Tin tức - Sự kiện

Bài toán đón khách du lịch quốc tế

Cập nhật: 10/03/2022 15:10:23
Số lần đọc: 897
Sau khi ngày mở cửa du lịch được công bố, doanh nghiệp (DN) du lịch từng ngày mong chờ hướng dẫn phương án phòng dịch để “bung” tour. Thế nhưng, văn bản góp ý từ Bộ Y tế đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho Dự thảo Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới đang tạo ra không ít băn khoăn, lo lắng.


Khó hiểu, lạc hậu

Theo hướng dẫn từ Bộ Y tế, trong vòng 24 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, khách không rời nơi lưu trú và xét nghiệm SARS-CoV-2. Sau 24 giờ (kể từ khi nhập cảnh) nếu cần rời khỏi nơi lưu trú, hành khách cần phải làm xét nghiệm SAR-CoV-2 hằng ngày (xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc PCR) âm tính (trước khi rời nơi lưu trú) cho đến khi kết thúc 72 giờ, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm việc tự theo dõi sức khỏe cho đến khi đủ 10 ngày và thường xuyên thực hiện khuyến cáo 5K.

Quy định riêng với khách dưới 12 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine, hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 thì còn nghiêm ngặt hơn khi từ ngày thứ hai đến ngày thứ bảy muốn ra khỏi khách sạn, homestay, phải xét nghiệm hằng ngày.

Phần lớn DN du lịch và lữ hành du lịch được hỏi đều cho rằng, việc đưa ra những quy định đó không còn phù hợp, và sẽ là rào cản ngăn khách du lịch đến Việt Nam, trong bối cảnh Chính phủ đã chỉ đạo mở cửa du lịch từ ngày 15/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ban, ngành, các hãng hàng không, công ty lữ hành đã nỗ lực để sớm có thể khôi phục lại vị thế của ngành du lịch, để có thể thu về nguồn ngoại tệ quý báu cho phục hồi kinh tế...

Thất vọng với đề xuất của Bộ Y tế, CEO Lux Group Phạm Hà thẳng thắn: “Mở như vậy đừng mong có khách”. Theo ông Hà, việc chính sách không nhất quán, tranh cãi quá nhiều với các đề xuất, dự thảo đang đánh mất những cơ hội lớn của Việt Nam nếu muốn thu hút khách quốc tế.

Dẫn chứng ngành du lịch của Thailand, ông Hà nhấn mạnh, họ đã ra cam kết mở cửa từ tháng 7 năm ngoái để thực hiện dần. Còn chúng ta lại thông tin quá chậm, chính sách không rõ ràng. Chưa kể, chúng ta đang bỏ quên câu chuyện kinh nghiệm - một bước nhảy không thể thiếu quyết định thành công, đó là đối thủ đã dỡ bỏ việc test Covid-19 đối với khách quốc tế sau năm ngày mở cửa nhưng không có khách, thì chúng ta lại yêu cầu test trong ba ngày đầu và trẻ em phải test tới bảy ngày. Chẳng khác gì “lấy đá buộc vào người” du khách.

Tương tự, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel cũng cho rằng, việc khuyến cáo khách du lịch không nên rời nơi lưu trú trong vòng 72 giờ là quá bất tiện cho khách, vì như vậy thì mở cửa toàn bộ nhưng không khác gì chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế trước đó.

Mục đích của du lịch là để du khách có được những trải nghiệm thú vị, thỏa sức tham quan, mua sắm, tận hưởng dịch vụ, và có cảm giác thoải mái, thư giãn… tái tạo nguồn năng lượng tích cực, nên bà Khanh khẳng định: “Không du khách nào bỏ thời gian và tiền bạc đi du lịch ở một quốc gia mà có nhiều điều kiện ràng buộc”. Thay vào đó, họ sẽ chuyển hướng tìm hiểu và lựa chọn điểm đến ở các quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho du khách hơn.

