Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch từ di sản văn hóa người Dao ở Ba Chẽ

Cập nhật: 01/10/2019 07:56:01
Số lần đọc: 1155
Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao, gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, Ba Chẽ muốn biến nơi đây trở thành một trung tâm du lịch trải nghiệm, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.


Phối cảnh bản văn hóa người Dao trong đề án.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Sơn cho biết: Ba Chẽ là địa phương có kho tàng di sản văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số. Huyện đã nghiên cứu kỹ và thấy rằng, muốn đẩy mạnh hoạt động dịch vụ du lịch theo hướng bền vững, điều cốt yếu là phải dựa vào sự đa dạng, phong phú, riêng có của văn hóa các dân tộc thiểu số. Địa điểm được lựa chọn để bảo tồn di sản văn hóa của người Dao ở huyện Ba Chẽ là thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, một địa bàn có đặc trưng văn hóa nổi bật.

Sở dĩ thôn Sơn Hải được lựa chọn là bởi vị trí đắc địa, nằm cách trung tâm huyện Ba Chẽ chưa đầy 10km, vừa có núi đồi, sông nước và hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Theo đánh giá của Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), sự hiện diện của hai nhóm người Dao (Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán) với hai phương ngữ trên địa bàn huyện Ba Chẽ tạo thành bức tranh văn hóa khá đầy đủ, đa sắc màu… tạo sự tương hỗ cho quá trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa người Dao tại địa phương.

Đề án được Ba Chẽ thực hiện theo 10 dự án thành phần gồm: Sưu tầm, xuất bản cuốn sách Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Dao; phục dựng, quay phim, chụp ảnh một số di sản văn hóa tiêu biểu của người Dao để làm tư liệu trình chiếu, giới thiệu cho du khách; khôi phục, bảo tồn và trình diễn dân ca, dân vũ của dân tộc Dao Thanh Y; bảo tồn nghi lễ nhập đồng, nhảy lửa và cắn mảnh sành; khôi phục bảo tồn trích đoạn trò diễn chay trong lễ cấp sắc; khôi phục nghề truyền thống của người Dao Thanh Y; hỗ trợ cắt may trang phục truyền thống cho nam giới, phụ nữ, thầy cúng; xây dựng và duy trì hoạt động của đội văn nghệ truyền thống; khôi phục, bảo tồn lễ hội cúng Bàn Vương; lễ cấp sắc của người Dao.

Tiến sĩ Vũ Thị Hà (Bảo tàng Dân tộc học), đặt vấn đề trưng bày hiện vật của đồng bào Dao trong một không gian mở, để tạo sự hấp dẫn cho du khách trong quá trình tìm hiểu, khám phá. Đồng thời, đưa các nhóm dân ca, dân vũ người Dao biểu diễn văn hóa, văn nghệ tại bảo tàng dân tộc để quảng bá du lịch.

Đề án được chia thành các giai đoạn: Năm 2019, sẽ triển khai thực hiện xây dựng một số thiết chế văn hóa, nhằm đảm bảo cho hoạt động trình diễn, bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng, quy hoạch tổng thể khu du lịch sinh thái - văn hóa, nghiên cứu, sưu tầm, tập luyện để chuẩn bị cho việc phục dựng lễ hội cúng Bàn Vương. Năm 2020, sẽ tổ chức các lớp truyền dạy chữ Nôm Dao cho người dân; triển khai thực hiện các cơ sở nghỉ dưỡng theo mô hình homestay; quy hoạch và tổ chức trồng hoa, tạo cảnh quan du lịch, xây dựng một số nhà nghỉ dưỡng nhỏ theo mô hình nhà để thóc của người Dao, hoàn thành giai đoạn 1 dự án xây dựng Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo mô hình nhà truyền thống nửa sàn, nửa đất của người Dao; xây dựng cầu tàu, bến tàu và các hạng mục phụ trợ tại khu vực trung tâm thôn, gần với bến thuyền hiện tại; xây dựng mô hình làng văn hóa truyền thống; hình thành các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn; thành lập HTX Du lịch thôn Sơn Hải; vận động, kêu gọi các doanh nghiệp cùng kết nối và tham gia đầu tư để từng bước thu hút khách du lịch về cho địa phương.

Giai đoạn 2021 - 2025, Ba Chẽ sẽ triển khai xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và các hạng mục phụ trợ; duy trì hiệu quả hoạt động của HTX Du lịch thôn Sơn Hải; triển khai các hoạt động Festival du lịch của huyện Ba Chẽ, lấy thôn Sơn Hải là địa chỉ trung tâm trong những điểm đến của du lịch; hình thành các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn; đầu tư xây dựng tương đối đầy đủ các hạng mục phụ trợ như: Nhà hàng, điểm bán hàng lưu niệm, bãi đỗ xe.

Tiến sĩ Hà Việt Quân, Quyền Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế (Ủy ban Dân tộc), đề xuất: Đề án cần bổ sung thêm thông tin về các bài thuốc gia truyền dân tộc Dao; các sản phẩm nghệ thuật, sản phẩm lưu niệm của người Dao. Tương tự, PGS.TS Bế Trung Anh, Phó Giám đốc Học viện Dân tộc, cho rằng cần nghiên cứu cách thức sử dụng công nghệ 4.0 trong bảo tồn di sản văn hóa và quảng bá du lịch; bổ sung thêm các sản phẩm OCOP của địa phương.

Nhìn chung, đây là đề án đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Ông Đặng A Mản, thầy mo xã Nam Sơn, cho biết: Nguyện vọng chung của cộng đồng người Dao chúng tôi là bảo tồn phong tục tập quán tốt đẹp phục vụ phát triển du lịch; mong muốn đề án sớm được triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần của người dân./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục