Về Cần Thơ ghé tham quan Giàn Gừa độc nhất vô nhị
Giàn Gừa hiện có diện tích khoảng 2.700 m2. Khu di tích có những cây gừa trên 150 năm tuổi với những thân – nhánh gừa to lớn, tán rộng đan xen nhau tạo thành một giàn khổng lồ chằng chịt. Gừa là loại cây tiêu biểu cho vùng sinh thái ngập nước của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gắn liền với lịch sử khẩn hoang và đấu tranh chống ngoại xâm (kháng chiến chống Pháp và Mỹ) của vùng đất huyện Phong Điền và cũng là khu sinh thái thiên nhiên tiêu biểu ở thành phố Cần Thơ.
Bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ, Khu di tích lịch sử Giàn Gừa còn là nơi có nhiều huyền thoại, gắn liền với lịch sử khai hoang mở cõi của nhà Nguyễn và lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cư dân địa phương. Nơi đây từng là cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân dân nơi này với chứng tích chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên thân cây những vết loang lổ của bom đạn.
Đến Khu di tích lịch sử Giàn Gừa, du khách sẽ choáng ngợp trước vẻ hùng vĩ của giàn gừa nguyên sinh vững chắc, những tán cây rộng, rợp bóng mát đem lại không khí trong lành, yên bình. Những cành gừa to uốn lượn ngoằn ngoèo, các gốc gừa to đan xen nhau chằng chịt thành một mạng lưới khổng lồ, tạo ra một không gian mới lạ về cảnh vật. Đến đây, chắc chắn bạn sẽ có những bức ảnh ấn tượng độc đáo và tham gia Ngày hội vía Bà Thượng Động Cố Hỷ, để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Giàn Gừa đã được UBND TP.Cần Thơ đã ký quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố vào ngày 05/4/2013, và đến ngày 13/6/2013 thì được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây gừa cổ thụ là cây di sản Việt Nam. Việc này mang ý nghĩa bảo tồn gen cổ cho loại thực vật đặc trưng ở đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cây di sản đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long và là cây di sản duy nhất của TP. Cần Thơ được công nhận.
Hiện có 2 hướng đi đến Khu di tích lịch sử Giàn Gừa. Một là từ Trung Tâm TP. Cần Thơ đi theo hướng lộ Vòng Cung trên địa bàn xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, qua phà đến xã Nhơn Nghĩa rồi hỏi thăm đường đến di tích Giàn Gừa. Hai là đi từ Cần Thơ về Hậu Giang, rẽ vào quốc lộ 61B (đường đi Vị Thanh), đến gần chân cầu Rạch Sung, quẹo trái, có bảng chỉ dẫn đường vào di tích. Lưu ý là đường vào di tích khá hẹp nên xe 4 bánh không vào được, du khách nên đi xe gắn máy.
Mỹ Trinh