Hoạt động của ngành

Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù - tạo điểm nhấn khi về Đất Tổ

Cập nhật: 24/08/2020 10:36:53
Số lần đọc: 777
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về khâu đột phá phát triển du lịch, nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về phát triển du lịch bền vững được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, các sản phẩm du lịch đặc thù đã và đang được quan tâm đầu tư, khai thác có hiệu quả, tạo điểm nhấn với du khách khi về Đất Tổ.

Trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản vùng miền tại thành phố Việt Trì góp phần quảng bá sản phẩm, sản vật đặc trưng của tỉnh và kích cầu tiêu dùng du lịch.

Đa dạng các tiềm năng

Là mảnh đất cội nguồn với nhiều di tích, di sản văn hóa Quốc gia, Phú Thọ có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.372 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích Quốc gia đặc biệt, 73 di tích Quốc gia, 219 di tích cấp tỉnh và hàng trăm Lễ hội dân gian đặc sắc như: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, lễ hội Trò Trám, lễ hội rước Chúa Gái, lễ rước kiệu Hùng Lô, hội Phết Hiền Quan... cùng các làn điệu dân ca Xoan, Ghẹo. Trong đó, có nhiều tiềm năng cho phát triển các loại hình du lịch đặc thù. Đối với sản phẩm du lịch
văn hóa tâm linh, tỉnh có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, gắn với giá trị tiêu biểu của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, di tích văn hóa Miếu Lãi Lèn - thành phố Việt Trì, Đền Mẫu Âu Cơ - huyện Hạ Hòa và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Cùng với du lịch văn hóa tâm linh, các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng cũng được đầu tư, phát triển về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ. Các khu du lịch: Đảo Ngọc Xanh, Vườn Vua, Thanh Lâm (Thanh Thủy) đã được đầu tư mới, nâng cấp, hoàn thiện. Các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch được đa dạng hóa, có thêm nhiều điểm nhấn phục vụ khách tham quan, chụp ảnh check in điểm đến... Trong đó, tại thành phố Việt Trì đã hình thành các điểm vui chơi, giải trí như: Công viên Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương và khu vực trung tâm thành phố.

Đối với các sản phẩm du lịch sinh thái - danh thắng, đặc biệt phải kể đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn có nhiều lợi thế trong việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với khai thác bền vững giá trị cảnh quan thiên nhiên. Được sự quan tâm của Nhà nước và của tỉnh, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã đầu tư tạo dựng một số điểm nhấn du lịch phục vụ khách tham quan như “cọn nước Xuân Sơn”; “đường hoa du lịch Xuân Sơn”, “đồi chè Long Cốc”, “đồi chè Mỹ Thuận”… Đồng thời, hỗ trợ đồng bào dân tộc Dao, Mường xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng homestay đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng phục vụ khoảng 500 khách lưu trú và 1.500 khách tham quan du lịch, ăn uống, mua sắm… Ngoài ra, trong quá trình xây dựng các tour, tuyến du lịch có thể giới thiệu một số điểm đến, điểm dừng chân hấp dẫn thu hút khách tham quan, chụp hình như các đồi chè có cảnh quan đẹp tại huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, tạo ấn tượng đối với du khách khi về Đất Tổ. 

Với sự quan tâm đầu tư, chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh được nâng cao. Sản phẩm du lịch tâm linh ngày càng được hoàn thiện đồng bộ, hạ tầng giao thông được nâng cấp, các di tích được cải tạo, tu bổ, các hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức, an toàn, đổi mới, hấp dẫn. Tuy có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, song những năm qua, nguồn lực đầu tư cho du lịch còn thấp, một số dự án đầu tư hạ tầng du lịch triển khai chậm. Cơ sở hạ tầng tại một số khu, điểm du lịch đầu tư chưa đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch còn mang tính mùa vụ, sản phẩm du lịch chưa thực sự phong phú, đặc trưng và có sức hấp dẫn khách du lịch. Khách du lịch lưu trú chiếm tỷ lệ nhỏ so với khách tham quan, thực hành tín ngưỡng, thời gian lưu trú và mức chi tiêu bình quân của khách du lịch còn thấp… là những khó khăn trong phát triển du lịch của tỉnh.


Thác Nghĩ, bản Mu, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn là điểm đến hấp dẫn với những người ưa trải nghiệm, khám phá, có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch cộng đồng.

