Hoạt động của ngành

Sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào cộng đồng người Khmer ở An Giang

Cập nhật: 16/05/2019 08:13:55
Số lần đọc: 1026
Vùng đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn cư trú chính của người Khmer ở Việt Nam. Tại tỉnh An Giang, người Khmer chủ yếu phân bố ở vùng núi Thất Sơn thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Đặc biệt, ở huyện Tịnh Biên người Khmer còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống rất đặc sắc, là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch cộng đồng, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có sức hấp dẫn cao đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Du lịch tham quan: Chùa Khmer

Chùa Khmer là nơi diễn ra mọi sinh hoạt văn hóa, lễ hội, tôn giáo của cộng đồng người Khmer và là những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Huyện Tịnh Biên có 25 ngôi chùa Khmer mang vẻ đẹp độc đáo, giàu giá trị nghệ thuật, chứa đựng nhiều tiềm năng có thể khai thác thành sản phẩm du lịch, đồng thời mang tới cho du khách những trải nghiệm thanh tao về các triết lý sâu sắc của Phật giáo Nam Tông. Những yếu tố hấp dẫn của văn hóa Phật giáo Nam Tông là nguồn tài nguyên để thiết kế những sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách. Thông qua đó, du khách được tham quan, tìm hiểu, chiêm bái, chiêm ngưỡng, thưởng thức, trải nghiệm không gian nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, kết cấu bài trí trong không gian văn hóa các ngôi chùa Khmer, trong đó tiêu biểu là chùa Thơmit (xã Vĩnh Trung), chùa Rô (xã An Cư), chùa Văn Râu (xã Văn Giáo)… có rất nhiều tiềm năng để phát triển thành những điểm đến có sức hấp dẫn cao đối với du khách.

Chùa Khmer ở Tịnh Biên còn lưu giữ các bộ kinh lá buông là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là loại thư tịch cổ quý hiếm khắc chữ trên lá buông bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali theo trường phái Thomanadut và Mahainikai, xuất hiện từ thế kỷ 19. Kinh lá buông chứa đựng giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào Khmer. Hiện nay, loại kinh này còn được lưu giữ tại 30/65 chùa Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, với trên 100 bộ Kinh Phật.

Tại các chùa Khmer còn có dàn nhạc ngũ âm và là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật truyền thống, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng của người Khmer ở Tịnh Biên.

Chùa Khmer còn có không gian rộng, cảnh quan hài hòa giữa công trình kiến trúc với những cây xanh cổ thụ, tạo nên khung cảnh yên bình, thoáng đãng phù hợp với các hoạt động tham quan, sinh hoạt tập thể và thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho khách du lịch. Đây chính là những điều kiện rất thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng.

Trekking xuyên rừng

Huyện Tịnh Biên thuộc vùng núi Thất Sơn, một trong những vùng núi tiêu biểu và hiếm có ở đồng bằng sông Cửu Long. Trekking xuyên rừng, tham quan, leo núi được xem là những hoạt động hấp dẫn trong nhóm sản phẩm trải nghiệm cảnh quan hùng vĩ của dãy núi Thất Sơn. Những địa hình hiểm trở của các dãy núi cao luôn thu hút những khách du lịch có lòng can đảm, muốn khám phá thiên nhiên. Các hoạt động trải nghiệm đi bộ theo các cung đường, thưởng ngoạn cảnh quan, leo núi dã ngoại là hoạt động có thể tổ chức phục vụ nhóm khách có mục đích vận động, khám phá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và có thể kết hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng với hình thức lưu trú tại nhà dân. Đây là lợi thế so sánh của ngành Du lịch An Giang cần được khai thác để phát triển sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm, khám phá trải nghiệm thiên nhiên.

Cảnh quan núi rừng, vườn ruộng

 Những cảnh quan đồi núi giữa đồng bằng mang nhiều giá trị nổi bật, riêng có về tài nguyên du lịch tự nhiên. Đây chính là một trong những giá trị cốt lõi để xây dựng thương hiệu Du lịch An Giang. Sự đa dạng về địa hình này có giá trị lớn khi hình thành các tour kết hợp tham quan, leo núi và góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của địa phương. Khách du lịch có thể đi xe đạp, đi bộ hoặc ngồi xe ngựa theo các đường mòn để đến các vườn cây ăn trái, vườn hoa lan, vườn dược liệu trên sườn núi hoặc dưới chân núi để tham quan và thưởng thức trái cây, trải nghiệm dịch vụ ngâm chân hoặc tắm thảo dược phục hồi sức khỏe. Đặc biệt, khách du lịch không thể bỏ qua việc chiêm ngưỡng cảnh quan đặc trưng của Tịnh Biên với những cánh đồng lúa xen lẫn những hàng cây thốt nốt vươn cao dưới chân núi Thất Sơn hùng vĩ. 

