Hoạt động của ngành

Phát triển Sơn Tây trở thành một trọng điểm du lịch của Hà Nội

Cập nhật: 02/06/2023 15:22:10
Số lần đọc: 738
(TITC) - Sáng 1/6, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây tổ chức hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư xã Đường Lâm. Đây là hoạt động nhằm hướng dẫn người dân phát triển du lịch cộng đồng, góp phần xây dựng thị xã Sơn Tây trở thành một trong những điểm đến du lịch trọng điểm của Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho rằng, để du lịch Sơn Tây tăng thêm sức hút, phát triển bền vững, ngoài bảo tồn các giá trị di sản đang có, người dân cần chú trọng đến vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, làm sạch đường làng, ngõ xóm. Ngoài ra, trong việc phát triển du lịch cộng đồng, cần chú trọng đến ứng xử, thái độ phục vụ khách văn minh; xây dựng các sản phẩm quà tặng từ những sản phẩm OCOP hấp dẫn.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, với việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian vừa qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch, trong đó chú trọng xây dựng các tour tuyến tham quan tại các di tích nổi tiếng của thị xã, như: Thành cổ, Đền Và, làng cổ Đường Lâm, chùa Khai Nguyên, đền Măng, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu du lịch Đồng Mô, các điểm nghỉ dưỡng sinh thái trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sơn Tây cũng xây dựng và đưa vào khai thác phố đi bộ với nhiều hoạt động phong phú, trở thành điểm đến mới hấp dẫn người dân và du khách.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng nhận định, kết quả ban đầu của một số hộ dân làm kinh tế du lịch tại Làng cổ Đường Lâm đã thu được kết quả khả quan khi du khách đến với làng cổ ngày càng đông. Tuy nhiên, người dân làng cổ cần gìn giữ những văn hóa lịch sử vốn có và phát huy hoạt động kinh tế du lịch, từ những nhà dân trực tiếp làm du lịch đến những người dân tham gia cung cấp sản phẩm cho du khách mua mang về.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TITC

Hội nghị triển khai hướng dẫn ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư để du khách đến với Đường Lâm không chỉ nhớ về di tích mà còn nhớ về những nụ cười thân thiện, người dân văn minh, thực sự là văn hóa truyền thống, xứng đáng là con cháu của vua Phùng Hưng và Ngô Quyền.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long. Ảnh: TITC

Với vai trò là người hướng dẫn, tập huấn cho người dân tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng, để hấp dẫn du khách hơn, người dân Đường Lâm nói riêng, thị xã Sơn Tây nói chung cần tạo thêm các hoạt động trải nghiệm cho du khách tại nhà; nâng cấp cơ sở lưu trú cộng đồng đạt chuẩn về dịch vụ để níu chân du khách ở lâu, chi tiêu nhiều. Ngoài ra, người dân cần khai thác lợi thế ẩm thực truyền thống, đưa ẩm thực trở thành một trong những “đặc sản” thu hút du khách.

Một số hình ảnh đoàn khảo sát Sơn Tây do Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh dẫn đầu. Ảnh: TITC

Trao đổi với Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, chủ Lớp truyền nghề sơn mài miễn phí, điểm độc đáo mới mẻ hấp dẫn du khách của Làng cổ Đường Lâm

Lăng mộ vua Bố cái Đại vương Phùng Hưng tại Làng cổ Đường Lâm

Khảo sát Nhà Duối tại Điểm du lịch Khu du lịch thôn Long Hồ, xã Kim Sơn, điểm du lịch mới được công nhận của Hà Nội

Điểm vui chơi nghỉ dưỡng Khu du lịch thôn Long Hồ, xã Kim Sơn

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sơn Tây được xác định là một trong 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô có tính chất là đô thị văn hóa lịch sử và đô thị du lịch nghỉ dưỡng. Giai đoạn 2025-2030, Sơn Tây phấn đấu trở thành một trong những trọng điểm du lịch Thủ đô. Trong năm 2022, thị xã đã đón 653.741 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế là 13.741 lượt, khách nội địa 640.000 lượt. Điểm du lịch xã Đường Lâm đón 340.000 lượt khách.

Hiện nay thị xã Sơn Tây có 2 điểm du lịch được UBND thành phố Hà Nội công nhận gồm có: Làng cổ Đường Lâm, làng cổ đầu tiên và duy nhất của Sơn Tây được Nhà nước trao Bằng “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia” và Khu du lịch thôn Long Hồ, xã Kim Sơn. Ngoài các giá trị văn hóa, lịch sử, Sơn Tây còn thu hút du khách với ẩm thực đặc sắc như: Bánh tẻ Phú Nhi, gà Mía, kẹo lạc, kẹo dồi, tương Đường Lâm; mật ong Kim Sơn, mít Sơn Đông...

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 01/6/2023

Cùng chuyên mục