Hành trang lữ khách

Sẽ tái hiện Tết cổ truyền (Gơ rơ) của đồng bào dân tộc Khơ Mú tại “Ngôi nhà chung”

Cập nhật: 19/01/2021 08:30:18
Số lần đọc: 755
Trong khuôn khổ các hoạt động tháng 01, ngày 24/01 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ tái hiện Tết cổ truyền (Gơ rơ) của đồng bào dân tộc Khơ Mú huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An tới du khách tham quan.

Đồng bào Khơ Mú tham gia các hoạt động tại Làng VHDL các DTVN

Vào dịp cuối năm, khắp các bản làng người Khơ Mú, nhà nhà đều lo sắm sửa bình rượu cần để chuẩn bị vui Xuân, đón Tết, đồng bào Khơ Mú gọi là Tết Gơ rơ, một cái Tết cổ truyền của người Khơ Mú.

Đồng bào Khơ Mú nhảy sạp tại Làng VHDL các DTVN

Theo quan niệm của các già làng, rượu cần là thứ quan trọng để thể hiện năm vừa qua gia chủ có làm ăn phát đạt hay không do vậy, dù khó khăn đến đâu, đến ngày Tết, trong nhà đồng bào Khơ Mú cũng có từ 5-7 bình rượu cần.
Mỗi gia đình đồng bào Khơ Mú ăn Tết Gơ rơ đều phải sắm đủ lễ gồm: 1 cặp gà, một vò rượu cần, một đĩa cau trầu. Nếu thiếu một trong 3 thứ trên thì không thể thực hiện được nghi lễ của ngày Tết Gơ rơ. Sau lễ cúng trên coi như năm mới đã bắt đầu với từng nhà.

Đồng bào Khơ Mú kéo co tại Làng VHDL các DTVN

Cũng giống như quan niệm của người Kinh, trong ngày đầu năm, người xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi gia đình đồng bào Khơ Mú vì người ấy sẽ mang đến những điều tốt đẹp, may mắn cho gia đình trong suốt cả năm. Những tiếng nói cười, tiếng chúc nhau năm mới rộn ràng khắp bản làng. Men rượu cần càng uống càng ngọt trên đầu môi càng say đắm lòng người. Một năm mới đã bắt đầu với đồng bào dân tộc Khơ Mú.

Đồng bào Khơ Mú cùng du khách múa vòng xòe tại Làng VHDL các DTVN

Du khách đến tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong dịp cuối tuần không chỉ được tìm hiểu về nghi thức đón Tết truyền thống (Gơ rơ) của đồng bào Khơ Mú mà còn được trải nghiệm các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch giới thiệu làm bánh, gói bánh, trò chơi dân gian, hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm… tìm hiểu các nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Phạm Hương

Nguồn: http://vinaculto.vn

Cùng chuyên mục