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia và của địa phương hướng tới thị trường khách quốc tế, thu hút du khách đến Việt Nam.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương chủ động triển khai chuyển đổi số, xây dựng các nền tảng dữ liệu du lịch, các hệ thống điều hành du lịch, nâng cao năng lực tiếp cận, khai thác công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch; đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, ủng hộ các sáng kiến ứng dụng công nghệ mới. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch để chuẩn bị tốt cho giai đoạn phục hồi và phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh Báo Bình Phước
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền khẳng định tỉnh sẽ tiếp tục cụ thể hóa vào các chiến lược, kế hoạch hành động của ngành du lịch, có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu gồm có: Ưu tiên xã hội hóa tối đa trên cơ sở huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch; ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo sức hút đầu tư để thực hiện phát triển du lịch; tiếp tục đề xuất Trung ương và chủ động phối hợp các địa phương để triển khai xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ, tạo “cú hích” đồng bộ trong liên kết phát triển du lịch vùng thời gian tới. Bên cạnh đó, ưu tiên cao trong phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch phù hợp, đặc trưng của tỉnh; khai thác hợp lý các điểm đến du lịch; tiếp tục liên kết hợp tác chặt chẽ phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước trao cờ luân lưu tổ chức hội nghị sơ kết luân phiên cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Hội nghị đã thông qua kế hoạch triển khai thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2023. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là đơn vị tổ chức hội nghị sơ kết luân phiên vào cuối năm 2023, đồng thời đảm nhận Trưởng ban điều phối năm 2024.
Trung tâm Thông tin du lịch