Tin tức - Sự kiện

Phát triển chuỗi thương hiệu du lịch - Khó nhưng cần thiết

Cập nhật: 14/03/2022 15:10:01
Số lần đọc: 927
Thương hiệu có vai trò lớn trong du lịch. Thương hiệu chuỗi càng lớn và đa dạng sẽ càng giúp phát triển điểm đến tốt hơn.


Azerai La Residence Huế là một trong những khách sạn có giá phòng cao nhất ở Huế hiện nay nhờ tập trung vào thương hiệu

Khách hàng chọn vì thương hiệu

Chia sẻ những lý do mà khách sạn vẫn duy trì lượng khách lưu trú thuộc top tốt nhất trong tỉnh hiện nay, bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Giám đốc điều hành Khách sạn Mường Thanh Huế cho rằng, thương hiệu Mường Thanh là yếu tố giúp khách sạn thu hút được khách đi theo dạng gia đình, tự túc (không đặt trước). Nhiều khách bật mí tìm đến khách sạn trong chuyến đến Huế du lịch, hoặc trên hành trình di chuyển qua Huế, đó là thấy an tâm về giá cả và dịch vụ. Hệ thống Mường Thanh trên toàn quốc là khách sạn từ 4-5 sao, có giá tương đương nhau, nên khách đã từng lưu trú trong hệ thống tiếp tục lựa chọn vì an tâm.

Thương hiệu chuỗi đã giúp khách sạn thu hút được khách, nhưng không vì thế mà đơn lẻ mỗi khách sạn chủ quan. Được quản lý trong hệ thống bài bản, quy mô, soi xét giữa các khách sạn, càng đòi hỏi mỗi khách sạn trong hệ thống nỗ lực hơn nữa, nâng cao chất lượng dịch vụ để “thi đua” trong hệ thống. Sự tác động qua lại này giúp việc xây dựng thương hiệu thêm phần hiệu quả.

Đồng tình và nhấn mạnh một yếu tố quan trọng trong phát triển thương hiệu theo chuỗi, ông Phan Trọng Minh, Tổng Giám đốc Azerai La Residence Huế cho rằng, đó chính là chất lượng của dịch vụ. Để một thương hiệu khắc ghi trong mỗi du khách và tạo dựng niềm tin sử dụng dịch vụ đòi hỏi phải có chất lượng tốt và có những đặc tính, cá tính riêng khi phục vụ. Thông thường, một thương hiệu càng lớn sẽ càng tạo được niềm tin của khách hàng. Vì phát triển theo chuỗi luôn có một quy chuẩn riêng về chất lượng. Thương hiệu càng lớn, quản trị càng có tính bài bản, phương thức toàn diện, phương án rủi ro, tầm nhìn và mục tiêu càng lớn. Ngay cả trong tình hình dịch bệnh, chuỗi khách sạn cũng có quy chuẩn riêng để phòng, chống dịch, nghiêm ngặt hơn cả những quy định chung.

Trong giới kinh doanh cũng khẳng định, thương hiệu là “vũ khí” cạnh tranh mạnh mẽ của doanh nghiệp trên thị trường. Thông qua việc tạo ra hình ảnh của sản phẩm và doanh nghiệp tạo ra uy tín, danh tiếng cho sản phẩm, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường thu hút không chỉ khách hàng tiềm năng mà cả khách hàng của các đối thủ cạnh tranh khác. Thương hiệu mạnh có thể làm tăng thêm giá trị của điểm đến, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp vệ tinh. Đặc biệt, với một thương hiệu mạnh, doanh nghiệp sẽ có được thế đứng vững chắc trong các cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường về giá, thu hút vốn đầu tư, thu hút nhân tài.

Qua dịch bệnh cũng chứng minh, những doanh nghiệp lớn, phát triển theo chuỗi thương  hiệu, hay tập đoàn đều có những giải pháp hay, nhanh chóng có những dịch vụ thay thế, giá trị thặng dư để duy trì trạng thái mở cửa, giữ chân người lao động. Hay trong tình trạng cần nhân lực để phục hồi ngành du lịch như hiện tại, các doanh nghiệp lớn cũng có lợi thế cạnh tranh các nhân viên có tay nghề, kỹ năng tốt để làm việc. Chính vì thế, qua ghi nhận, việc tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp này nhanh và thuận lợi hơn.

Khu nghỉ dưỡng tổng hợp Laguna Lăng Cô là thương hiệu du lịch lớn của Huế hiện nay

Cần đặt mục tiêu

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, điểm đến càng có nhiều chuỗi thương hiệu lớn, sẽ giúp nâng tầm chất lượng dịch vụ; hỗ trợ mỗi địa phương trong chiến lược phát triển, quảng bá điểm đến và ổn định về tình hình kinh doanh trước những tác động do thiên tai hay dịch bệnh. Điểm đến du lịch có tính hấp dẫn và có sức thu hút khách du lịch càng cao từ thương hiệu uy tín thì lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến càng lớn.

Theo một số thương hiệu du lịch hàng đầu, hàng năm doanh nghiệp luôn giữ ổn định được nguồn khách truyền thống và lượng lớn khách chọn mới. Việc mở rộng thị trường gặp thuận lợi vì nhiều khách hàng lựa chọn thương hiệu như để khẳng định tính cách, cá tính, hình ảnh riêng trong con mắt người khác. Thương hiệu góp phần phản ánh sở thích, cá tính và thói quen, hoàn cảnh của người sử dụng sản phẩm trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, về vĩ mô, Huế phải thu hút được những thương hiệu du lịch lớn trong nước và trên thế giới. Không riêng ở lĩnh vực lưu trú mà cả lữ hành, vận chuyển và các dịch vụ du lịch khác. Điều này không phải dễ ở thời điểm hiện tại, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh về điểm đến như hiện nay. Nhưng phải đặt mục tiêu, cùng với đó là nghiên cứu, tạo ra một môi trường, một bức tranh du lịch khởi sắc để tăng khả năng thu hút các thương hiệu đến Huế.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế mở như hiện nay, nhượng quyền thương hiệu du lịch là con đường mà Huế cần tính đến. Khi có những thương hiệu uy tín, lớn, doanh nghiệp sẽ được cung cấp đầy đủ cách thức hoạt động. Bên nhượng quyền hỗ trợ các dịch vụ du lịch. Phía nhượng quyền sẽ kiểm soát và trợ giúp mô hình hoạt động cho bên nhận quyền du lịch khi điều hành công việc kinh doanh. Với uy tín sẵn có từ thương hiệu nhượng quyền, tính minh bạch về sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch cũng được đảm bảo với người tiêu dùng.

Mới đây, hệ thống Khách sạn Vinpearl hợp tác với Tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới Meliá Hotels International. Theo giới chuyên môn, một bên là thương hiệu lớn trong nước, một bên là thương hiệu quốc tế, đó là bước đi để đưa lĩnh vực lưu trú trong nước ra thế giới, góp phần nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới; góp phần thu hút khách đến Việt Nam. Riêng đối với Huế, đó cũng là bước tiến cùng thương hiệu để ra thế giới được thuận lợi hơn.

Bài, ảnh: Quang Sang

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - thuathienhue.vn - Đăng ngày 14/03/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT