Phát triển du lịch Uông Bí: Cần thêm những cái "bắt tay"
Chùa Đồng Yên Tử một buổi chiều tà thanh tịnh.
TP Uông Bí thời gian qua đã rất nỗ lực đa dạng hóa các loại hình du lịch trên địa bàn, tạo ra những điểm du lịch mới trên bản đồ du lịch địa phương. Thành phố sớm hình thành các điểm, tour, tuyến du lịch. Uông Bí cũng xây dựng và triển khai các chương trình phát triển du lịch chung giữa các địa phương có cụm di tích, danh thắng cùng tính chất như Đông Triều, Quảng Yên, Bình Liêu. Đồng thời thông qua hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các địa phương, kết nối các tour, tuyến, điểm du lịch… Đặc biệt trong thời điểm du lịch bị tác động bởi dịch Covid-19 gần đây, Uông Bí được đánh giá là địa phương tích cực trong việc thúc đẩy các gói kích cầu du lịch.
Có thể nói những nỗ lực của Uông Bí đã góp phần kiến tạo một không gian tổng thể, thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du lịch phát triển. Thế nhưng trong mục tiêu tạo sự kết nối, phát triển theo chuỗi mà TP Uông Bí đang triển khai hiện nay lại chưa có sự chung tay một cách thực sự và hiệu quả của chính những đơn vị, doanh nghiệp này. Ngay trong mục tiêu hình thành và thúc đẩy các gói kích cầu du lịch thời gian gần đây của Uông Bí thì sự vào cuộc của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ ở mức độ, có phần hạn chế.
Lãnh đạo TP Uông Bí đón nhận chứng nhận khu du lịch cấp tỉnh hồ Yên Trung.
Theo báo cáo đánh giá của TP Uông Bí, tính từ sau đỉnh dịch Covid-19 tháng 4 đến nay, gói kích cầu du lịch mang lại hiệu quả rõ nét nhất chính là gói kích cầu giữa Công ty CP Phát triển Tùng Lâm với các đơn vị lữ hành lớn của tỉnh và trong nước, còn sự tham góp của các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Uông Bí trong gói kích cầu này không nhiều. Bên cạnh đó, mặc dù đã có những ghi nhớ, cam kết nhất định giữa các đơn vị du lịch, dịch vụ trên địa bàn, tuy nhiên thực tế triển khai lại gặp khá nhiều vướng mắc, nhiều gói kích cầu không triển khai được.
Theo ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do việc phát triển theo chuỗi kết nối còn mới và lạ lẫm đối với các đơn vị du lịch dịch vụ trên địa bàn. Bên cạnh đó, sự tích cực, trách nhiệm giữa các đơn vị còn yếu, tính phân định về nhiệm vụ và hiệu quả kinh tế chưa rõ…
Công viên hoa nằm tại khu du lịch hồ Yên Trung.
Một nguyên nhân khác khiến cho mục tiêu phát triển du lịch theo chuỗi, có sự liên kết của Uông Bí chưa đạt kết quả như kỳ vọng, đó chính là thực trạng hệ thống các dịch vụ phục vụ ăn, nghỉ trên địa bàn còn thiếu và yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao.
Có thể thấy hiện nay, trong tổng số hơn 20 nhà hàng có khả năng đón cùng lúc số lượng khách từ 50 người trở lên của Uông Bí thì chỉ có 5 nhà hàng có chứng chỉ đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch. Đáng nói là nhiều nhà hàng trong đó ngại hoàn hiện hồ sơ thủ tục để được cấp mới hoặc cấp lại khi hết hạn, đơn cử như các đơn vị nhà hàng Koruna, nhà hàng Thương mại, Trang Gia Viên…
Đối với hệ thống lưu trú, hiện TP Uông Bí có một khách sạn tương đương 5 sao (Legacy Yên Tử) và dãy phòng lưu trú tương đương 3 sao (làng hành hương Yên Tử) và 12 khách sạn, nhà nghỉ được xếp hạng 1-2 sao. Hơn 100 nhà nghỉ còn lại chậm chuyển đổi đầu tư, quản lý, là những cơ sở lưu trú không được xếp sao.
TP Uông Bí kích hoạt APP du lịch trên địa bàn.
Theo quy định, đối với các cơ sở dịch vụ ăn nghỉ không có chứng chỉ đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch hoặc không được xếp sao đều không đủ tiêu chí để tham gia các gói kích cầu du lịch. Đây chính là nguyên nhân khiến sự kết nối, phát triển theo chuỗi, hình thành các gói kích cầu du lịch của Uông Bí bị hạn chế. Điều này cho thấy TP Uông Bí cần có sự định hướng, đầu tư mới phù hợp hơn, đồng thời hơn ai hết, chính những cơ sở lưu trú, nhà hàng cần phải làm mới mình, tích cực tham gia trong chuỗi kết nối du lịch.
Việt Hoa