Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Tăng hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch mới

Cập nhật: 31/01/2024 14:31:32
Số lần đọc: 634
Với mục tiêu mang đến cho du khách những trải nghiệm tốt nhất, Quảng Ninh đã và đang thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trên bờ, dưới Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long...

Du khách trải nghiệm dịch vụ nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Đến nay, trong số 38 sản phẩm du lịch mới năm 2023, có 25 sản phẩm du lịch đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch, điển hình như các sản phẩm: Ẩm thực Việt Trung, Nông trại Nhật Vượng, sản phẩm OCOP đặc sản Bình Ngọc của TP Móng Cái; sản phẩm du lịch lặn biển thể thao giải trí và sản phẩm tham quan các đảo gần bờ của huyện Cô Tô; tuyến đường đi bộ tại xã Minh Châu và tuyến đường đi bộ tại xã Quan Lạn của huyện Vân Đồn; sản phẩm du lịch trải nghiệm khám phá tại khu Quảng Ninh Gate; sản phẩm du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả tại xã Việt Dân của TX Đông Triều; sản phẩm tour du lịch “Cốc cốc đảo Hà Nam”; sản phẩm tour du lịch Dấu ấn Bạch Đằng và sản phẩm Phố Ẩm thực và điểm check in “Phố đêm Bến Ngự Quảng Yên” của TX Quảng Yên... Các sản phẩm này góp phần tăng sức cạnh tranh điểm đến, thu hút du khách đến Quảng Ninh. Tổng khách du lịch năm 2023 đạt 15,56 triệu lượt, tăng 34% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 2,15 triệu lượt. Tổng thu du lịch đạt 33.610 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2022.

Tuy nhiên, vẫn còn 13 sản phẩm chưa đảm bảo tiến độ. Tại TP Hạ Long có 3 sản phẩm phải tạm dừng hoặc đưa ra khỏi danh sách, như: Sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, trải nghiệm núi Bài Thơ chưa đảm bảo tiến độ đưa vào khai thác trong tháng 5/2023 do công trình di tích cấp quốc gia thuộc danh mục nhiệm vụ chi đầu tư công của ngân sách cấp tỉnh. Sản phẩm du lịch Phố đêm du thuyền dừng việc lập và triển khai Phương án dịch vụ ngắm cảnh đêm trên tàu du lịch ven bờ Vịnh Hạ Long do một số thủ tục về pháp lý. UBND thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển dịch vụ này phù hợp với Đề án thí điểm mô hình kinh tế ban đêm của tỉnh Quảng Ninh. Sản phẩm du lịch thể thao vui chơi giải trí thuyền buồm trên Vịnh Hạ Long cũng gặp khó khăn về các thủ tục liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải.

Sản phẩm du lịch thể thao vui chơi giải trí thuyền buồm trên Vịnh Hạ Long gặp khó khăn về các thủ tục liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải.

Không chỉ Hạ Long, một số sản phẩm du lịch khác ở các địa phương như: TP Móng Cái, Uông Bí, huyện Cô Tô... có tiềm năng phát triển du lịch, hiện thu hút đông khách du lịch đến tham quan, vãng cảnh, nhưng hiện đang gặp phải vướng mắc về việc điều chỉnh quy hoạch, các thủ tục pháp lý về đất đai; chưa đảm bảo tiến độ đưa vào khai thác; điểm đến chưa có đủ cơ sở hạ tầng, dịch vụ đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch...

Đặc biệt, các sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Bái Tử Long dự kiến đưa vào khai thác để giảm tải cho Vịnh Hạ Long cũng gặp không ít khó khăn. UBND huyện Vân Đồn, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã tích cực phối hợp với Sở Du lịch và các sở, ngành có liên quan đánh giá về tiềm năng, tính khả thi trong việc hình thành các điểm du lịch tại một số khu vực trong Vườn quốc gia Bái Tử Long và khu vực Vịnh Bái Tử Long huyện Vân Đồn. Đồng thời, chủ động tìm kiếm, lựa chọn nhà đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên cơ sở các tiêu chí công nhận điểm du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định hiện hành của Luật Lâm nghiệp.

Bên cạnh những khó khăn vướng mắc về thủ tục, quy hoạch, một số sản phẩm đã đi vào khai thác nhưng hiệu quả chưa cao, chưa thu hút được khách du lịch, thậm chí gây lãng phí đầu tư, như: Tuyến phố đêm, phố đi bộ Bài Thơ (TP Hạ Long); sản phẩm du lịch tâm linh, trải nghiệm tại thôn Sơn Hải và thôn Làng Mới xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ); sản phẩm du lịch cộng đồng thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên)... Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch, để đưa các sản phẩm du lịch này vào hoạt động, Sở đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, rà soát hồ sơ thủ tục sản phẩm du lịch mới của địa phương, đưa ra các giải pháp gỡ khó cho các địa phương, doanh nghiệp. Sở đề nghị Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh vận động các doanh nghiệp thực hiện đưa khách đến tham quan, mua sắm các khu vực có sản phẩm du lịch mới tại các địa phương, đồng thời tham góp ý kiến để hoàn thiện các sản phẩm hấp dẫn du khách. Khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết đưa ra các sản phẩm combo với chính sách ưu đãi nhằm thu hút khách du lịch.