Du lịch văn hóa: Phong tục, lễ hội

Vùng đất Tịnh Biên là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Khmer với nhiều giá trị văn hóa có khả năng khai thác thành sản phẩm du lịch. Cuộc sống sinh hoạt, tập tục, truyền thống canh tác, lễ hội, ẩm thực, âm nhạc của người Khmer được gìn giữ nguyên vẹn là sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Các hoạt động trải nghiệm cuộc sống cộng đồng của các dân tộc thiểu số được tổ chức ở cả nước, tuy nhiên nét đặc trưng của người Khmer ở An Giang được đánh giá là có sức hút riêng biệt, có tính đặc thù cao so với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều phum sóc của người Khmer ở Tịnh Biên vẫn còn giữ nguyên vẹn nhiều nếp sinh hoạt đặc sắc. Bên cạnh đó, các ngôi chùa Phật giáo Nam Tông, những phong tục của tộc người cũng được xem là những nét văn hóa đặc trưng của người Khmer An Giang có thể khai thác vào hoạt động du lịch. Đây có thể xem là những điểm nhấn quan trọng cho các tour văn hóa ở An Giang.

Lễ hội Đua bò Bảy Núi

Lễ hội Đua bò Bảy Núi được tổ chức vào dịp Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer Nam Bộ, khoảng từ 28/8 đến 1/9 âm lịch được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là một môn thể thao “độc nhất vô nhị” mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer tỉnh An Giang. Hội đua bò Bảy Núi thể hiện nhiều nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Khmer, đồng thời thể hiện tính liên kết cộng đồng rất cao. Ngày hội không chỉ là dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất của đồng bào Khmer mà còn hội tụ người dân vùng Bảy Núi và các vùng lân cận và đông đảo du khách. Hội đua bò An Giang có thể đầu tư nâng cấp thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Câu lạc bộ văn nghệ

Người Khmer ở Tịnh Biên có nhiều văn hóa truyền thống đặc trưng đã góp phần hình thành bức tranh văn hóa nghệ thuật đặc sắc của tỉnh An Giang. Họ nổi tiếng với dàn nhạc ngũ âm, nghệ thuật hát dì kê, múa trống, múa chằng. Các loại hình nghệ thuật truyền thống này được xem là kho tàng văn hóa giá trị để An Giang có thể khai thác phát triển những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Khai thác những giá trị truyền thống vào hoạt động du lịch thông hoạt động của các câu lạc bộ văn nghệ sẽ góp phần thu hút du khách và bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa các tộc người ở An Giang. Thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Khmer với dự biểu diễn của các thành viên trong câu lạc bộ văn nghệ sẽ là điểm nhấn quan trọng của chương trình du lịch văn hóa ở huyện Tịnh Biên. Trong đó, múa Khmer mang nhiều giá trị thẩm mỹ độc đáo và dễ tham gia nên rất thu hút du khách.

Du lịch làng nghề

Các làng nghề truyền thống của người Khmer huyện Tịnh Biên chứa đựng những tiềm năng du lịch rất lớn. Không gian phát triển các sản phẩm du lịch này là làng nghề dệt thổ cẩm ở xã Văn Giáo và nghề nấu đường thốt nốt. Những sản phẩm của làng nghề mang nhiều giá trị văn hóa bản địa, phù hợp để phát triển thành quà lưu niệm mang đậm dấu ấn địa phương, thích hợp để làm quà tặng bạn bè, người thân.

