Hoạt động của ngành

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Xây dựng phương án đề xuất mở cửa du lịch theo đúng tinh thần an toàn, khoa học, hiệu quả

Cập nhật: 21/02/2022 21:09:11
Số lần đọc: 1000
(TITC) - Sáng ngày 21/02, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức gặp mặt các cơ quan truyền thông báo chí để thông tin về đề xuất mở cửa hoạt động du lịch từ 15/3. Tham dự sự kiện có Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch cùng các phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.  

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại cuộc họp

Ngày 15/2 vừa qua, Bộ VHTTDL cùng các bộ, ngành liên quan đã có cuộc họp báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch. Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ VHTTDL và ý kiến các Bộ, cơ quan về thời gian mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” từ ngày 15/3/2022.

Căn cứ kết quả cuộc họp, Bộ VHTTDL đã có công văn số 440/BVHTTDL-TCDL ngày 15/2/2022 và công văn số 464/BVHTTDL-TCDL ngày 17/2/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả cuộc họp ngày 15/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chính sách thị thực cho khách nhập cảnh Việt Nam như đã thực hiện từ trước năm 2020.

Nhiều quy định linh hoạt hơn khi mở cửa du lịch từ ngày 15/3

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành đã thông tin tới các phóng viên báo chí về đề xuất của Bộ VHTTDL về phương án mở cửa du lịch từ ngày 15/3. Ông cho biết, phương án đề xuất này đang được lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo đó, các quy định mở cửa du lịch từ 15/3 được kỳ vọng sẽ linh hoạt hơn. Đối với khách du lịch quốc tế đến bằng đường hàng không có thể lựa chọn xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR có giá trị 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh có giá trị 24 giờ trước khi xuất cảnh. Khi hạ cánh xuống sân bay, khách không phải xét nghiệm tại sân bay mà về thẳng cơ sở lưu trú đã đăng ký và tiến hành xét nghiệm tại đây. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, khách sẽ được tham gia các hoạt động du lịch và tuân thủ các quy định phòng chống dịch như điều kiện của khách nội địa.

Đối với khách đến bằng đường bộ và đường biển sẽ xét nghiệm nhanh ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Khách du lịch được yêu cầu cài đặt ứng dụng phòng chống dịch bệnh theo quy định và duy trì kết nối liên tục trong thời gian du lịch ở Việt Nam. Ngoài ra, khách cần có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành

Đối với hoạt động du lịch nội địa, sẽ tiếp tục triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Quyết định số 218/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP. Đồng thời, triển khai Chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại văn bản số 4698/BVHTTDL-TCDL của Bộ VHTTDL; Hướng dẫn số 3862/BVHTTDL-TCDL của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Các địa phương công bố mở cửa lại hoạt động du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tương ứng.

Tập trung 7 nhóm giải pháp để mở cửa du lịch an toàn, khoa học, hiệu quả

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngành du lịch đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, ban hành những quyết sách nhằm phục hồi ngành sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Triển khai chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021 đến nay đã đón được khoảng 9.000 lượt khách, con số tuy chưa nhiều nhưng là kết quả rất đáng khích lệ sau thời gian bị ngừng trệ. Đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, ngành du lịch đã đón và phục vụ 6,1 triệu lượt khách đi lại tham quan du lịch trên cả nước. Các dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cũng cho thấy nhu cầu tìm kiếm quốc tế về hàng không, du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng rất cao. Những tín hiệu tích cực đó là cơ sở cho sự phục hồi của ngành du lịch trong thời gian tới.

Tổng cục trưởng nhấn mạnh để bảo đảm mở cửa du lịch an toàn, khoa học, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần tập trung vào 7 nhóm giải pháp chính gồm có:

(1) Về đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đang được triển khai mạnh, tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao, nhưng vẫn phải lưu ý đến nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới, vấn đề chênh lệch về độ bao phủ vắc-xin giữa một số địa phương, giữa các độ tuổi khác nhau. Bên cạnh đó còn có sự chưa thống nhất về quy định kiểm soát an toàn giữa một vài địa phương. Do vậy, Bộ VHTTDL sẽ cùng phối hợp với các bộ ngành liên quan có phương án, kế hoạch mở cửa du lịch một cách an toàn, khoa học, hiệu quả để áp dụng thống nhất trên toàn quốc thời gian tới. Việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch coi là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.

