Hoạt động của ngành

Lào Cai: Phát triển du lịch trở thành trụ cột kinh tế

Cập nhật: 25/08/2020 08:35:43
Số lần đọc: 639
  Sau gần 5 năm thực hiện Đề án số 3 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”, ngành du lịch Lào Cai đã gặt hái được nhiều thành công. Đây là nền tảng vững chắc để du lịch trở thành một trong những trụ cột chính trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 


Lễ hội đường phố Sa Pa năm 2019 thu hút du khách.

Bài 1: Khâu đột phá trong phát triển kinh tế

Để du lịch trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế, Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020” (Đề án số 3) nhằm hoàn thiện và đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, xây dựng Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia, quốc tế, giàu bản sắc, hiện đại, góp phần xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển vào năm 2020.

Kết quả nổi bật sau gần 5 năm thực hiện đề án thể hiện ở con số 5,1 triệu lượt khách du lịch đến Lào Cai năm 2019, vượt 13,5% so với mục tiêu đề án; doanh thu từ du lịch đạt hơn 19.200 tỷ đồng, vượt 6,7%. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch từng bước chuyên nghiệp hóa với hình thức đa dạng. Hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch được cải thiện, du lịch và dịch vụ từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Thành tựu nổi bật nhất trong giai đoạn này có thể kể đến sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch Sa Pa. Từ khu du lịch trọng điểm của tỉnh, Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là Khu Du lịch quốc gia vào cuối năm 2017. Đây có thế nói là quyết định có tính chiến lược, đột phá, giúp định hướng đưa du lịch Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung ngày càng phát triển. Nếu năm 2015, lượng khách du lịch đến Sa Pa chỉ đạt hơn 1,2 triệu lượt và doanh thu từ du lịch ở mức 1.300 tỷ đồng thì đến hết năm 2019, lượng khách đến Sa Pa đã đạt 3,2 triệu lượt (tăng 266,6%) và doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 9.300 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, Sa Pa cũng thu hút được làn sóng đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Sự xuất hiện những công trình được đầu tư quy mô, bài bản như Sun World Fansipan Legend với cáp treo kỷ lục thế giới, khu sinh thái Topas Ecolodge, các khách sạn cao cấp tiêu chuẩn 5 sao (Accor Sapa, Silk Path, Pao’s Sapa) đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch trên địa bàn thị xã.

Bắc Hà cũng là địa phương đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực du lịch trong giai đoạn 2016 - 2019. Năm 2015, cơ cấu ngành dịch vụ, thương mại, du lịch của Bắc Hà đạt hơn 33%, đến năm 2019, ngành dịch vụ, thương mại và du lịch đã chiếm 41% tỷ trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế của địa phương. Năm 2019, Bắc Hà đón hơn 480.000 lượt khách (tăng 300% so với năm 2015) và doanh thu từ du lịch đạt hơn 43 tỷ đồng. Du lịch đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bắc Hà.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đến hết năm 2019, ngành du lịch có 5/7 chỉ tiêu hoàn thành hơn 100% so với mục tiêu đề án. Nhờ những giải pháp đồng bộ mang tính đột phá, chiến lược, du lịch Lào Cai tiếp tục đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước, góp phần tăng thu ngân sách.

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành du lịch Lào Cai đã hoàn thành xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030; ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh bằng 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc) và phát hành đến các cơ sở kinh doanh, khách du lịch; xây dựng và vận hành thí điểm Cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai…

Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch được xác định là hướng đi bền vững, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Lào Cai. Nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, khu du lịch cộng đồng đã đi vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch trên địa bàn. Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Giải Marathon leo núi quốc tế (VMM), Giải đua xe đạp quốc tế “Một đường đua hai quốc gia” (Việt Nam - Trung Quốc); Lễ hội 4 mùa; Lễ hội trên mây Sa Pa... dần trở thành thương hiệu nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch gắn với các di sản văn hóa, chợ phiên vùng cao, sản phẩm du lịch “chinh phục đỉnh cao”, du lịch thể thao, văn hóa ẩm thực… được các địa phương khai thác ngày càng hiệu quả.

Phát triển du lịch cộng đồng được gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế ở các địa phương. Lào Cai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch ghi nhận là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng homestay (với hơn 340 cơ sở lưu trú homestay), phổ biến tại các xã: Tả Van, Tả Phìn (thị xã Sa Pa), Y Tý (huyện Bát Xát), Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền (huyện Bắc Hà), Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) do người dân trực tiếp đầu tư và thực hiện. Đây là loại hình “du lịch xanh” được khách du lịch nước ngoài yêu thích. 2 năm liền (2016 và 2017), du lịch cộng đồng Lào Cai được giải thưởng Homestay ASEAN. Loại hình du lịch này đã giúp quảng bá hình ảnh về thiên nhiên và con người Lào Cai đến bạn bè quốc tế.

Công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch cũng được các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ sở dạy nghề để đào tạo, cung ứng nguồn lao động tại địa phương. Giai đoạn 2016 - 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương, các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, đào tạo và bồi dưỡng mới, đào tạo lại hơn 4.000 lao động, nâng tổng số lao động du lịch đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh lên hơn 14.000 người.

Để có được những thắng lợi đó, tỉnh đã huy động hơn 21.130 tỷ đồng thực hiện Đề án số 3 (vượt mục tiêu 17%). Nguồn vốn đầu tư cho các dự án du lịch thuộc đề án chủ yếu tập trung thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân (vốn ngân sách địa phương 47,53 tỷ đồng; vốn sự nghiệp ngân sách địa phương 49,89 tỷ đồng; vốn vay ODA 129 tỷ đồng; vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân 14.318 tỷ đồng; vốn tín dụng 6.496 tỷ đồng; vốn người dân đóng góp 85,55 tỷ đồng và nguồn vốn khác 3,91 tỷ đồng).

Theo đánh giá của ngành du lịch, việc triển khai thực hiện Đề án số 3 nhận được sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương và sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị nên đạt được kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Cơ bản các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ theo mục tiêu đề án và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Công tác quản lý nhà nước về du lịch đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Các dự án phục vụ du lịch được tăng cường đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách đã góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư tại các vùng trọng điểm du lịch của tỉnh.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục