Non nước Việt Nam

Quảng Trị: Vùng ''đất lửa''

Cập nhật: 11/10/2021 07:49:30
Số lần đọc: 1079
Quảng Trị là vùng “đất lửa” ác liệt nhất trong chiến tranh, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền Nam - Bắc. Ðến Quảng Trị là để cảm nhận sự thiêng liêng của mảnh đất anh hùng, nơi đó thấm đẫm máu đào của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ, hào hùng của dân tộc.


Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, những lần tôi đặt chân đến Quảng Trị đều được tận hưởng cái nắng cháy da, cháy thịt của đất miền Trung. Một người bạn ở Nghệ An đã từng nói với tôi rằng, ra miền Trung giữa độ tháng 5 là phải trải nghiệm nắng lửa, gió Lào. Chính cái thời tiết khắc nghiệt mà khắp dải đất hình chữ S không nơi nào sánh được đã tôi luyện con người nơi đây sự kiên cường, chịu khó nhưng cũng rất cởi mở, ân tình.

Thành cổ Quảng Trị, nơi ghi dấu trận chiến ác liệt kéo dài 81 ngày đêm giữa quân ta và Mỹ - nguỵ.

Quảng Trị, vùng đất của sự tri ân, của những con người, địa danh đã làm nên huyền thoại. Ðó là Nghĩa trang Trường Sơn, nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ từ mọi miền Tổ quốc đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, nơi đã từng ngăn chia 2 miền Nam - Bắc trong cuộc trường chinh kéo dài 21 năm ròng rã, là biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông. Lật từng trang sử của Quảng Trị là mưa bom bão đạn, là đau thương, nước mắt, nhưng trước gông cùm, xiềng xích, lòng người không hề nao núng, bền bỉ chiến đấu vì độc lập, tự do.

Tượng đài “Khát vọng thống nhất” nằm trong cụm di tích Ðôi bờ Hiền Lương, khắc hoạ hình ảnh người mẹ miền Nam và em bé đưa mắt nhìn về bờ Bắc, mong chờ ngày 2 miền sum họp.

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, con sông này nằm ở vĩ tuyến 17, khi xưa nơi đây là giới tuyến ngăn chia 2 miền Nam - Bắc.

Trong hành trình về nguồn, những địa chỉ đỏ tại Quảng Trị luôn là những điểm sáng mà mỗi du khách khi đặt chân đến đều không thể bỏ lỡ. Họ tìm đến đây để hoài niệm về quá khứ, có khi lại sụt sùi về những câu chuyện trong chiến tranh. Và sâu sắc hơn là niềm tự hào vô bờ bến, là sự biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu, để ta biết trân quý giá trị trường tồn vĩnh cửu của độc lập, tự do./.

Hữu Nghĩa

 

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT