Hoạt động của ngành

Cao Bằng: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Cập nhật: 24/08/2020 08:18:16
Số lần đọc: 748
Là một điểm du lịch được du khách gần xa biết đến như là chiếc nôi văn hóa của dân tộc Dao Tiền tại xã Quang Thành (Nguyên Bình), đến với xóm Hoài Khao, du khách được trải nghiệm nét đẹp mộc mạc, hoang sơ và những con người thân thiện, mến khách. Để du lịch Hoài Khao phát triển bền vững mà không mất đi vẻ đẹp tự nhiên, huyện đang thực hiện chủ trương phát triển mạnh du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao.  


Nghề thêu, in hoa văn bằng sáp ong được phụ nữ xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) gìn giữ.

Nằm nép mình dưới một thung lũng trong quần thể núi Lũng Cam - Phja Oắc, xóm Hoài Khao với 34 hộ dân vẫn giữ được những nét truyền thống của dân tộc Dao Tiền. Vượt qua con dốc Pù Chây, Hoài Khao như một bức tranh đẹp níu bước chân du khách phải dừng lại để chiêm ngưỡng. Những nếp nhà được xây dựng bằng đất, mái ngói âm dương, kho thóc để trước cửa như nét văn hóa đặc trưng chờ du khách đến khám phá.

Giữa trưa một ngày tháng 8, trời nắng nóng gay gắt nhưng ở Hoài Khao rất mát mẻ. Những cơn gió từ rừng nguyên sinh thổi khiến du khách đều cảm thấy thư thái, dưới chân núi những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, trải dài theo sườn đồi thơ mộng.

Trong ngôi nhà đất 3 gian rộng gần trăm mét vuông, ông Chu Khánh Thịnh cho biết: Xóm có 2 dòng họ Chu, Lý sinh sống, các nét văn hóa đặc sắc của người Dao Tiền được gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ sau, nhà ở vẫn giữ nguyên như từ xa xưa. Người Dao Tiền có nghề chạm bạc tinh xảo, nghề dệt truyền thống, thêu hoa văn váy áo, in hoa văn trên váy bằng sáp ong. Những nét sinh hoạt văn hóa, ẩm thực và các phong tục tập quán đậm đà bản sắc như lễ cấp sắc, mừng lúa mới… vẫn được bà con duy trì.

Chính lối sống dựa vào thiên nhiên, bảo vệ môi trường khiến cho bà con nơi đây vẫn giữ được nét đẹp văn hóa cổ xưa, giữ được những cánh rừng cổ thụ giàu giá trị đa dạng sinh học. Rất nhiều du khách đã tìm đến xóm Hoài Khao để được đắm mình vào thiên nhiên hoang dã, trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao Tiền.

Rất nhiều du khách cùng nhận định, sau những ngày làm việc vất vả nơi phố thị, muốn đến nơi yên tĩnh nghỉ ngơi thì Hoài Khao là một điểm tuyệt vời. Bầu không khí trong lành, người dân thân thiện, chân thành. Đặc biệt, tất cả phụ nữ ở Hoài Khao đều thành thạo kĩ thuật in hoa văn bằng sáp ong trên vải để làm ra những bộ trang phục cầu kì.

Thực hiện chủ trương gắn kết giữa phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc, huyện Nguyên Bình đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 55/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình đột phá xây dựng xóm Hoài Khao thành làng du lịch cộng đồng. Theo đó, các cấp chính quyền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và nhân dân, trong đó yếu tố con người được chú trọng, phát huy. Thông qua hoạt động của người dân trong gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống; phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo hướng hiệu quả, bền vững.

Đồng thời, huyện phối hợp với các ngành liên quan, đặc biệt là ngành văn hóa tham mưu, hướng dẫn việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Bằng nguồn hỗ trợ của huyện và các nguồn lực sẵn có, nhiều hộ dân ở Hoài Khao được hỗ trợ ngói âm dương, triển khai mô hình nuôi cá - lúa, diện tích 9,8 ha với 28 hộ tham gia; lựa chọn 3 hộ chăn nuôi gà, 2 hộ nuôi chăn nuôi cá phục vụ du khách trải nghiệm…

Để nâng cao nhận thức cho bà con, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương đã bồi dưỡng cho người dân kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng tiếp đón, phục vụ khách du lịch, văn hóa giao tiếp ứng xử, phát triển du lịch cộng đồng bền vững, có trách nhiệm với môi trường tự nhiên.

Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới như: di dời chuồng chăn nuôi, hiến đất, góp ngày công, tiền của xây dựng khu nuôi nhốt gia súc tập trung...; trồng mới 420 cây đào, 200 cây lê tạo cảnh quan, xây dựng 2 homestay kiểu mẫu đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Trưởng xóm Hoài Khao Lý Hữu Tăng cho biết: Từ khi có chương trình phát triển xóm trở thành điểm du lịch cộng đồng, nhờ được tuyên truyền, bà con trong xóm ai cũng tích cực vệ sinh nhà cửa, làng bản; giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, bởi chính những nét đẹp đó đã tạo nên sức hút đối với du khách. Du khách đến với xóm nhiều hơn, do đó thu nhập và đời sống của chúng tôi cũng được nâng lên.

Bên cạnh những chương trình, dự án đầu tư phát triển nâng cấp hạ tầng giao thông, huyện đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư một số điểm du lịch có quy mô, tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Thúc đẩy kết nối, hình thành các tuyến du lịch gắn với các địa danh của địa phương như Phja Đén, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo…

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Nông Quốc Hùng, hiện nay, huyện đang định hướng cho người dân xóm Hoài Khao kinh doanh các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch khi đến với địa phương, đặc biệt là dịch vụ homestay để đây không chỉ là một sản phẩm du lịch đặc thù, một điểm lưu trú, mà khi đến đây du khách còn được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc, được khám phá thiên nhiên và phong tục tập quán của người dân địa phương.

Với tiềm năng, lợi thế, các giải pháp đồng bộ, phát triển du lịch cộng đồng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân xóm Hoài Khao nói riêng và huyện Nguyên Bình nói chung, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc; thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. 

 

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục