Sản phẩm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long chưa rõ nét dù đã có sắc thái riêng
Hội nghị tổng kết triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2022 vừa được tổ chức tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch được triển khai từ năm 2019, với mục đích liên kết, hợp tác cùng phát huy những thế mạnh của mỗi địa phương và cả vùng trong việc khai thác, phát triển du lịch cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của từng tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL và TP.HCM.
Du khách tham quan tại nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang
Đến cuối năm 2022, tổng số khách đến ĐBSCL là khoảng 44 triệu lượt, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách lưu trú khoảng hơn 12 triệu lượt, tăng gần 140% với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ du lịch vùng ĐBSCL năm 2022 ước đạt gần 34.000 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với cùng kỳ 2021; du lịch góp phần tạo việc làm và sinh kế bền vững cho hàng chục ngàn người dân địa phương, đồng thời thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Riêng An Giang, trong năm 2022 đã đón hơn 7,3 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng hơn 120% so với cùng kỳ và đạt gần 160% so với kế hoạch năm 2022; trong đó có 8.000 lượt khách quốc tế, tăng 250% so với cùng kỳ và cao hơn gấp đôi so với kế hoạch cả năm. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ và đạt 153% so với kế hoạch cả năm.
Lễ hội đua bò Bẩy Núi.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng; đây được xem là sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch trọng đại nhất trong vùng và cả nước, nhằm tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy, phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới, đặc biệt là thị trường khách quốc tế. Mặc dù mới thực hiện được 3 năm, bước đầu đã mang lại hiệu quả.
“Sau 2 năm đại dịch Covid-19 thì hiện nay đã thấy sự trỗi dậy, phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch. Tại ĐBSCL nếu với mặt bằng trước đại dịch thì số lượng khách chưa đạt, nhưng nếu so 2020, 2021 thì tăng hơn 200%; tuy nhiên, khách chủ yếu là ở trong nước. Trong thời gian vừa qua, TP.HCM và các tỉnh, thành phố ở khu vực ĐBSCL đã tổ chức rất nhiều sự kiện, chương trình để thực hiện việc hợp tác và liên kết. Hiện nay, dù rằng các sản phẩm du lịch tại ĐBSCL mỗi tỉnh đã đều có những sắc thái riêng, một nét riêng, nhưng vẫn chưa rõ nét” - ông Trần Anh Thư cho biết thêm.
Quang cảnh hội nghị.
Theo nhiều đại biểu, mặc dù ĐBSCL có thế mạnh về đường sông, đường biển, đường bộ và đường hàng không, nhưng sự kết nối giao thông nội vùng rất khó khăn, thiếu đồng bộ. Tuyến đường bộ toàn vùng và nội vùng chưa hình thành mạng lưới đáp ứng yêu cầu của du lịch, còn thiếu hạ tầng giao thông, cảng, trạm dừng chân... Một số sản phẩm du lịch na ná nhau; chưa phát triển được sản phẩm mới, đặc thù, bản sắc thu hút du khách... Đáng chú ý là dịch vụ homestay ở các tỉnh trong vùng có sự “sao chép” lẫn nhau, không có sự đột phá riêng ở mỗi điểm, nên dịch vụ này vẫn đang "loay hoay" tìm khách…
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng mặc dù du lịch đã phục hồi, nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng chưa cao; chưa có nhiều sản phẩm du lịch mới; việc kích cầu du lịch chưa mới, chưa thực sự hấp dẫn; chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế, từ đó dẫn đến thông tin chính thức về chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam đến khách quốc tế chưa đầy đủ…
“Sau giai đoạn phục hồi, chúng ta phải đi vào chiều sâu và có những điểm mới hơn. Phải tăng cường xây dựng các sản phẩm liên kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL, các sản phẩm liên kết cần phải mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn. Tăng cường các hoạt động giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới giữa các tỉnh thành. Lựa chọn sản phẩm để cùng nhau quảng bá thương hiệu, để quảng cáo các sản phẩm du lịch của ĐBSCL nói chung, chứ không làm riêng lẻ, không chỉ trên phương tiện thông tin đại chúng mà phải tạo nền tảng số để quảng bá. Phải phối hợp về các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư du lịch của TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL. Cần tăng cường quản lý nhà nước, liên kết lại một khối, kết hợp các doanh nghiệp, hiệp hội” - bà Phan Thị Thắng nói./.
Phan Ánh