Rượu cần - Nét văn hóa đặc sắc nơi rẻo cao Thanh Hóa
Đồng bào người dân tộc Thái ở huyện Bá Thước trước đây có một thứ men say nức tiếng, đó chính là rượu cần. Ngày lễ, Tết, họ thường quây quần bên nhau bên ché rượu cần rồi thưởng thức những điệu xòe, điệu múa. Nét văn hóa ẩm thực đặc sắc ấy vẫn được gìn giữ mãi đến tận bây giờ.
Bản Khuyn (xã Cổ Lũng), một vùng đồng bào người Thái sinh sống giáp ranh với tỉnh Hòa Bình, là một trong số ít những nơi đang còn lưu giữ lại những phương thức tạo nên men rượu cần truyền thống.
Vốn là đặc sản nên cách mà người Thái nơi đây tạo ra nó cũng rất kỳ công.
Một cuộc gặp không hề hẹn trước, phải khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được bà, người có thâm niên làm rượu cần lâu năm ở bản Khuyn. Bà là Hà Thị Sinh (sinh năm 1959). Mỗi tháng trung bình 2 lần, bà đeo gùi mây lên đồi hái lá, rồi ra dòng suối Khanh, nhập tâm rửa sạch từng nhánh lá.
“Để tạo ra được men rượu cần thơm ngon phải thật sự nhập tâm vào nó, trông đơn giản nhưng không dễ để có được men rượu ngon. Men rượu cần được làm từ lá cuống, lá nhân trần, ớt cay, gừng tươi, him ho, đập khau, gạo, trầu không sắn và trấu”. Bà Sinh chia sẻ.
Mỗi thứ một công dụng riêng nhưng khi hòa quện vào nhau tạo nên một thứ men thơm phức.
Ủ men rượu cần cũng đặc biệt, men rượu sau khi được nặn sẽ đem ủ với vỏ trấu để lên men, sau đó để lên gác bếp để sấy khô.
Sau khi đã chuẩn bị men xong, dùng sắn củ rửa sạch, băm nhỏ, trộn đều với vỏ trấu, đồ chín rồi để nguội. Đem hỗn hợp đó trộn với men theo tỷ lệ hợp lý rồi cho vào chum sành ủ thành thứ men rượu cần đặc biệt.
Rượu cần sau khi lên men khoảng 20 – 30 ngày có thể dùng được. Nhưng điều khác biệt ở men rượu cần là càng để lâu càng ngấu, càng có mùi thơm đặc trưng. Trước kia, khi đến với đồng bào người Thái gần như mỗi nhà có từ 2- 3 chum rượu cần để sử dụng dần dần mỗi khi có khách đến chơi nhà hay lễ hội.
Nước suối, một trong những thứ không thể thiếu được khi thưởng thức rượu cần. Người ta chọn những nơi có mạch nước suối trong mát để đem về đổ vào men tạo nên rượu cần.
Người Thái sử dụng sừng trâu để đong nước cho mỗi lần uống rượu cần. Hai sừng trâu đầy nước sẽ được gọi là một trâu rượu cần.
Và điều đặc biệt hơn nữa là người cầm chịch cho cuộc vui bên ché rượu cần. Ở đồng bào người Thái, họ gọi những người đó là người cầm Chám. Người cầm Chám được giao trọng trách điều tiết nước từ các trâu vào ché rượu. Mỗi lần thả Chám là một câu mời chào theo tiếng Thái. Tất cả tạo nên một nét tinh hoa văn hóa hết sức đặc biệt.
Nếu đang có ý định về một chuyến đi, bạn hãy thử một lần đến với nơi đây để cùng những người bạn bỏ lại những âu lo, thưởng thức nét văn hóa đặc sắc bên ché rượu cần nơi miền Tây Thanh Hóa.