(2) Về kết nối giữa hàng không và du lịch, Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ 15/2/2022. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ có những cuộc làm việc với bên hàng không để thống nhất các giải pháp để khai thác hiệu quả nhất đón khách bằng đường hàng không.

(3) Về tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Tổng cục trưởng cho biết, Bộ VHTTDL đã có công văn số 440/BVHTTDL-TCDL ngày 15/2/2022 và công văn số 464/BVHTTDL-TCDL ngày 17/2/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả cuộc họp ngày 15/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chính sách thị thực cho khách nhập cảnh Việt Nam như đã thực hiện từ trước năm 2020. Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, tạo sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

(4) Về công nhận “hộ chiếu vắc-xin”, đến nay, mới chỉ có 14 quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam, vì vậy hoạt động đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài (du lịch outbound) sẽ gặp khó khăn. Hạn chế đó sẽ gây ra sự mất cân bằng trong hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế. Trong thời gian tới, cần thúc đẩy đàm phán nhiều hơn để ngành du lịch Việt Nam có thể tiếp cận và khai thác nguồn khách dồi dào hơn, chất lượng hơn.

(5) Về nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm cơ sở vật chất, củng cố nhân lực du lịch, Tổng cục trưởng nhấn mạnh đây là một trong những vấn đề cốt lõi để bảo đảm sự phục hồi của du lịch Việt Nam. Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nguồn nhân lực du lịch bị thiệt hại nặng nề, nhiều lao động rời khỏi ngành, nhiều nơi cơ sở vật chất kỹ thuật xuống cấp. Do vậy, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục có những đề xuất kéo dài chính sách hỗ trợ liên quan đến tài chính, tín dụng… cho doanh nghiệp, người lao động trong ngành; đề xuất các chương trình đào tạo, đào tạo lại cho lao động du lịch. Đồng thời phối hợp với một số địa phương tổ chức đoàn khảo sát thực tế hiện trạng cơ sở vật chất kỹ thuật để có giải pháp củng cố, phục hồi hoạt động. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa du lịch.

(6) Về cạnh tranh điểm đến, Tổng cục trưởng cho biết, vừa qua, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam 2021 cho 15 tỉnh, thành phố. Đây là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, khu điểm du lịch tham khảo, nhìn nhận và có những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch địa phương trong thời gian tới.

(7) Về xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách, trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua Tổng cục Du lịch vẫn duy trì việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, do vậy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế tới du lịch Việt Nam vẫn luôn được duy trì. Du lịch Việt Nam vẫn được bạn bè quốc tế yêu mến dành tặng những danh hiệu, giải thưởng nổi bật.

Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến dịch truyền thông Live fully in Vietnam, đặc biệt là trên các nền tảng số như website, mạng xã hội; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn ở các thị trường trọng điểm; hợp tác với các kênh truyền thông lớn trên thế giới như CNN, CNBC; làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp quảng bá thông tin du lịch Việt Nam…

Các phóng viên trao đổi tại cuộc họp

Tại cuộc họp, Ban tổ chức đã dành thời gian giải đáp câu hỏi của các phóng viên báo chí. Về việc từ 15/3 khách du lịch quốc tế có phải đăng ký đi theo tour của doanh nghiệp lữ hành không, Tổng cục trưởng cho biết, theo đề xuất từ 15/3 sẽ mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch, do vậy, khách quốc tế không cần đi theo tour du lịch mà có thể tự lựa chọn hình thức du lịch.

Về câu hỏi liên quan đến mức bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD, Tổng cục trưởng nhấn mạnh đây là mức bảo hiểm chi trả trong trường hợp khách nhiễm COVID-19, còn về mức phí mà du khách phải đóng chỉ vào khoảng 1,5-2 USD/ngày.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng có ý kiến về một số câu hỏi liên quan đến phương án xử lý y tế khi có sự cố, chính sách thị thực, nhân lực du lịch, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật… Tổng cục trưởng nhấn mạnh, việc mở cửa du lịch cần được thực hiện theo hướng an toàn, khoa học, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện phương án mở cửa, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục