Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch bền vững tại Hạ Long

Cập nhật: 02/10/2019 09:40:58
Số lần đọc: 1019
Thành phố “thủ phủ” Hạ Long được xác định là 1 trong 4 trung tâm du lịch của tỉnh. Với nhiều lợi thế về du lịch, thành phố xác định phát triển du lịch bền vững, lấy bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả Di sản - Kỳ quan vịnh Hạ Long làm trung tâm, gắn liên kết du lịch Hạ Long với các địa phương trong tỉnh, cả nước, các thị trường du lịch trong khu vực và trên thế giới.


Công tác bảo vệ môi trường di sản Vịnh Hạ Long luôn được chú trọng, thực hiện thường xuyên.

Để làm được điều đó, trong những năm qua, công tác quản lý môi trường đã được thành phố huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia với nhiều giải pháp hiệu quả. Cụ thể, để kiểm soát ô nhiễm từ nguồn, thành phố chú trọng kiểm soát nguồn thải, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các địa phương, các ngành có liên quan trong bảo vệ môi trường, kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vịnh từ nguồn thải ven bờ, khu vực giáp ranh và các hoạt động khai thác, vận chuyển than. Di dời các cơ sở gây ô nhiễm (sàng tuyển than, các cảng than) và tiến hành các giải pháp cải thiện môi trường. Không cấp phép hoạt động các nhà máy có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường vịnh Hạ Long; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinke, xi măng và dăm gỗ, hàng hóa là đá vôi có kích thước <4x6 cm trên vịnh Hạ Long. Trang bị các thùng rác có ngăn phân loại rác tại các khu đô thị, điểm tham quan du lịch. Thay phao xốp bằng các vật liệu nổi bền vững tại các công trình nổi trên vịnh; lắp đặt các thùng rác nổi trên vịnh. Duy trì công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường vịnh Hạ Long hàng quý tại khu vực vùng bảo vệ tuyệt đối, vùng đệm và phụ cận của khu di sản. Tăng cường giám sát việc chấp hành bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long…

Việc thu gom, xử lý rác, nước thải cũng được quan tâm thường xuyên. Thành phố đã ban hành Quyết định số 726/QĐ- UBND ngày 16/4/2015 quy định về thời gian bỏ rác trong các khu dân cư trên địa bàn thành phố Hạ Long. Theo đó quy định rác sinh hoạt phải được đưa ra đúng giờ, đổ đúng nơi quy định; đảm bảo vệ sinh liên tục 24/24h trên các tuyến trung tâm, khu du lịch; việc thu gom, vận chuyển phải kịp thời, đúng giờ (tại các vị trí đã được xác định đối với từng tuyến); không để rác, nước rác vương vãi trong quá trình thu gom, vận chuyển; sắp xếp lại các điểm để xe gom rác, không để xe gom rác trên các tuyến phố chính, khu đông dân cư, khu du lịch, cơ quan công sở; nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác và nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng. Phân công nhiệm vụ một cách cụ thể, chi tiết rõ ràng về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt.

Trong đó, thành phố giao cho Công ty CP Đầu tư và phát triển môi trường đô thị Quảng Ninh thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn. Sắp xếp, điều chỉnh xóa 115/197 điểm tập kết rác được quy hoạch, hiện chỉ còn 82 điểm trên toàn thành phố. Lắp đặt 720 thùng rác nhựa công cộng trên vỉa hè các tuyến đường: Trần Phú (đường 337), Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Cừ, Lê Thánh Tông, Hạ Long, Trần Quốc Nghiễn, tại công viên hoa Hạ Long và Quảng trường 30-10… Trong 7 tháng đầu năm nay, đơn vị đã thực hiện vận chuyển rác thải sinh hoạt tổng cộng hơn 66.953 tấn rác. Toàn bộ rác thải thu gom được vận chuyển ngay trong ngày đến Trung tâm xử lý chất thải rắn tập trung tại huyện Hoành Bồ để xử lý.

Các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện đều có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Ngành than đã hoàn thành và đưa vào vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ, đảm bảo đủ năng lực xử lý nước thải mỏ phát sinh trong quá trình sản xuất. Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tại các địa phương ven bờ vịnh. Dự án cải thiện môi trường thành phố hiện đã và đang triển khai thực hiện với tổng kinh phí 154 triệu USD bằng vốn vay ưu đãi (ODA), gồm 3 tiểu dự án: Mở rộng hệ thống cấp nước; thoát nước và xử lý nước thải; xây dựng trung tâm quan trắc, thông tin môi trường Vịnh Hạ Long… Phấn đấu đến năm 2021, 100% nước thải sinh hoạt của thành phố đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường…

Thời gian gần đây, du khách trở lại Hạ Long sẽ cảm nhận rõ rệt về sự thay đổi diện mạo thành phố khi hệ thống cây xanh đường phố được cải tạo, trồng mới. Hiện tại, thành phố đang quản lý 50 vườn hoa tiểu cảnh trên địa bàn, trong đó số lượng cây xanh bóng mát là 22.227 cây, duy trì chăm sóc thảm màu, thảm hoa, thảm cỏ, cây bờ viền trên diện tích 903.223m2. Việc duy trì, chăm sóc cắt tỉa cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ, trồng thay thế hoa tươi vào các đảo giao thông được thực hiện thường xuyên đảm bảo mỹ quan đô thị, tạo điểm nhấn sinh động cho khách đến tham quan du lịch.

Tích cực tuyên truyền và thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn, nhất là khu vực di sản vịnh Hạ Long, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần từ ngày 1/9/2019. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế dùng túi ni-lông khó phân hủy và các sản phẩm từ nhựa. Đến nay, thành phố đã tổ chức 4 cuộc truyền thông về “Giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường” tại 3 Cụm thi đua, Chợ Hạ Long I, một số chợ phường; CLB doanh nghiệp nữ thành phố với trên 2.500 hội viên phụ nữ, các nữ chủ nhà hàng, khách sạn, tàu du lịch tham gia. Hội phụ nữ các phường Hồng Hải, Cao Thắng đã tuyên truyền trực tiếp đến các hộ kinh doanh tại chợ về sử dụng túi sinh học thay thế túi ni-lông.

Để tranh thủ các nguồn lực từ các tổ chức, chuyên gia quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường, những năm qua, thành phố luôn giữ mối quan hệ mật thiết với các tổ chức quốc tế, đồng thời nỗ lực thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ tại kỳ họp của Ủy ban Di sản thế giới và mạng lưới Di sản biển, CLB các vịnh đẹp nhất thế giới. Thông qua các mối quan hệ đã tạo được sự hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, đầu tư về vật chất, kỹ thuật, chuyên môn để phục vụ công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long, từng bước đưa vịnh Hạ Long hội nhập với các hoạt động quốc tế về bảo vệ di sản.

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, công tác quản lý môi trường trong các hoạt động du lịch trên địa bàn được làm tốt, đáp ứng sự phát triển của các thành phần kinh tế, thu hút du khách. Theo thống kê, trong 8 tháng năm nay, thành phố đã đón hơn 7,1 triệu khách (tăng 21% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế đạt gần 2,68 triệu người (tăng 16% so với cùng kỳ). Tổng thu từ du lịch đạt hơn 14.133 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2018).

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục