Hành trang lữ khách

Sin Suối Hồ (Lai Châu): Sức hút từ du lịch cộng đồng

Cập nhật: 15/04/2021 14:41:00
Số lần đọc: 1157
Từ lâu bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) đã có sức hút đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước. Nơi đây, không chỉ được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm mà bất cứ ai đã từng ghé thăm đều có những trải nghiệm khó quên về cuộc sống, cách làm du lịch và tình đoàn kết của bản người Mông nơi địa đầu Tổ quốc.

Ấn tượng phiên chợ vùng cao

Một người bạn nhờ đưa đoàn du khách từ tỉnh Vĩnh Phúc lên trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Mông ở bản Sin Suối Hồ, tôi rất vui. Là phóng viên, tôi cũng có cơ hội trải nghiệm nhiều điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, nhưng mỗi khi nhắc đến Sin Suối Hồ, trong tôi vẫn có một tình cảm khá đặc biệt. 6 giờ sáng, từ thành phố Lai Châu, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình vượt qua những cung đường uốn lượn quanh co, 2 bên đường là những thửa ruộng bậc thang trải dài đến lưng chừng núi, thấp thoáng những rặng cúc quỳ đã vào mùa thay lá.

Sau chừng 40 phút, chúng tôi đã có mặt tại bản Sin Suối Hồ. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là chợ phiên Sin Suối Hồ. Cứ ngỡ xuống xe mọi người sẽ nhanh chóng chick-in điểm đến, nhưng không, hầu hết các ống kính đều hướng vào chợ và các ngả đường đổ về chợ. Bởi chợ không chỉ là nơi bán buôn, trao đổi hàng hóa mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng đặc trưng của đồng bào Mông, nên bà con đi chợ đông như đi trảy hội. Hình ảnh những cô gái, chàng trai Mông xúng xính trong trang phục truyền thống từ các ngả đường về chợ càng tô điểm cho không gian nơi đây thêm nhiều sắc màu quyến rũ.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, chợ được họp vào sáng thứ 7 hàng tuần và 1 phiên chợ phụ vào ngày thứ 4. Chợ có rất nhiều “đặc sản” của núi rừng vùng cao như mật ong, măng khô, mộc nhĩ, gạo nếp nương hay đơn giản là vài mớ rau rừng còn ướt đẫm sương đêm; các loại váy, áo, khăn… những sản phẩm thủ công do các bà, các mẹ tự tay thêu dệt. Du khách có thể mua một bộ trang phục dân tộc hoặc thuê để chụp ảnh lưu niệm; cũng có thể mua những chiếc khăn, túi, mũ được dệt bằng tay với nhiều sắc màu để làm quà tặng.

Các dịch vụ ăn uống cũng phát triển, được bố trí hợp lý, thuận tiện cho cả người mua và người bán. Đến chợ Sin Suối Hồ không mấy khi bắt gặp cảnh kỳ kèo ngã giá, bớt một thêm hai. Người bán chỉ bán duy nhất một giá mà không hề thay đổi, dù món hàng đó đến tan chợ không ai mua, rau quả có héo cũng không hạ giá, dù phải mang về cũng không bán đổ, bán tháo cho hết. Cách bán này cũng xuất phát từ chính phẩm chất thật thà, trung thực và thẳng thắn của đồng bào Mông.

Sau khi tham quan vòng quanh chợ, được trưởng bản giới thiệu, chúng tôi chọn quán phở lợn đen phía trong chợ để điểm tâm bữa sáng. Bà chủ quán người Mông đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn rất nhanh nhẹn hoạt bát. Bà không mời gọi hay chuyện trò mà chỉ nở nụ cười đôn hậu khi có khách đến ăn. Bát phở thơm hương vị thảo quả kết hợp với thịt và móng giò lợn bản, được chủ quán chọn lựa kỹ và chế biến thủ công. Tuy không quá màu mè, bắt mắt nhưng chỉ ăn miếng đầu đã khiến đoàn du khách "kết" ngay... Xương móng giò ninh bằng bếp củi, không quá kỹ, thịt có miếng dày miếng mỏng, những miếng càng dày, càng đậm vị ngọt, thơm… Anh khách ngồi bên ghé tai tôi thì thầm: “Quán ăn này ngon có tiếng bởi bà chủ chỉ lấy nguyên liệu tại địa phương để chế biến, khách ăn một lần sẽ nhớ mãi”. Đúng như lời anh nói, cả đoàn sau khi thưởng thức ai cũng trầm trồ khen ngợị.

Đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên nơi biên ải

Sau bữa sáng chúng tôi rong ruổi trên những con đường trải bê tông sạch đẹp, chiêm ngưỡng sắc màu, tận hưởng mùi thơm ngào ngạt của các loại hoa lan (nhiều nhất là hoa địa lan). Ở đây, nhà nào cũng trồng địa lan, nhà ít thì khoảng trăm chậu, nhà nhiều thì 7 - 8 trăm chậu. Anh Vàng A Chỉnh Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: “Vài năm trở lại đây, hoa địa lan đã mang lại doanh thu hàng tỷ đồng cho bà con trong bản. Hoa được đưa xuống thành phố, về Hà Nội và các tỉnh miền xuôi cũng nhờ bà con quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội, rồi dần dần xây dựng lên thương hiệu địa lan Sin Suối Hồ. Bà con trong bản đoàn kết lắm, làm gì cũng chỉ bảo cho nhau, nên địa lan không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn làm giàu và trở thành nguồn thu nhập ổn định của cả bản. Cũng nhờ loại hoa địa lan này đã tạo nên cảnh quan rực rỡ, hỗ trợ cho loại hình du lịch của bản ngày càng phát triển”.

Thả sức ngắm địa lan, chốc chốc chúng tôi lại bắt gặp những vườn rau được bà con trồng và tạo tên chủ nhà một cách tỉ mỉ. Bản Sin Suối Hồ sạch lắm, nhà nào cũng làm chuồng chăn nuôi, không có tình trạng gia súc gia cầm thả rông, phóng uế bừa bãi. Trên đường đi bà con làm rất nhiều giỏ đựng rác bằng mây, tre với dòng chữ “tôi xin rác” để giữ gìn cảnh quan luôn xanh - sạch - đẹp.

Một ấn tượng khó quên với tôi là người Mông nơi đây rất hiếu khách. Cứ gặp nhau là nở nụ cười, dù không quen biết họ cũng coi là anh em một nhà, tay bắt mặt mừng, tình nghĩa nặng sâu. Chỉ cần tiếp xúc với người Mông một lần, bạn sẽ cảm nhận được ngay sự chân thành, mộc mạc, hồ hởi, giản dị mà sâu sắc đến không ngờ.

Sau phút nghỉ trưa ít ỏi nhà trưởng bản, chúng tôi tiếp tục men theo con đường đá để khám phá vẻ đẹp của thác Thác Trái tim. Dọc hành trình khám phá Thác Trái tim cũng khiến du khách thích thú bởi những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, bên dưới là bạt ngàn thảo quả đang vào vụ thu hoạch... Đâu đâu cũng thấy sắc xanh của một sự sống đang căng tràn mạnh mẽ. Thi thoảng lại bắt gặp những thác nước tung bọt trắng xóa trong đại ngàn. Những chiếc cầu tre, ghế đá được bà con thiết kế để du khách nghỉ chân hay chick – in cũng thật đẹp. Khung cảnh núi rừng khiến con người ta trở nên điềm tĩnh, thanh thản hơn và quên đi những âu lo, muộn phiền thường nhật. Chặng đường cũng nhờ đó mà rút ngắn lại chỉ trong chốc lát, Thác Trái tim đã hiện ra trước mắt, mang đến cho mỗi người trong đoàn những xúc cảm tuyệt vời về tình yêu thiên nhiên.

Thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa tráng lệ nhưng cũng vô cùng lãng mạn, tình tứ, đúng như câu chuyện truyền thuyết về tình yêu chung thủy của đôi trai gái người Mông. Thác Trái tim cũng là minh chứng cho tình yêu đôi lứa, sự thủy chung và son sắt, dù có khó khăn đến đâu người Mông vẫn nguyện một lòng với người mình đã yêu, đã nhớ. Và, đã đến thác rồi, du khách hãy ngâm mình trong làn nước trong mát để thư giãn, để trải nghiệm, chắc chắn bao mệt mỏi sẽ tan biến sau một chặng đường dài.

Trên đường trở về chúng tôi ghé thăm những ngôi "Nhà tổ chim", vào buổi chiều tà, "Nhà tổ chim", đẹp như một bức tranh thủy mặc giữa núi rừng. Với diện tích khoảng 7m2, nhà tổ chim có chỗ sinh hoạt cá nhân đầy đủ, tiện lợi, có bình nóng lạnh và có wifi riêng. Nhà được dựng vững chắc, có hệ thống cửa sổ và cửa ra vào đảm bảo an toàn cho khách khi nghỉ lại. Xung quanh các "Nhà tổ chim" là những chậu địa lan đẹp nhất do chính người dân trong bản lựa chọn bày trí.

Chị Nguyễn Thị Huệ - thành viên trong đoàn chia sẻ, trước khi lên Sin Suối Hồ tôi cũng tham khảo qua các trang mạng, song tôi vẫn không thể hình dung được bản Sin Suối Hồ lại đẹp đến vậy. Bất cứ con đường, ngõ cổng nhà nào cũng rất sạch sẽ và đầy sáng tạo, đẹp như một bức tranh nghệ thuật. Người dân thân thiện, mến khách, đoàn kết yêu thương nhau. Tôi cũng rất ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ cũng như cách làm du lịch của bà con nơi đây; dân dã, sáng tạo và thực sự đột phá ở nơi cực tây này. Chắc chắn tôi sẽ trở lại nơi đây với khoảng thời gian dài hơn.

Những năm gần đây, bản Sin Suối Hồ đã sáng tạo, triển khai nhiều hình thức du lịch trải nghiệm mới, ngày càng thu hút du khách và đem lại thu nhập cho người dân nơi đây. Nếu có thời gian, du khách có thể ở lại trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông; khám phá và săn mây trên đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San) - đỉnh núi cao thứ 3 của Việt Nam, ngắm toàn cảnh thung lũng hoa dã quỳ vàng ruộm, các thửa ruộng bậc thang trải dài đến tận sườn núi…

Bữa cơm chiều với các món ăn mang đậm bản sắc, hương vị truyền thống của đồng bào Mông Tây Bắc như: thịt lợn treo gác bếp xào rau cải mèo, gà quay mật ong, cá trắng hấp; măng xào lá chanh, nộm hoa chuối, cá suối, canh bí nương...  thực sự thu hút đoàn du khách bởi gia vị khá lạ miệng và hương thơm rất hấp dẫn. Nguồn thực phẩm được cung cấp cho du khách cũng đảm bảo tươi, ngon, an toàn và luôn có sẵn (đó chính là nhờ anh Trưởng bản phân công cho các hộ trồng, chăn nuôi) cung cấp cho những hộ mở dịch vụ Homestay tại bản. Mỗi mâm cơm có giá từ 1 triệu đồng trở lên (tùy khách chọn) luôn làm hài lòng bất cứ du khách nào khi đến trải nghiệm nơi này. Cũng chính sự đoàn kết, phân chia công việc phù hợp đã đảm bảo sự công bằng trong bản. Không để xảy ra mâu thuẫn lợi ích cá nhân, nên bất cứ hộ nào cũng rất ý thức trong việc xây dựng và giữ gìn hình ảnh bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đẹp nhất trong mắt du khách.

Anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết, bản văn hóa Sin Suối Hồ có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hiện nay, bản có 1 Hợp tác xã trái tim và khoảng hơn chục hộ kinh doanh dịch vụ Homestay. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ đã chỉnh trang nhà cửa, sửa chữa nhà vệ sinh, trang bị chăn gối... mỗi hộ có thể phục vụ từ 8 - 15 khách/ngày. Đặc biệt, “các nhà tổ chim” do bà con làm thời gian gần đây đã thu hút khá nhiều du khách trải nghiệm đêm tại Sin Suối Hồ. Đây là một trong những bước đột phá về du lịch mà Sin Suối Hồ muốn dành tặng du khách khi đến bản.

Đêm giao lưu văn nghệ tai nhà Trưởng bản Vàng A Chỉnh giúp chúng tôi cảm nhận rõ hơn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Những bài hát, điệu múa sôi động, náo nhiệt của đội văn nghệ bản và đoàn du khách khiến chúng tôi càng trở lên gắn bó với nhau hơn. Cảm giác bồi hồi khi nghe tiếng sáo Mông vi vút gọi bạn. Nếp váy thổ cẩm xoắn xuýt bước chân cô gái Mông dập dìu bên bạn tình trong tiếng cười ròn rã... chẳng ai muốn rời bước. Gần 12 giờ đêm, chúng tôi mới giã bạn. Nhưng những cái nắm tay thân tình, ánh mắt trao nhau giữa đồng bào với các thành viên trong đoàn vẫn còn lưu luyến.

Với quan điểm làm du lịch bằng cả trái tim, tâm huyết, tình yêu bản làng, quê hương và mong muốn được quảng bá, giới thiệu Sin Suối Hồ với khách thập phương trong và ngoài nước, nên không vì lý do lợi nhuận hay áp lực thu nhập mà Sin Suối Hồ làm mất đi hình ảnh đẹp về con người, thiên nhiên nơi đây. Đó cũng chính vì lý do khiến Sin Suối Hồ luôn có sức hút lạ kỳ với du khách khi đến trải nghiệm. Và ai đã từng một lần đặt chân lên mảnh đất này sẽ không thể nào quên tình đất và tình người nơi này./.

Lan Ngọc

Nguồn: Báo Lai Châu

Cùng chuyên mục