Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh: Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: TITC)
Tham dự diễn đàn còn có đại diện Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Khách sạn; Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành Hà Nội, Hải Dương, Kiên Giang, Lào Cai, Đà Nẵng, Khánh Hoà và các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú...
Thời điểm vàng để du lịch phục hồi và bứt phá
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký VCCI cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Đối với doanh nghiệp, vấn đề được quan tâm nhất lúc này là mở cửa như thế nào để vừa không làm du khách ngại ngần vì thêm các thủ tục, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.
Tổng thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh phát biểu khai mạc diễn đàn (Ảnh: TITC)
Ngành du lịch đang đứng trước cơ hội “vàng” khi chuẩn bị được mở cửa hoàn toàn. Cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ thời điểm đó để hiện thực hóa mục tiêu đề ra của ngành du lịch trong năm nay là đón khoảng 5 triệu khách quốc tế.
Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, bà Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh, VCCI luôn có những hoạt động để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cộng đồng doanh nghiệp ngành du lịch nói riêng, góp phần khẳng định Việt Nam là điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn.
Toàn cảnh diễn đàn (Ảnh: TITC)
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch và hàng không Việt Nam bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2021, tăng vọt trong thời gian từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022 (lượt tìm kiếm thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021). Đặc biệt, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ 2021.
Trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, đây là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành Du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới.
Để tạo “luồng xanh’’ cho Du lịch Việt Nam, theo Tổng cục trưởng, ngành Du lịch cần tập trung vào một số vấn đề: (1) Đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch. (2) Tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế. Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ 15/2/2022. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với khách nhập cảnh. (3) Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh để thu hút khách quốc tế đến, bao gồm chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử như thời điểm trước dịch. (4) Công nhận hộ chiếu vắc-xin. Hiện nay, chưa có nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam cho nên hoạt động đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Ngành Du lịch sẽ tiếp tục đề nghị ngành Ngoại giao phối hợp với ngành Y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận Chứng nhận tiêm chủng Covid-19 của Việt Nam. (5) Nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất du lịch là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. (6) Hỗ trợ các điểm đến nâng cao năng lực cạnh tranh. Làm sao để cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến sau hai năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19 phải được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam. (7) Xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách. Ngành Du lịch sẽ tập trung tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam’’ đối với các thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường du lịch nội địa. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. (8) Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên.
Địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, Hà Nội đã hỗ trợ cho hơn 4.000 doanh nghiệp du lịch với kinh phí gần 15 tỷ đồng. Với các cơ sở lưu trú trên địa bàn, Hà Nội đã thực hiện miễn giảm tiền điện cho hơn 4.000 cơ sở lưu trú với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra cũng áp dụng các chính sách giảm tiền ký quỹ 80% với doanh nghiệp thành lập mới và giảm 50% lệ phí thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh
Về xây dựng các sản phẩm du lịch mới, Hà Nội đã cùng với các doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy các sản du lịch truyền thống và mở rộng sang các loại hình du lịch phù hợp với tình hình mới: tour du lịch đêm Hoàng Thành Thăng Long; Nhà tù Hỏa Lò; Du lịch xe bus quanh trung tâm thủ đô…
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế, đồng thời tổ chức các sự kiện, hoạt động quảng bá, chuyển đổi số nhằm đưa hình ảnh Hà Nội đến gần hơn với khách du lịch nội địa và quốc tế.
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động trong lĩnh vực du lịch, để từ đó, nâng cao, thu hút nguồn lao động trở lại.
Hỗ trợ chính sách visa cho du khách, đẩy mạnh liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “vượt khó”
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp lúc này là ban hành chính sách thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng áp dụng. Ông Bình cũng đề nghị để thu hút khách quốc tế khi mở cửa hoạt động du lịch thì visa là yếu tố quan trọng. Cần phục hồi các chính sách thị thực như trước năm 2020.
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam
Bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết, qua trao đổi tại nhiều địa phương, công suất hoạt động của các cơ sở lưu trú nhìn chung vẫn còn thấp và hạn chế. Vì vậy, để khách quốc tế vào Việt Nam nhanh hơn, cũng như khách nội địa phát triển mạnh hơn, vẫn cần tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng, khi thực hiện mở cửa hoàn toàn trong bối cảnh bình thường mới, cần sự vào cuộc của các cơ quan trung ương và địa phương, các bộ ngành và cơ quan chuyên môn và cả cộng đồng du lịch.
Các vấn đề về thị trường, xu hướng du khách, nhu cầu của du khách về sản phẩm, các phương thức tham gia du lịch… đều đã thay đổi. Các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt ngay các xu thế này để có phương án marketing phù hợp, có các sản phẩm hấp dẫn.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã trao đổi về các nội dung để hoạt động du lịch mở cửa được an toàn, hiệu quả trong thời gian tới; áp dụng công tác phòng dịch bệnh linh hoạt, hiệu quả, phù hợp trong từng hoạt động.
Trung tâm Thông tin du lịch