Mở rộng không gian phố đi bộ thu hút khách tham quan
Đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thích khám phá văn hóa lịch sử phố nghề và yêu thích ẩm thực.
Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Ngay trong đêm khai trương, 8 tuyến phố đi bộ mới đưa vào hoạt động gồm Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng, và một phần ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên, ngõ Phất Lộc đã chính thức dừng hoạt động các phương tiện giao thông để đón du khách. Với người dân Thủ đô, mỗi phố cổ đều gắn liền với lịch sử phố nghề hàng nghìn năm của Thủ đô Văn hiến.
Ông Nguyễn Văn Phúc ở 49 Hàng Bạc cho biết, phố Hàng Bạc từ xa xưa là nơi hội tụ của những nghệ nhân kim hoàn tài ba, “Xưa phố này do những người thợ vàng, thợ bạc người ta về mở mang. Họ là thợ kim hoàn có tiếng ở đất nước này. Có những nhà làm vàng nổi tiếng như vàng Cát Lợi, sau này có những kỹ nghệ mới, bạc người ta làm tranh, dát mỏng ra đặt lên khuôn cho nổi lên”.
Chị Nguyễn Ngọc Diệp chia sẻ, “Bên cạnh đây chính là đình Kim Ngân - là nơi ông tổ nghề Bạc được đặt ở đây, ở đây đa số đều là nghệ nhân làm về bạc và các đồ trang sức làm từ bạc”.
Để phát huy những giá trị truyền thống của các khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm đã lên phương án những ngành hàng chủ yếu làm nổi bật nét đặc trưng của các tuyến phố đi bộ. Theo đó có tuyến phố ẩm thực; tuyến phố đồ gỗ, mỹ nghệ; giày dép, len dạ; kim hoàn…
Ông Phạm Tuấn Long, Phó bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho biết các tuyến phố đi bộ sẽ đảm bảo văn minh, vệ sinh đô thị, bán hàng hóa rõ xuất xứ và bảo đảm an toàn thực phẩm, “Phố Gia Ngư, ngõ Cầu Gỗ là các hàng ăn uống và khách sạn, phố Hàng Bè là các đồ thủ công, mỹ nghệ, phố Đào Duy Từ, Cầu Gỗ là hàng tạp hóa, ẩm thực. Phố Đinh Liệt, Hàng Dầu là các phố bán đồ len, dạ, dày dép. Phố Hàng Bạc là phố chuyên doanh về kim hoàn. Riêng Ô Quan Chưởng sẽ là trung tâm để tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội. Trong các dịp lễ hội sẽ tổ chức các quầy hàng giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và đặc sản vùng miền”.
Từ lâu không gian đi bộ ở thành phố Hà Nội đã trở thành nơi sinh hoạt công cộng của người dân, giao lưu của các vùng miền trong cả nước và là điểm đến hấp dẫn ở Thủ đô. Việc mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ Hà Nội kết nối với phía Bắc không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tạo thành một chỉnh thể bổ trợ chức năng, cộng hưởng giá trị, tạo ra sự gắn kết, phát huy tiềm năng giá trị văn hóa, lịch sử của các khu vực phố cổ.
Đến với không gian phố đi bộ mở rộng trong buổi khai trương, người dân thành phố và du khách luôn cảm thấy hài lòng: “Mở rộng quang cảnh thế này rất thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước”, "Tôi rất hài lòng về an ninh hôm nay", “Được mở rộng không gian đi bộ thế này rất vui và hôm nay ra đây rất phấn khởi”.
Không gian phố đi bộ của Hà Nội hiện có tới 35 tuyến phố và chợ đêm Đồng Xuân đều tập trung tại quận Hoàn Kiếm. Hoạt động của các tuyến phố đi bộ đã góp phần thúc đẩy thương mại và thu hút khách du lịch. Các tuyến phố hoạt động vào 3 buổi tối hàng tuần thứ 6, thứ 7, chủ nhật. Trong thời gian hoạt động, các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật được tổ chức trên một số tuyến phố, các di tích lịch sử văn hóa trong khu vực cũng được mở cửa phục vụ khách tham quan./.
Nguyên Nhung/VOV1