Sáng tạo trong trưng bày hiện vật về đất và người Xứ Lạng: Góp phần giáo dục truyền thống 190 năm thành lập tỉnh
Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng (huyện Chi Lăng) hiện có gần 500 ảnh, tài liệu, hiện vật với 3 chủ đề chính: Chi Lăng lịch sử đất nước và con người - Chi Lăng lịch sử - Chi Lăng phát huy truyền thống. Bà Ngô Thị Bình Yên, Giám đốc Nhà trưng bày cho biết: Nhà trưng bày được tu sửa, chỉnh lý năm 2017. Hằng năm, ngoài việc chú trọng tới công tác chỉnh lý, trưng bày, chúng tôi thường tổ chức đa dạng các hoạt động tìm hiểu về lịch sử cho du khách như: tổ chức tham quan các điểm di tích, trải nghiệm trò chơi dân gian…
Cán bộ Bảo tàng tỉnh thuyết minh về ý nghĩa của bảo vật quốc gia tấm Bia Thủy Môn Đình cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh
Với những biện pháp đổi mới để thu hút khách tham quan, thời gian qua, Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng đã có nhiều người đến tham quan, tìm hiểu các giá trị lịch sử. Riêng từ đầu tháng 10/2021 đến nay, tại đây đã đón trên 500 lượt khách. Em Đàm Hoàng Nhi, lớp 9, Trường Tiểu học - THCS Mỏ Đá, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Trong tháng 10/2021, em và các bạn cùng lớp được đến nhà trưng bày tham quan nhân kỷ niệm 594 năm chiến thắng Chi Lăng (10/10/1427 - 10/10/2021). Tại đây, tận mắt nhìn những bức ảnh, tư liệu sống động và thăm ải Chi Lăng đã giúp chúng em hiểu rõ hơn về lịch sử và thêm yêu quê hương”.
Hiện toàn tỉnh có 1 bảo tàng cấp tỉnh, 1 bảo tàng cấp huyện (Bắc Sơn), 1 Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng (Chi Lăng) và 5 khu (nhà) di tích lưu niệm gồm: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Tràng Định); Khu di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng); Nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ số 8 Chính Cai (thành phố Lạng Sơn); Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri (Văn Quan); Nhà trưng bày Vũ Lăng (Bắc Sơn). Cùng với Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng (Chi Lăng), thời gian gần đây, toàn bộ hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày, khu lưu niệm trên địa bàn tỉnh đều được quan tâm xây dựng, chỉnh lý, bổ sung hiện vật và đổi mới công tác trưng bày với tổng số kinh phí gần 15 tỷ đồng. Các địa điểm hiện nay đều trở thành các điểm du lịch về nguồn quan trọng của tỉnh.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Trong những năm qua, ngành đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến các di tích, sự kiện lịch sử một cách toàn diện đưa vào bảo quản, trưng bày trong hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày, khu lưu niệm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành cũng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thường xuyên đổi mới hoạt động trưng bày, nâng cao chất lượng phục vụ; tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá tại các địa điểm này để tham mưu, đề xuất xây dựng, tu bổ cho phù hợp.
Được biết, trong dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, các địa điểm này càng phát huy tối đa vai trò trong giáo dục truyền thống. Nhiều địa điểm đã tu sửa, cải tạo cảnh quan, bố trí đội ngũ thuyết minh tiếp đón các đoàn khách. Tiêu biểu, trong dịp này, Sở VHTTDL đã giao Bảo tàng tỉnh thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa như giúp đỡ các đơn vị cấp huyện chỉnh lý, trưng bày; tổ chức các cuộc triển lãm lưu động tại các huyện: Chi Lăng, Bắc Sơn… với trên 100 ảnh tư liệu, tư liệu quý, trong đó, tập bản đồ châu, huyện, tỉnh Lạng Sơn thời Đồng Khánh 1888 lần đầu tiên được ra mắt công chúng. Cùng đó, thực hiện triển lãm “Lạng Sơn - 190 năm hình thành và phát triển”.
Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hiện chúng tôi đã hoàn tất công tác chuẩn bị danh mục nội dung các ảnh, tài liệu, hiện vật phục vụ trưng bày triển lãm “Lạng Sơn – 190 năm hình thành và phát triển” với gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật. Trong đó, có nhiều hiện vật quý lần đầu tiên được bảo tàng sưu tầm, giới thiệu tới công chúng như: Bộ ảnh “Lạng Sơn xưa” gồm 75 bức ảnh về sinh hoạt của người dân Xứ Lạng, tấm ảnh Vua Khải Định thăm Lạng Sơn (năm 1918)…
Có thể thấy, hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày, lưu niệm trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc đưa lịch sử đến gần với Nhân dân, nhất là giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử 190 năm hình thành và phát triển của tỉnh Lạng Sơn. Từ đó, giúp cho thế hệ hôm nay thêm ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và tiếp bước xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu, đẹp, văn minh hơn.
Tuyết Mai