Thổ cẩm của làng dệt Văn Giáo rất đa dạng và phong phú, màu sắc hài hòa, kỹ thuật dệt rất công phu, hoa văn mang phong cách truyền thống, mang nhiều nét riêng biệt. Thêm vào đó, kỹ thuật nhuộm của làng nghề Văn Giáo sử dụng các loại thuốc nhuộm theo phương pháp cổ truyền có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp cho lụa óng ả, mượt mà và bền. Thổ cẩm của làng dệt Văn Giáo không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như: Mỹ, Australia, Pháp, Thái Lan, Campuchia với thương hiệu “Silk Khmer” nên được đầu tư, phát triển thành mặt hàng lưu niệm đặc trưng của vùng đất Tịnh Biên.

Sản phẩm đường thốt nốt An Giang cũng được đánh giá là loại đường thiên nhiên, có hàm lượng dinh dưỡng cao, an toàn với sức khỏe, có vị ngọt thanh và mùi thơm rất đặc trưng. Những món ăn, thức uống được chế biến từ thốt nốt đã chiếm một vị trí quan trọng nhất trong nền ẩm thực của địa phương. Cây thốt nốt được xem là tặng phẩm quý giá của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này với những đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước. Sản phẩm đường thốt nốt của làng nghề đã được đóng gói vệ sinh trong những lá thốt nốt khô và trở thành đặc sản nổi tiếng của tỉnh An Giang, đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. Nổi bật là cơ sở sản xuất đường thốt nốt Lan Nhi vẫn còn giữ được quy trình chế biến truyền thống và có nhiều điều kiện thuận lợi phục vụ nhu cầu tham quan và mua sắm của khách du lịch.

Việc khai thác làng nghề vào hoạt động du lịch giúp đồng bào Khmer tăng thêm thu nhập, bảo tồn làng nghề truyền thống của dân tộc và góp phần đa dạng sản phẩm du lịch cho địa phương.

Du lịch homestay

Các hoạt động du lịch mang tính chất du lịch cộng đồng ở An Giang có đặc điểm trải nghiệm khác nhau, phụ thuộc vào từng địa bàn và dân tộc cụ thể như: trải nghiệm cuộc sống thường ngày ở các làng quê ven sông, trên các cù lao, trên ghe, ngủ tại nhà dân, thu hoạch nông sản cùng người dân với hình thức homestay để khám phá sự trù phú về nông sản vùng đất An Giang. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ homestay chủ yếu chỉ phát triển ở cộng đồng người Việt, chưa có sự đầu tư và phát triển ở các gia đình người Khmer. Vì vậy, Du lịch An Giang nên tổ chức các dịch vụ phục vụ nhu cầu lưu trú và ăn uống với mô hình du lịch homestay tại gia đình người Khmer An Giang nhằm hình thành những sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa sâu sắc cho du khách cũng như góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương. Để mô hình này đạt hiệu quả, chính quyền địa phương cần hỗ trợ, khuyến khích đồng bào Khmer đầu tư xây dựng, trang hoàng nhà cửa để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Du lịch trải nghiệm

Thưởng thức các món ẩm thực địa phương là nội dung quan trọng của sản phẩm du lịch tìm hiểu cuộc sống cộng đồng. Du khách có thể kết hợp tham quan, tìm hiểu hoặc trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng dân tộc Khmer trên Núi Cấm với thưởng thức các đặc sản của dân tộc như rau rừng (ngũ trảo, ngành ngạnh, đọt bứa, cơm nguội, bằng lăng, đọt chiếc...); mua sắm các loại thuốc núi (thần thông, hà thủ ô, huyết rồng, cốt toái, linh chi, ngũ triều, kỳ hương, quế quan, thiên niên kiện, mỏ quạ, mật ong rừng…). Tận dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên, người Khmer đã tạo nên một nền ẩm thực độc đáo và hấp dẫn tiêu biểu như: cốm dẹp, mắm bò hóc, canh sim lo... có hương vị đậm đà, đặc trưng, được các tộc người cộng cư ưa thích và dần trở thành những món ăn quen thuộc trong đời sống của người dân An Giang và rất hấp dẫn du khách.

Việc khai thác các tiềm năng để biến thành các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn là một trong những vấn đề đang đặt ra cho các cấp lãnh đạo, quản lý và các tổ chức đoàn thể ở địa phương tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư nơi đây làm du lịch cộng đồng một cách hiệu quả và bền vững. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội, phát triển cộng đồng, nâng cao đời sống, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và góp phần xây dựng nông thôn mới ở vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Nguồn: Tạp chí Du Lịch

Cùng chuyên mục