Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Hấp dẫn du lịch miền núi

Cập nhật: 09/11/2021 05:07:29
Số lần đọc: 1006
Khi cuộc sống trở lại trong trạng thái bình thường mới, các lễ hội miền Đông lại được mở. Đến lễ hội, người ta bắt gặp nhiều điều hết sức bình thường đối với người dân bản địa, nhưng lại là cái hay, cái lạ với du khách.  


Du khách thích thú chụp ảnh dưới cây rơm tại Lễ hội VHTT dân tộc Sán Chỉ năm 2021 tại xã Đại Dực (Tiên Yên). Ảnh chụp trước dịch Covid-19

Khi vào mùa du lịch, những người sống ở vùng rừng núi thì xuống biển, còn người sống ở dưới biển thì lại đi lên rừng du lịch, cuộc sống đôi khi những cái hết sức đời thường của người này, thì lại là cái lạ lẫm, thích thú của người khác. Các xã ở các huyện miền Đông cũng dựa vào đó để đưa chuyện đời thường của họ thành sản phẩm du lịch.

Đến Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng miền Soóng cọ năm 2021 vừa qua tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, người ta thấy cả chuồng trâu, lều bắp ngô cũng được đưa vào lễ hội. Nhiều du khách thích trải nghiệm rồi chụp những bức ảnh bên cây rơm và còn tỏ ra thích thú. Chị Trần Thị Sinh, đến từ TP Cẩm Phả, cho hay: Chúng tôi đến từ thành phố công nghiệp ồn ào, nên rất thích những cảnh yên bình của vùng quê. Đến đây, tôi đã có những ảnh về để khoe với gia đình, bạn bè, rằng cuộc sống mà chỉ nghe ông bà, hay cha mẹ kể lại, giờ đây chính mình đã được trải nghiệm.

Đến với lễ hội, du khách còn được chiêm ngưỡng các điểm nhấn du lịch tại xã Đại Dực như ruộng bậc thang thôn Khe Quang, Khe Lặc, Khe Lục và hồ Tuyệt Tình Cốc (thôn Khe Ngàn). Nhiều du khách thích thú khi đến ngôi nhà của ông Nình A Liềng, thôn Khe Lục. Đây là ngôi nhà truyền thống của người Sán Chỉ còn giữ được gần như nguyên trạng với hệ thống tường rào bằng đá được xếp đặt hết sức tinh xảo. Trước đây, gần như gia đình nào ở Đại Dực cũng có ngôi nhà gần giống như thế này nhưng qua thời gian, các ngôi nhà đã hỏng, người dân phá đi xây nhà mới nhưng không xây theo kiểu cũ nữa. Vậy là bây giờ, ngôi nhà ông Liềng trở thành độc đáo, nhất là đối với những ai lần đầu tiên đến Đại Dực.

Túp lều bằng bắp ngô tạo nhiều hứng thú với du khách. Ảnh chụp trước dịch Covid-19

Ở huyện Bình Liêu, những năm trước đây khi du lịch chưa phát triển, có nhiều yếu tố được coi là điểm yếu trong xây dựng và phát triển kinh tế của nhiều xã thôn thì nay lại được phát huy trở thành điểm mạnh du lịch. Bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn từng là bản nghèo nhất trong tỉnh. Một nguyên nhân nghèo được đưa ra do khí hậu khắc nghiệt, hàng năm có tới 9 tháng sương mù, hạt lúa gặt về không có nắng để phơi và nảy mầm ngay trên sân phơi. Dê, bò người dân nuôi thì đau ốm, vì chúng ăn cỏ đọng sương cả ngày nên đau bụng chết.

Từ khi du lịch Bình Liêu phát triển, được nhiều du khách quan tâm, Phạt Chỉ trở thành điểm thu hút khách du lịch đến với cột mốc 1327, nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Vậy là độ cao của núi đồi với những ngày đặc sương mù lại làm cho du khách thích thú, vì cảm tưởng như đang leo bậc thang lên cõi hư vô, chìm trong sương mù bao phủ. Nhiều du khách tỏ ra hào hứng tự chụp cho mình bức ảnh mờ mờ trong sương rồi khoe với bạn bè.

Tại xã Lục Hồn, những ruộng bậc thang một thời coi là điểm yếu trong phát triển kinh tế ở xã, bởi ruộng bậc thang rất khó để đầu tư kênh mương cấp nước vì dốc và cao. Người dân xã Lục Hồn trồng lúa chỉ trông vào vụ mùa còn các vụ khác do tưới tiêu kém năng suất lúa thấp nhưng ngày nay, Bình Liêu tự hào vì có hệ thống ruộng bậc thang nhiều màu sắc mà nổi bật ở xã Lục Hồn, mà nhiều người đánh giá không thua kém những địa phương có ruộng bậc thang đẹp trong cả nước. Năm 2020, Bình Liêu đã nhận Quyết định của UBND tỉnh về công nhận ruộng bậc thang Lục Hồn là Di tích – danh thắng cấp tỉnh. Đây là cơ sở để huyện Bình Liêu giới thiệu những vốn văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào với đông đảo bạn bè, du khách bốn phương trong và ngoài tỉnh, đồng thời mở ra cơ hội trong việc khai thác tiềm năng du lịch phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Anh Vũ

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Qu​ảng Ninh

Cùng chuyên mục