Du lịch nông thôn ở Lai Châu - hướng phát triển đầy tiềm năng
Thác Trái tim, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ là điểm du lịch thu hút nhiều du khách khi đến Lai Châu.
Lai Châu nằm trên cung đường Tây Bắc, giữa 2 khu du lịch nổi tiếng: di tích lịch sử Điện Biên phủ (tỉnh Điện Biên) và khu du lịch Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Nhiều tour du lịch hấp dẫn đã được hình thành và phát triển rất nhanh trong những năm gần đây, nhờ cảnh quan thiên nhiên, sản vật đặc trưng, văn hóa đa dạng. Nông nghiệp - nông thôn Lai Châu cũng được đánh giá là một trong những sản phẩm du lịch đầy tiềm năng, nếu được quan tâm khai thác sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho Lai Châu và làm phong phú cho các tour du lịch trên cung đường Tây Bắc Việt Nam.
Xét một cách tổng quan, du lịch nông thôn đang là hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của Lai Châu. Bởi để có một sản phẩm, dịch vụ du lịch tại cộng đồng không đòi hỏi xuất đầu tư quá lớn mà kết quả thu được lại cao và hiệu quả đạt được trên nhiều lĩnh vực: từ kinh tế, xã hội đến môi trường... Đặc biệt, khi cộng đồng làm du lịch sẽ huy động được nguồn nội lực trong dân, khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất hiện có của cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao mức sống, chuyển dịch cơ cấu lao động, thu nhập cho người dân.
Những năm gần đây, du lịch nông thôn đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp của các vùng Tây Bắc. Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh sẵn có, Lai Châu đã và đang nỗ lực rà soát, đánh giá thực trạng cũng như những tồn tại, hạn chế của du lịch nông thôn để tìm ra những giải pháp, tạo động lực cho du lịch nông thôn phát triển. Tháng 12/2018, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia đã tổ chức Hội thảo toàn quốc “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” tại Lai Châu - một trong những địa phương có quyết tâm mạnh mẽ trong phát triển du lịch nông thôn. Rất nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu mô hình, cách làm hay, những giải pháp khắc phục hạn chế trong quá trình phát triển du lịch nông thôn của các bộ, ngành, chuyên gia và các địa phương… đã giúp cho Lai Châu thấy rõ được lợi ích cũng như cách thức phát triển du lịch nông thôn ở một tỉnh miền núi biên giới. Chính vì vậy, Lai Châu đã lựa chọn, triển khai thí điểm mô hình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại 3 xã: Khun Há, Hồ Thầu (huyện Tam Đường), Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ). Sau gần 1 năm triển khai, các mô hình đã được đánh giá là đem lại hiệu quả thiết thực cho Nhân dân. Các địa phương được lựa chọn thí điểm đều có sự phát triển vượt bậc, có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Điển hình như xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ). Ghé thăm bản văn hóa Sin Suối Hồ vào một ngày đầu tháng 9, chúng tôi được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. Dạo bước trên những con đường trải bê tông phong quang sạch đẹp dẫn về các bản là những chậu địa lan được xếp ngay ngắn 2 bên đường. Chốc chốc chúng tôi lại dừng chân để ngắm nhìn những trảng rừng cổ thụ xanh thăm thẳm, xa xa dưới chân núi là những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa nước đổ... tận hưởng cảm giác thư thái, trong lành mà không phải nơi đâu cũng có. Kết quả đó chính là nhờ sự chung tay góp sức của bà con trong xã, đã tạo nên bức tranh tuyệt tác Sin Suối Hồ hôm nay. Trong câu chuyện với nhiều người dân nơi đây chúng tôi đều cảm nhận được ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như xây dựng cảnh quan thiên nhiên để du lịch nông thôn có thêm nguồn lực phát triển.
Thăm một số điểm du lịch ở xã Sin Suối Hồ, chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn những thảm thực vật phong phú, đa dạng. Hệ thống cảnh quan thiên nhiên từ tự nhiên đến nhân tạo đều hết sức hấp dẫn như: thác trái tim, núi Sơn Bạc Mây, Bạch Mộc Lương Tử... Tham gia các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu nền văn hóa đặc sắc, thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, tắm lá thuốc... Chúng tôi hiểu vì sao Sin Suối Hồ đã và đang là điểm dừng chân thú vị của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: “Bản văn hóa Sin Suối Hồ có diện tích tự nhiên 830,4ha, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hiện nay, bản có 10 hộ kinh doanh dịch vụ Homestay, mỗi hộ có thể phục vụ từ 8 - 10 khách/ngày. Lượng khách du lịch hàng năm đến thăm quan bản đạt hơn 20.000 lượt người và đem lại doanh thu cho bản gần 4 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ vào kinh doanh dịch vụ lưu trú, ngoài việc có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, người dân trong bản còn có điều kiện đóng góp tiền của để cải tạo đường giao thông, nâng cấp cơ sở vật chất, giúp cho bộ mặt bản ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn... Qua đó, đáp ứng nhu cầu và thu hút thêm được khách du lịch đến với Sin Suối Hồ”.
Nhằm tạo bước đột phát cho du lịch nông thôn thực sự “cất cánh”, hiện nay, tỉnh Lai Châu đã và đang hoàn thiện Đề án Xây dựng bản nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn đoạn 2020-2025. Trong đó, lựa chọn 11 bản nông thôn kiểu mẫu để phát triển du lịch. Bao gồm các bản: Thẩm Phé (xã Mường Kim, huyện Than Uyên); Phúc Khoa (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên); Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu); Lao Tỷ Phùng (xã Nùng Nàng); Chu Va 12 (xã Sơn Bình) - huyện Tam Đường; Sà Dề Phìn (xã Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ); Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ), Vàng Pheo (xã Mường So) - huyện Phong Thổ; Gia Khâu 1 (xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu; bản Bó (xã Mường Tè, huyện Mường Tè) và bản Chang (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn).
Các bản du lịch nông thôn kiểu mẫu phải đảm bảo các tiêu chí cụ thể như: có cơ cấu kinh tế rõ nét, phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng. Vườn cây, ao cá, chuồng trại phải được quy hoạch, áp dụng công nghệ tiến tiến, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), an toàn vệ sinh thực phẩm, có giá trị kinh tế cao. Có cơ sở dịch vụ ăn uống và bán quà lưu niệm cho du khách. Có nhà ở mang bản sắc văn hóa của cư dân bản địa và các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đội văn nghệ phục vụ khách thăm quan, có chỗ ở cho khách lưu trú, quy ước thôn bản phải thiết thực, bền vững. Các tổ chức xã hội hoạt động tích cực như: chi hội thanh niên, phụ nữ, nông dân… phải phát huy tinh thần tự quản của cộng đồng, con người thân thiện, mến khách, không có các tệ nạn xã hội như: trộm cắp, nghiện hút, cờ bạc… Đặc biệt phải thu hút và làm hài lòng khách đến thăm quan, du lịch.
Việc phát huy được tiềm năng, khai thác và phát triển du lịch nông thôn không chỉ mang lại lợi nhuận cho các nhà kinh doanh du lịch mà còn tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Hiện nay, tỉnh ta đã khôi phục một số làng nghề truyền thống như: rèn nông cụ, dệt may thổ cẩm, đan lát truyền thống… góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho bức tranh du lịch nông thôn. Các địa phương trong tỉnh cũng quan tâm hơn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá cơ sở, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều lễ hội lành mạnh, không gian văn hóa truyền thống được phục hồi, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Một số địa phương còn tổ chức các chương trình hỗ trợ tập huấn cho người dân kinh doanh dịch vụ du lịch như các xã: Khun Há, Sin Suối Hồ... đã tổ chức khóa bồi dưỡng kiến thức du lịch cho các hộ làm dịch vụ Homestay. Triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến, xúc tiến sản phẩm gắn với đặc trưng văn hóa, địa danh gắn với lịch sử, sản vật địa phương… Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác du lịch nông thôn hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, tăng khả năng thu hút khách, thu nhập từ hoạt động khai thác kết hợp du lịch và nông nghiệp đem lại doanh thu cao hơn so với hoạt động nông nghiệp thuần tuý. Tuy nhiên, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta cũng còn gặp một số khó khăn do các xã trên địa bàn tỉnh có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, dân cư thưa thớt, chưa có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp hàng hóa… Vì vậy, để loại hình du lịch này phát triển hiệu quả và bền vững, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương và các đơn vị quản lý kinh doanh du lịch và người dân cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện. Cần có những chính sách riêng cho phát triển du lịch cộng đồng, trong đó phải tính đến việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ gia đình, nông dân tham gia làm du lịch. Quy hoạch, tổ chức xây dựng bản du lịch cộng đồng, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch, giúp người dân quảng bá và đào tạo nhân lực… tạo ra sự hoàn chỉnh, đồng bộ của sản phẩm du lịch. Khi phát triển du lịch, các khu vực nông thôn sẽ có thêm nguồn lực tiếp tục thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới nhanh, bền vững hơn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa gốc của nông thôn.
Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng có xu hướng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp phải cơ cấu lại, do đó, muốn tăng thu nhập cho khu vực nông thôn để hoàn thiện bản đạt chuẩn nông thôn mới thì phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế dịch vụ tại khu vực nông thôn. Trong đó, phát triển du lịch là một phương thức kinh tế góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, giảm khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển nông thôn bền vững, từng bước thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.