Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Doanh nghiệp du lịch bắt đầu hoạt động trở lại

Cập nhật: 25/08/2020 08:07:02
Số lần đọc: 693
Sau một thời Huế không có ca nhiễm COVID-19, trạng thái bình thường dần được thiết lập, các điểm đến bắt đầu kích cầu để thu hút khách trở lại, với mục tiêu có thể sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Du khách đến nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng tại Khu suối khoáng nóng Alba Thanh Tân

Nhiều gói kích cầu mới

Sau một thời gian tạm thời dừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh sau khi COVID-19 tái bùng phát, Khu suối khoáng nóng Alba Thanh Tân (Phong Sơn, Phong Điền) đã mở cửa đón khách trở lại từ ngày 21/8. Nhằm kích thích nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng của khách, vé vào cổng giảm còn 200 nghìn đồng/người, bao gồm các dịch vụ ngâm tắm suối khoáng nóng, tham quan làng nghề, trang trại, vườn hươu sao, “check in” cầu treo và chơi zipline. Về lưu trú qua đêm, áp dụng khuyến mãi sâu với mức giá chỉ 990 nghìn đồng/đêm, đã bao gồm các dịch vụ và đặc biệt tặng thêm phiếu ẩm thực 500 nghìn đồng.         

Tại Lapochine Beach Resort (Thuận An, Phú Vang), điểm nghỉ dưỡng này “tung” ra chương trình “Ngôi nhà thứ 2”. Đại diện resort thông tin, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhân viên xịt khử trùng resort 2 lần trong ngày, khách ra vào phải đeo khẩu trang 100% và kiểm tra thân nhiệt đầy đủ. Mức giá lưu trú được áo dụng mới là 1,8 triệu đồng/đêm/phòng deluxe (phòng cao cấp), chương trình này được áp dụng riêng khách miền Trung. Với không gian thoáng mát, tách biệt, lộng gió, gần gũi thiên nhiên, resort kỳ vọng sẽ là địa điểm thích hợp để tránh dịch của du khách và gia đình.

Trong khi đó, Vedana Lagoon Resort (thị trấn Phú Lộc, Phú Lộc) áp dụng chương trình “Nghỉ hè chưa muộn”, với giá phòng ngủ khuyến mãi chỉ còn 550 nghìn đồng/khách/đêm, đã bao gồm miễn phí ăn sáng. Thậm chí, tại Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương (đường Minh Mạng, TP. Huế) có chương khuyến mãi hấp dẫn hơn khi giá phòng chỉ còn 450 nghìn đồng/khách/đêm và đã bao gồm ăn sáng và các tiện ích đi kèm.

Bà Lê Thị Dạ Lam, Tổng Quản lý Vedana Lagoon Resort và Làng Hành Hương cho biết, khó khăn là điều đã xảy ra, nhưng nếu không kích cầu, thu hút khách, doanh nghiệp sẽ còn kéo dài khó khăn này thêm. Có thể khách đi du lịch chưa được nhiều và lợi nhuận của doanh nghiệp là bằng không, song quan trọng là giúp nhân viên có việc làm, có thu nhập, hướng đến ổn định cuộc sống.

Laguna Lăng Cô cũng cho biết, resort vừa khởi động chương trình “Nơi trú ẩn an toàn – SafeSanctuary”, một chương trình tích hợp về an sinh, trong đó bao gồm các quy tắc và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn chặt chẽ mới. Với mục tiêu hàng đầu là tạo ra một “Nơi trú ẩn an toàn” để nâng cao chất lượng cuộc sống và kỳ nghỉ dưỡng cho du khách, tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ, tạm quên đi những giây phút mệt mỏi, khi dịch bệnh đang phức tạp trên thế giới và hướng đến phục vụ khách khi dịch bệnh được kiểm soát.

Thời điểm này, du lịch biển vẫn còn thu hút được du khách

Tuyệt đối không chủ quan

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, đến nay, Huế chưa có ca nhiệm COVID-19 nào sau đợt bùng phát thứ hai này và cũng chưa có các hạn chế du khách đến các điểm du lịch. Đây là tiền đề để các điểm du lịch có thể đón và phục vụ khách. Trước tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát và ở Huế dần trở lại trạng thái bình thường mới, các hoạt động du lịch được khuyến khích hoạt động trở lại và các doanh nghiệp cần chủ động các giải pháp để có đợt kích cầu lần thứ hai.

“Các điểm đến, cơ sở lưu trú có thể thích ứng mở cửa đón khách dựa trên các tiêu chí đảm bảo an toàn và phòng chống dịch theo quy định Bộ Y tế và ngành du lịch Huế. Đặc biệt là áp dụng triệt để và đầy đủ bộ tiêu chí du lịch an toàn mà UBND tỉnh ban hành trước đó. Quan điểm của ngành là khuyến khích doanh nghiệp đón khách trở lại bằng những mô hình hay, hướng đến khách đi nhóm nhỏ, nhưng không được chủ quan, lơ là, nhất là khi dịch bệnh có những chuyển biến khó lường hơn”, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định.

Cũng theo lãnh đạo ngành du lịch, do tâm lý lo lắng về dịch bệnh của khách nội địa, vì vậy dòng khách cần được tập trung trước mắt là khách nội tỉnh. Trong thời gian đến, ngành du lịch sẽ có định hướng và khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra các chương trình khuyến mãi, kích cầu ưu tiên “Người Huế đi du lịch Huế”, nhất là vào thời điểm cuối tháng 8 và nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay.

“Về khách du lịch trong tỉnh, không chủ quan với dịch bệnh là điều cần thiết, nhưng cũng không lo lắng quá mức mà bỏ qua cơ hội nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm những điểm hấp dẫn của điểm đến, những dịch vụ ưu đãi của ngành du lịch”, ông Nguyễn Văn Phúc gửi gắm.

Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, sự chủ động trong việc thu hút khách du lịch trong tỉnh, tiến đến trong nước của các doanh nghiệp thời gian qua là điều rất cần thiết trong việc sớm phục hồi du lịch Huế.

          Bài, ảnh: Đức Quang

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục