Về vùng chè Shan tuyết Chu Thượng – Hà Giang
Quần thể những “cụ chè Shan tuyết” trăm tuổi quanh nhà ông Triệu Chàn Quấy, thôn Chu Thượng, xã Tân Lập (Bắc Quang).
Căn nhà ông Triệu Chàn Quấy nằm lọt thỏm giữa màu xanh non của quần thể chè Shan Tuyết trăm tuổi. Đón tôi, ông Triệu Chàn Quấy vồn vã: Cách đây đúng 1 năm, sau bài viết về các “cụ chè” ở Chu Thượng, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang ẩn danh trên độ cao ngàn mét thì đến mùa Xuân năm nay các “cụ chè” đã hồi Xuân trẻ ra rất nhiều. Ông Quấy cười oà nhìn tôi giải thích: Sự thật là vụ Xuân này, các “cụ chè” đã ra rất nhiều búp non. Năm nay thời tiết rét vừa, mưa ẩm nên chè ở Chu Thượng cho rất nhiều búp. Một người hái chè giỏi, mỗi buổi hái cũng chỉ hái hết búp của 1 “cụ chè” mà thôi. Giá thu mua chè búp tươi tại vườn nhà ông Quấy hiện đang được bán bằng 3 loại giá. Giá bán chè búp loại 1 tôm, 2 lá là 20 – 25 ngàn đồng/kg; loại búp bán để chế biến Bạch trà có đầu búp phủ đầy tuyết đang được thu mua từ 250 – 270 ngàn đồng/kg. Còn lại, giá bán xô để các cơ sở chế biến thu mua làm chè cấp thấp cũng đang dao động từ 10 – 15 ngàn đồng/kg. Chè búp tươi thời gian này đang được rất nhiều các cơ sở thu mua tìm đến đặt hàng. Mùa chè năm nay, người dân Chu Thượng vui lắm vì chè được mùa, lại được giá bán. Trưởng thôn Chu Thượng, Triệu Chàn Phú cho biết: Chu Thượng có 86 gia đình dân tộc Dao sinh sống; diện tích chè Shan Tuyết đang cho thu hái trên 80 ha. Đợt khảo sát tìm hiểu về các “cụ chè” mới đây cho thấy, Chu Thượng có tới cả ngàn cây chè Shan Tuyết cổ thụ trăm tuổi trở lên. Riêng các “cụ chè” vài trăm năm tuổi có tới trên 400 cây hiện vẫn xanh tốt và đang cho thu hái những lứa búp non đầu Xuân. Đối với loại chè này giá bán chè búp tươi luôn cao gấp nhiều lần so với giá chè búp tươi ở vùng khác. Cây chè ở Chu Thượng đang mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người dân.
Chu Thượng đã có Công ty Lâm Nghiệp Xanh (Hà Giang) về liên kết cùng các hộ trong thôn bảo tồn, khai thác giá trị của vùng chè cổ thụ. Trong đó, công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy, công nghệ chế biến chè đặc sản; liên kết với các hộ trong thôn thu mua chè búp tươi theo giá thị trường; hỗ trợ người dân bảo tồn thiên nhiên nơi mình sống, tạo vùng du lịch sinh thái, du lịch khám phá. Hỗ trợ xây dựng làng nghề, phục hồi và bảo tồn các nét văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào địa phương. Tiến tới từng bước xây dựng và hình thành các tua du lịch nghỉ dưỡng, khám phá trên sườn Đông dải Tây Côn Lĩnh từ Chu Thượng, Nậm An, Phìn Hồ... để vừa khai thác giá trị vùng chè cổ, gắn với công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Giám đốc Công ty Lâm Nghiệp Xanh cho rằng: Chu Thượng được xem là một Đà Lạt tại Tân Lập, có nhiều tiềm năng về du lịch. Để đánh thức Chu Thượng, Công ty Lâm Nghiệp Xanh sẽ xây dựng dự án xin các cấp ủy, chính quyền lập vành đai bảo tồn toàn bộ vùng thiên nhiên ở Chu Thượng. Gắn kết lợi ích của người dân địa phương với lợi ích của doanh nghiệp để bảo tồn thiên nhiên, vùng chè cổ thụ. Từng bước đầu tư nhà máy chế biến chè đặc sản. Xây dựng và hình thành các tua du lịch sinh thái, du lịch khám phá, nghỉ dưỡng ngay tại mỗi hộ dân. Lấy người dân làm chủ thể bảo tồn cũng là chủ thể thúc đẩy phát triển. Sau đó, từng bước mở rộng các hoạt động kinh tế gắn với du lịch vùng phía Tây Hà Giang để Chu Thượng trở thành “địa chỉ đỏ” trên bản đồ kinh tế, du lịch toàn quốc vào năm 2025.
Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Chu Thượng đã được Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Bắc Quang đồng ý cho phép quy hoạch xây dựng thành khu kinh tế, du lịch xanh trên bản đồ du lịch của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống địa phương là bước đi xuyên suốt. Lấy cây, con đặc sản, lấy giá trị truyền thống văn hoá dân tộc làm mũi nhọn. Kêu gọi và đưa doanh nghiệp vào liên kết chặt với người dân địa phương làm động lực thúc đẩy phát triển bền vững.