Đổi mới, sáng tạo sản phẩm du lịch

Năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 17 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 3 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 39.100 tỷ đồng. Các địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Đến nay, đã có 22 sản phẩm của 5 huyện, thị xã, thành phố và một số doanh nghiệp đề xuất, tập trung vào lĩnh vực văn hóa, sinh thái, biển đảo, trải nghiệm, cộng đồng, chăm sóc sức khỏe..., như: Sản phẩm điểm vui chơi giải trí dịch vụ du lịch Tân Việt Bắc, sân Golf  Đông Triều (TX Đông Triều); nhà trưng bày không gian văn hoá đồng bào dân tộc Dao Thanh  Y, du lịch sinh thái Khe Song - Thác Bạc (TP Uông Bí); trải nghiệm du lịch sinh thái cảnh quan rừng nguyên sinh gắn với nghỉ dưỡng (huyện Đầm Hà)...

Công ty CP Du thuyền Đông Dương giới thiệu sản phẩm Hạ Long City Tour tham quan bên Hòn Gai cho khách du lịch tàu biển.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tích cực đưa vào các sản phẩm du lịch mới như Công ty CP Du thuyền Đông Dương đưa vào 2 sản phẩm: Hạ Long City Tour tham quan bên Hòn Gai cho khách du lịch tàu biển, tham quan tuyến 4 trên Vịnh Hạ Long bằng xuồng cao tốc; Chi hội Đồ xưa - Hội Cổ vật đưa vào sản phẩm du lịch phiên chợ ký ức...

Cùng với các sản phẩm du lịch đã được Sở Du lịch tổng hợp, vẫn còn nhiều sản phẩm gắn với các tiềm năng, lợi thế tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng du lịch chưa được khai thác, như sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long (đầu tư khai thác trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn; tổ chức đám cưới trên du thuyền thăm Vịnh Hạ Long, các chương trình nghe nhạc trên du thuyền, thăm nơi sản xuất ngọc trai và trải nghiệm ẩm thực từ con trai...). Ngoài ra, các địa phương có nhiều tài nguyên du lịch chưa được khai thác và đầu tư, như: Khai thác suối khoáng, du thuyền trên Vịnh Bái Tử Long ở Cẩm Phả; xây dựng làng văn hóa các dân tộc Quảng Ninh ở Bình Liêu...

Du khách trải nghiệm Phiên chợ ký ức tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du thuyền Đông Dương, cho biết: Vịnh Hạ Long sở hữu nhiều giá trị khác biệt, không chỉ đến từ vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng mà còn chứa đựng những nét văn hóa vô cùng độc đáo. Vì vậy, chúng ta có thể khai thác khía cạnh này, xây dựng các khu văn hóa biển, hậu cần nghề cá để trở thành sản phẩm du lịch khác biệt và mang lợi thế cạnh tranh. Không những thế, du khách cũng rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, đây cũng là lợi thế để các sản phẩm du lịch được khai thác theo xu hướng xanh, bền vững.

Bà Lê Thị Bích Hằng, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Quảng Ninh cũng đưa ra ý tưởng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở các địa phương như Hoành Bồ, Bình Liêu, Móng Cái. Hiện, đơn vị đang xây dựng sản phẩm gắn với xu hướng bảo vệ môi trường như tour trồng sim vùng biên giới, mở các lớp học dạy làm món ăn truyền thống, món ăn đặc trưng của Quảng Ninh, hướng dẫn làm nghề truyền thống. Đây là những sản phẩm nhận được sự quan tâm lớn của du khách, nhất là du khách quốc tế, góp phần gia tăng trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Để từng bước thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch năm 2024 và các năm tiếp theo đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và gia tăng sức cạnh tranh của ngành Du lịch Quảng Ninh, Sở đề xuất UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo phát triển sản phẩm du lịch trên Vịnh Bái Tử Long. Đây là sản phẩm du lịch mới, đã được UBND tỉnh định hướng trong Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô, đồng thời phù hợp với định hướng, chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh về đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách. Việc đưa loại hình dịch vụ này sẽ góp phần mở rộng không gian du lịch Vịnh Hạ Long, tăng trải nghiệm cho du khách, giảm áp lực cho vùng lõi của Di sản, đồng thời đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch tại khu vực Vịnh Bái Tử Long. Sở cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành chủ động gỡ khó cho doanh nghiệp và địa phương, đẩy nhanh tiến độ triển khai các sản phẩm du lịch mới.

Theo đó, rất cần các ngành chức năng phối hợp với các địa phương rà soát các khu vực neo đậu, khu neo đậu ngủ đêm, khu vui chơi giải trí dưới nước trên biển thuộc sự quản lý hành chính của các địa phương... để cập nhật vào bản đồ và cơ sở dữ liệu quy hoạch tỉnh đảm bảo tính tổng thể lâu dài; hướng dẫn thực hiện công bố khu vực neo đậu, khu vực neo đậu ngủ đêm, vùng nước cho hoạt động vui chơi giải trí theo quy định. Ngành Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, thực hiện đa dạng hình thức, đa nền tảng, đưa các sản phẩm này đến gần hơn với du khách, nhất là du khách quốc tế; nghiên cứu xây dựng bản đồ du lịch gắn với các sản phẩm đặc trưng, định vị du lịch Quảng Ninh trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực. 

Hoàng Quỳnh

Nguồn: Báo Quảng Ninh - baoquangninh.com.vn - Ngày 30/01/2024

Cùng chuyên mục