Nói thêm về điều này, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Hoilding cho rằng, DN đang rất phấn khởi khi Thủ tướng và Chính phủ liên tiếp thể hiện quan điểm dứt khoát phải mở cửa nhanh, sớm, nhưng triển khai từ phía cơ quan bên dưới rất chậm. Ông Kỳ nhấn mạnh, nếu mục tiêu tiêm vacine cho toàn dân đã hoàn thành xuất sắc, khiến thế giới phải học tập thì đáng buồn là tốc độ mở cửa kinh tế lại không như mong đợi.

Cần có quy định phù hợp để đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh: Minh Lê

Sẽ khó đón khách quốc tế!

Việc chậm trễ mở cửa so với những nước có nền văn hóa và ngành du lịch tương đồng đã khiến Việt Nam phần nào mất lợi thế so với các nước trong khu vực. Chính sách càng thắt chặt, càng chậm sẽ khiến ngành du lịch Việt dễ rơi vào bế tắc một lần nữa, là nhận định của nhiều DN khi khẳng định một cách chắc nịch rằng: “Có mở cửa cũng khó đón khách quốc tế từ 15/3”. CEO Phạm Hà lý giải, chính bản thân doanh nghiệp cũng không biết thông báo thế nào với khách để “chốt đơn” với các đối tác nước ngoài.

“Ước tính, mức tối thiểu xét nghiệm PCR là hai lần, DN phải bỏ thêm 60 USD chỉ để test đầu vào. Điều này sẽ cản trở nhiều du khách muốn vào Việt Nam. Nếu vậy, từ nay cho đến khi có những chính sách mới, du lịch Việt chỉ trông chờ vào người hồi hương”, ông Kỳ nói và nhấn mạnh, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta là Thailand, họ mở cửa sớm hơn, mạnh hơn, lại có độ rộng thị trường lớn hơn nên đang rất bất lợi cho Việt Nam.

Còn theo ông Hà, trước vô vàn khó khăn thách thức, ngành du lịch cần có tính toán, trong đó không thể bỏ ngoài vấn đề xung đột Nga - Ukraine, đồng rúp mất giá mạnh. Bởi lượng khách Nga đi du lịch dự báo sụt giảm mạnh. Còn khách từ khu vực Đông - Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ít nhất tới quý III mới có, hoặc có thể lâu hơn, khi ngành du lịch nước họ đã mở cửa. Du khách Mỹ nhiều khả năng cũng ít đi khi ngành y tế nước này khuyến cáo công dân tránh đi du lịch tới những vùng dịch đang căng thẳng, trong đó có Việt Nam. Vì thế, du lịch Việt Nam chỉ trông chờ vào các nguồn khách gần ở thị trường ASEAN, châu Âu, châu Úc…

Việc thắt chặt quy định nhập cảnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức hút của du lịch Việt Nam và khiến tốc độ phục hồi ngành du lịch chậm lại. Bà Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel dẫn chứng các nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia đã hoàn toàn mở cửa, khách chỉ cần test nhanh trước khi nhập cảnh, Philippines cũng hoàn toàn dỡ bỏ các rào cản nhập cảnh…

Do đó, nếu Việt Nam tiếp tục thắt chặt sẽ nguy cơ khiến nước ta bỏ lỡ cơ hội vàng trong quá trình thúc đẩy phục hồi ngành du lịch và cả ngành kinh tế. Qua sự việc này, đại diện Vietravel cũng đề xuất, nên áp dụng chấp nhận hình thức test PCR hoặc test nhanh trước khi nhập cảnh Việt Nam; sau khi nhập cảnh, khách di chuyển về khách sạn hoặc nơi lưu trú và tiếp tục test nhanh, không được rời khỏi nơi cư trú trong vòng 24 giờ. Sau đó có kết quả âm tính thì đi du lịch bình thường.

Một số doanh nghiệp lữ hành khác đều cho biết, họ chưa sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế do chưa có chính sách thống nhất, mà đang tập trung vào du lịch nội địa khi người dân đã bắt đầu đặt lịch cho thời điểm bùng nổ du lịch 30/4 và 1/5. Theo những DN này, bên cạnh việc công bố chính sách đón khách du lịch hợp lý, thì phải khôi phục toàn bộ chính sách visa như trước dịch. Thậm chí, cần phải nhân cơ hội này tháo nút thắt visa đã cản trở du lịch Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.

Ngọc Diệp

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT