Quảng Bình: "Mở khóa" cho du lịch nông nghiệp…
Thời gian gần đây, mô hình phát triển du lịch nông nghiệp đã được nhiều tỉnh, thành trên cả nước và tỉnh Quảng Bình thực hiện. Mô hình này đã khai thác hiệu quả tiềm năng, đặc trưng riêng của từng địa phương, từng vùng và giúp người dân có thu nhập đáng kể, ngành du lịch cũng có thêm những sản phẩm mới. Nhưng, để khai thác hiệu quả và tìm hướng đi đúng từ du lịch nông nghiệp, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra…
Khởi sắc từ du lịch nông nghiệp…
Những ngày cuối năm, chúng tôi đã rong ruổi nhiều làng quê ở các địa phương trong tỉnh để tìm hiểu về cách làm, tính hiệu quả và định hướng cho tương lai của các mô hình du lịch nông nghiệp. Tiếp xúc với chủ các trang trại nông nghiệp kết hợp với làm du lịch, chúng tôi nhận thấy rằng, đa số họ đã bắt đầu có những góc nhìn khác về du lịch và thông qua phát triển du lịch nông nghiệp, các trang trại đều có thu nhập đáng kể.
Ông Võ Trung Tuấn, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan (thôn Tú Loan 1, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch) cho biết: “Trang trại nông nghiệp của tôi có diện tích hơn 5ha, trong mấy năm trở lại đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường và nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia đình tôi đã đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng các loại cây, như: dưa vàng, dưa lưới, mướp đắng, dưa leo, các loại hoa, cây ăn quả và các loại rau… Doanh thu của mô hình sản xuất nông nghiệp của tôi đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, bảo đảm việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng...”
Trang trại Đồng Soi, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.
Cũng theo ông Tuấn, để đạt được doanh thu lớn như vậy, ông đã biết tận dụng phát triển mô hình trang trại nông nghiệp của mình để kết hợp làm du lịch. Mỗi năm, trang trại của ông cũng thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, chụp ảnh, nhất là trong những ngày nghỉ, dịp lễ, Tết.
“Các sản phẩm nông nghiệp của trang trại ngoài xuất bán ra thị trường, còn có nguồn thu lớn từ khách du lịch. Hầu hết khách đến tham quan, chụp ảnh, sau khi ra về đều mua rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của trang trại để làm quà và sử dụng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, trang trại của tôi cũng bị thiệt hại nặng, nhưng hiện nay, tôi vẫn đầu tư với số vốn lớn để trồng dưa lưới, dưa leo (dưa chuột) Israel, hơn 700 chậu hoa cúc cùng nhiều loại hoa khác, chăm sóc 500 gốc ổi nhằm phục vụ khách đến tham quan trong dịp Tết...”, ông Tuấn bộc bạch.
Trang trại nông nghiệp Đồng Soi, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch do 4 thanh niên địa phương Trần Quốc Việt, Trần Anh Phú, Trần Tuấn Hải, Trần Văn Khanh lập từ cuối năm 2018. Là những người bạn cùng làng, cùng ý tưởng lập nghiệp, những thanh niên này đã lập nên trang trại Đồng Soi để kết hợp làm du lịch.
Anh Trần Quốc Việtcho biết, nhóm đã thuê hơn 1,4ha đất nông nghiệp của bà con trong thôn để làm trang trại và trồng các loại hoa, đào ao thả cá, chăn nuôi trâu bò, nuôi cừu, trồng táo, na Thái, chanh tứ quý…
“Đến nay, trang trại đã được đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Từ trang trại nông nghiệp này, những ngày cao điểm, chúng tôi đã đón được hơn 1.200 lượt khách đến tham quan với giá vé 30.000 đồng/lượt người. Hiện nay, trang trại đã thu về hơn 600 triệu đồng. Ngoài là điểm đến tham quan, chụp ảnh của khách du lịch, trang trại Đồng Soi còn là nơi thu hút các gia đình, nhóm bạn tổ chức tiệc cưới, đính hôn, sinh nhật…”, anh Trần Quốc Việt chia sẻ.
Hướng đi nào cho du lịch nông nghiệp…
Quảng Bình rất có nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển du lịch nông nghiệp nhưng để có thể “đi một chặng đường dài”, thì vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 1.850.000 lượt khách, giảm 66,3% so với kế hoạch và giảm 63% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.127 tỷ đồng, giảm giảm 66,3% so với kế hoạch và giảm 63% so với cùng kỳ năm 2019.
Chăm sóc hoa để phục vụ khách du lịch trong dịp Tết sắp đến.
Để đạt được những con số trên, ngoài sự nỗ lực rất lớn của ngành du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp cũng đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc tạo ra sản phẩm du lịch mới và thu hút khách nội địa trong bối cảnh dịch bệnh và thiên tai.
Có thể nói, việc hình thành các điểm du lịch nông nghiệp tại Quảng Bình là điều đáng mừng nhưng trên thực tế, không phải điểm du lịch nông nghiệp nào cũng am hiểu về du lịch để có thể phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Vậy, làm gì để tìm hướng đi hiệu quả cho du lịch nông nghiệp?
Theo chủ các trang trại nông nghiệp mà chúng tôi gặp, đa số họ đều cho rằng, thành quả lớn nhất và quan trọng nhất chính là thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, chính họ đã tạo ra được giá trị sản xuất cao trên cùng một đơn vị diện tích so với trước đây.
Ngoài ra, theo chủ các trang trại, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành rất nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp làm du lịch, vì vậy, sẽ xảy ra sự cạnh tranh quyết liệt nhằm thu hút khách du lịch. Do đó, để duy trì được hoạt động, các cơ sở phải cần tự đổi mới, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ…
Anh Trần Quốc Việt, thành viên của trang trại nông nghiệp Đồng Soi chia sẻ, trong tương lai gần, để duy trì và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, trang trại sẽ phải thay thế các giống hoa, cây trồng cho phù hợp với thị hiếu của khách du lịch, tập trung mở rộng chăn nuôi trâu bò để lấy vốn nhằm tái sản xuất cho trang trại…
Theo bà Đinh Thanh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Bình, tiềm năng về du lịch nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình rất phong phú. Tuy nhiên, việc khai thác nông nghiệp làm du lịch hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức nhỏ hẹp, quy mô đơn lẻ, sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu, quảng bá. Đa số các hoạt động du lịch nông nghiệp đều mang tính tự phát, manh mún, trùng lặp…
Cũng theo bà Loan, thành quả lớn nhất của du lịch nông nghiệp là đã giúp người dân được hưởng lợi trên những sản phẩm nông nghiệp của mình và nhờ phát triển du lịch nông nghiệp, diện mạo các làng quê nông thôn cũng có nhiều khởi sắc. Ngành du lịch không những được hưởng lợi mà còn giúp định vị lại ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường...
“Để phát triển du lịch nông nghiệp, các trang trại cần phải tập trung đầu tư, kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất theo hướng chuẩn VietGAP, đặc biệt là chú trọng đến nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, các trang trại cần chú trọng ký kết với các tour, đoàn du lịch để liên kết thành một hệ thống chuỗi từ đầu vào cho đến đầu ra nhằm thu hút khách du lịch…”, bà Loan nhấn mạnh.
Ngọc Hải
Nguồn: Báo Quảng Bình