Hoạt động của ngành

Phú Yên: Ngày ấy - bây giờ trên xứ hoa vàng cỏ xanh

Cập nhật: 10/07/2024 15:07:31
Số lần đọc: 617
Từ chỗ gần như không có gì về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như sản phẩm du lịch, 35 năm từ ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024), du lịch Phú Yên đang từng ngày phát triển, trở thành điểm đến yêu thích trên bản đồ du lịch Việt Nam. Hiện Phú Yên phấn đấu xây dựng thương hiệu “Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”.


Đầu năm, tỉnh Phú Yên tổ chức chào cờ ở Mũi Điện - nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam và đón những vị khách đầu tiên đến với xứ hoa vàng cỏ xanh. Ảnh: Ngọc Thắng

Ngày đầu thành lập

Tháng 7/1989, Sở Thương nghiệp Phú Yên được thành lập; năm 1991, đổi tên thành Sở Thương mại và Du lịch. Đến năm 1994, Phòng Du lịch trực thuộc Sở Thương mại và Du lịch được thành lập. Năm 2008, thực hiện chủ trương hợp nhất sở, chức năng và tổ chức về du lịch được chuyển về Sở VHTTDL.

Ngày 14/8/1989, Công ty Du lịch Phú Yên được hình thành. Trong 2 năm 1989 và 1990, công ty đã đưa vào kinh doanh loại hình lưu trú và ăn uống tại khách sạn Hương Sen và khách sạn Intershop bên cạnh một số cơ sở nhỏ khác như: nhà khách Thanh Bình, nhà khách Vĩnh Đông Á… chủ yếu phục vụ khách hội nghị, công vụ.

Quảng trường Tháp Nghinh Phong là điểm check-in không thể thiếu của du khách khi đến Phú Yên. Ảnh: Trần Quới

Tháng 4/1995, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU về xây dựng và phát triển ngành Du lịch đến năm 2000, xác định “coi ngành Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng đối với Phú Yên, phát triển du lịch là một hướng chuyển dịch trong chiến lược phát triển KT-XH góp phần thực hiện CNH-HĐH của tỉnh”. UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn 1996-2010; ban hành Chương trình hành động về du lịch của tỉnh.

Ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch Phú Yên giai đoạn 2001-2006, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên nhớ lại: Hoạt động du lịch Phú Yên những ngày đầu tái lập tỉnh đơn sơ lắm. Trong điều kiện một tỉnh mới chia tách, xuất phát điểm thấp, xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế, việc xây dựng, phát triển du lịch của tỉnh gặp nhiều trắc trở.

Năm 2001, Tỉnh ủy (khóa XIII) đã tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 15. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, những mặt tồn tại, hạn chế, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 5/11/2001 về phát triển ngành Du lịch Phú Yên đến năm 2005 và định hướng đến năm 2010 với mục tiêu: “Đổi mới và phát triển các cơ sở kinh doanh du lịch, đổi mới phương thức kinh doanh, phục vụ để xây dựng ngành Du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh”.

Những thành tựu

Sau khi có các cơ chế, chính sách trên, ngành Du lịch Phú Yên đã từng bước phát triển căn bản. Đến Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV (2010-2015) là một bước tiến dài của ngành Du lịch tỉnh. Ngành Du lịch từng bước đóng góp đáng kể vào GDP của tỉnh.

Một góc các khách sạn, resort khang trang, hiện đại ven biển Tuy Hòa, đủ năng lực đón khách quốc tế hạng sang. Ảnh: Trần Quới

Năm 2009, sự kiện khách sạn 5 sao đầu tiên của tỉnh khánh thành, đi vào hoạt động vào dịp 30/4, khiến những người làm du lịch và quan tâm đến du lịch xứ Nẫu nức lòng. Một khách sạn quy mô, giữa cánh đồng hướng về biển xanh, đem lại một luồng sinh khí mới nhằm khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển “ngành công nghiệp không khói”, góp phần giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về vùng đất Phú Yên xinh đẹp với biển xanh cát trắng nắng vàng.

Nằm trong khuôn viên của khu vui chơi giải trí Thuận Thảo rộng 25ha, CenDeluxe là khách sạn 5 sao đầu tiên và duy nhất của Phú Yên đến thời điểm đó, được xây dựng với lối kiến trúc hiện đại, sang trọng theo phong cách châu Âu kết hợp với nét phong thủy Á Đông của kiến trúc Việt tạo thành điểm nhấn nổi bật.

Chưa đầy 5 tháng sau, ngày 9/9/2009, tiếp tục một khách sạn 4 sao khác cũng “lên sàn” lưu trú cao cấp - khách sạn Kaya ngay trên đại lộ Hùng Vương như một biểu tượng mới của du lịch. Cũng trong năm 2009, một khu du lịch sinh thái cao cấp đầu tiên ở cửa ngõ phía Bắc TP Tuy Hòa được khánh thành, đi vào hoạt động trong sự hân hoan của những người làm du lịch, có thêm một địa chỉ để đón khách, bạn bè phương xa, giới thiệu du lịch Phú Yên với khách quốc tế.

Một loạt công trình, kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển KT-XH gắn với phát triển du lịch của tỉnh được đầu tư xây dựng như: Tuyến đường động lực ven biển từ TP Tuy Hòa đi gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Vũng Rô; tuyến đường từ quốc lộ 1 - gành Đá Đĩa; đường vào khu di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh; đường từ quốc lộ 1 đến Nhà thờ Bác Hồ; đường từ quốc lộ 1 đến khu di tích Đá Bàn; đường lên hải đăng Mũi Điện; nâng cấp quốc lộ 25 nối Phú Yên với Gia Lai và quốc lộ 29 nối Phú Yên với Đắk Lắk; nâng cấp cảng hàng không Tuy Hòa, trong đó có hạng mục nhà ga hành khách có thể tiếp nhận cùng lúc ba máy bay A320/A321…

Việc bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống, văn hóa các dân tộc thiểu số cũng được chú trọng. Đặc biệt là một số công trình có ý nghĩa kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611-2011) đã từng bước thu hút khách du lịch đến tham quan như: Di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh; Thành An Thổ - nơi sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam; Vũng Rô - tàu Không số; Tháp Nhạn; gành Đá Đĩa; Bãi Môn - Mũi Điện; Căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến và Nhà thờ Bác Hồ; di tích địa đạo Gò Thì Thùng…

Với những cơ sở hạ tầng được đầu tư, năm 2011, Phú Yên kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển, đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ. Từ đây, lĩnh vực du lịch đã có nhiều bước chuyển biến tích cực.

Môt dấu son đặc biệt cho du lịch Phú Yên bắt đầu từ tháng 10/2015, phim điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ phát hành, đã làm “dậy sóng” khán giả trên cả nước về một Phú Yên đẹp mơ màng, lãng mạn bởi sự hoang sơ quyến rũ, xanh biển, xanh đồng, xanh sông, xanh núi…

Tiếp tục, nhiều khách sạn, resort cao cấp ven biển mọc lên, như: Rosa Alba, Stelia, Sala… Đặc biệt, quảng trường Tháp Nghinh Phong, trong không gian công viên biển TP Tuy Hòa hình thành đã trở thành biểu tượng mới cho du lịch tỉnh nhà, khi cuối năm 2023 lập cú đúp giải thưởng danh giá về kiến trúc cảnh quan đô thị của châu Á và thành phố du lịch hàng đầu của tổ chức du lịch thế giới.

Khi tách tỉnh, tháng 7/1989, chỉ một vài khách sạn, nhà khách, sau 35 năm, toàn tỉnh có 440 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, tăng 285 cơ sở so với cuối năm 2019. Công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được tăng cường trong và ngoài nước. Phú Yên được đăng cai tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế. Cách đây 35 năm, khách đến Phú Yên hầu hết là khách công vụ, thăm thân. Đến nay, Phú Yên trở thành điểm son trong tăng trưởng trên bản đồ du lịch Việt Nam, khi lượng khách đến xứ hoa vàng cỏ xanh ngày càng tăng. Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên 6 tháng đầu năm 2024 gần 2 triệu lượt.

Ngày 18/8/2021, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động 09-CTr/TU về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Mục tiêu tổng quát phát triển du lịch Phú Yên theo hướng hội nhập, chất lượng, bền vững; từng bước tăng tỉ trọng đóng góp của du lịch vào cơ cấu GRDP của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển; tạo nền tảng đến năm 2030, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh. Tiếp tục xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện; là một trong những mắt xích quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Trần Quới

Nguồn: Báo Phú Yên - baophuyen.vn - Đăng ngày 07/7/2024

Cùng chuyên mục