 

Phát huy lợi thế, đánh thức tiềm năng 

Thác Nghĩ, bản Mu, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn thời gian gần đây được biết đến là điểm du lịch sinh thái, cộng đồng thu hút sự quan tâm của những người ưa thích trải nghiệm, khám phá. Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện, với trên 92% dân số là người dân tộc Mường, trên địa bàn xã Thượng Cửu có khoảng trên 20 thác lớn nhỏ. Trong đó, thác Nghĩ, bản Mu mặc dù nằm trong rừng đầu nguồn nhưng việc đi lại cũng rất thuận lợi, xe máy có thể đi vào tận chân thác, nước trong và mát, cảnh vật hoang sơ, chưa có sự tác động mạnh của con người, tạo điều kiện cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với phong tục tập quán và các món ăn truyền thống của người dân địa phương.

Là một người có nhiều tâm huyết với việc tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch của thác Nghĩ, anh Đinh Văn Nghi - khu Mặc Chanh, xã Thượng Cửu cho biết: Gia đình tôi được giao bảo vệ 6ha rừng phòng hộ trong đó có suối Mu chảy qua các thác Nghĩ, Chuôn, Tải Kẻ. Ở giữa rừng nguyên sinh nên không khí ở đây trong lành, mát mẻ, thường thấp hơn so với bên ngoài từ 3 - 4 độ. Trước kia, vào những khi thời tiết nóng bức, bà con quanh khu vực vẫn thường vào tắm trong thác. Một vài năm gần đây, du lịch cộng đồng phát triển, thác thu thút nhiều người đến chơi, thăm quan thậm chí có những du khách đến từ Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Để tạo điều kiện cho bà con, du khách đến thác có địa điểm dừng nghỉ, gia đình đã dựng 5 lán sạp bằng bương tre quanh khu vực thác và nhận phục vụ các món ăn truyền thống của người bản địa, được nhiều người đón nhận, ủng hộ. Mong rằng, trong thời gian tới thác Nghĩ sẽ được nhiều người biết đến hơn và trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách…

Thực tế, mặc dù có lợi thế để phát triển du lịch nhưng nhiều danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa được khai thác hết tiềm năng; chưa phát triển tương xứng với các giá trị vốn có. Để thác Nghĩ nói riêng và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung thật sự hấp dẫn với du khách thì cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng thuận ủng hộ của chính quyền và nhân dân các địa phương…

Một số món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, xã Thượng Cửu, Thanh Sơn.
 

Bà Vũ Thị Hoài Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Để phát triển du lịch, ngoài việc phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có thì cần có các sản phẩm phụ trợ, dịch vụ đi kèm để thu hút du khách quay trở lại. Trong đó, cần xây dựng kịch bản chương trình hấp dẫn, các tour, tuyến, lịch trình phù hợp với từng dòng du khách, tạo được các điểm nhấn đáng nhớ đối với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tham mưu, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến du lịch như: Tham gia tạo cảnh quan môi trường, hướng dẫn hoàn thiện các công trình điểm nhấn du lịch tại các điểm du lịch, hình thành các mô hình trình diễn mang đậm nét văn hóa vùng Đất Tổ. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để giới thiệu quảng bá các sản phẩm du lịch, tạo điều kiện cho các công ty du lịch lữ hành trên cả nước biết đến du lịch Đất Tổ. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ hướng dẫn viên và cộng đồng nhằm hướng tới sự chuyên nghiệp và hài lòng của khách du lịch khi về Đất Tổ. 

Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường phát triển du lịch gắn với trải nghiệm hoạt động làng nghề kết hợp nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng du lịch từ đó tôn vinh, quảng bá sản phẩm, sản vật đặc trưng của Phú Thọ đến với du khách. 

Cùng với đó, thực hiện chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm-OCOP, Sở Công thương đã khai trương điểm giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền tại thành phố Việt Trì. Giới thiệu, quảng bá nhiều sản phẩm đặc chưng của vùng Đất Tổ như: Tương, chè, mì gạo, bánh chưng, ủ ấm Sơn Vi, nón lá Gia Thanh, tinh dầu quế Trung Sơn, bưởi Đoan Hùng... và nhiều đặc sản vùng miền khác. Các sản phẩm được trưng bày tại điểm bán đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm với mong muốn không chỉ đưa mặt hàng của các tỉnh bạn về giới thiệu cho bà con trong tỉnh mà còn giới thiệu sản phẩm của các địa phương trong tỉnh tới du khách thập phương, góp phần kích cầu tiêu dùng du lịch. 

Hy vọng rằng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của ngành du lịch và các đơn vị, địa phương, trong thời gian tới du lịch Phú Thọ sẽ tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp gắn với nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo dựng và khẳng định được thương hiệu, sức cạnh tranh, thu hút du khách về với Đất Tổ.

Vĩnh Hà

 

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục