Hoạt động của ngành

Sơn Động (Bắc Giang): Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc

Cập nhật: 06/08/2020 08:45:16
Số lần đọc: 1032
Là huyện vùng cao, Sơn Động có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo. Phát huy lợi thế này, địa phương đang tập trung các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Điểm đến hấp dẫn

Giữa trưa một ngày tháng 7, trời nắng nóng gay gắt nhưng ở điểm lưu trú, ẩm thực bản Nà Ó thuộc khu sinh thái Khe Rỗ, xã An Lạc không khí rất mát mẻ. Những cơn gió từ rừng nguyên sinh thổi khiến mọi người đều cảm thấy thư thái. Trong nhà sàn rộng gần trăm mét vuông, khách từ nhiều nơi đang thưởng thức món ăn đặc sản vùng cao như: Ốc, cá suối, xôi 7 màu, măng mai, cháo ngô... 

Khu du lịch Đồng Cao. Ảnh: Việt Hưng.

Với nét độc đáo, hấp dẫn nên dù không phải ngày nghỉ cuối tuần nhưng điểm du lịch cộng đồng Nà Ó khá đông khách. Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng An Lạc Vũ Ngọc Huân thông tin, riêng trong ngày HTX đón hơn 100 lượt khách đặt ăn đến từ Hà Nội, Thái Nguyên, TP Bắc Giang, chưa kể khách tham quan. Theo anh Huân, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên HTX chủ yếu đón khách trong nước nhưng trước đây có cả khách nước ngoài như: Đức, Ý, Hàn Quốc, ngày đông lên đến hơn 300 khách. Đến bản, khách có thể ăn nghỉ, sinh hoạt, giao lưu với người dân địa phương. HTX thành lập các tổ: Nuôi ong, thuốc nam; vệ sinh môi trường, hướng dẫn viên; văn nghệ; xây mới khu lưu trú; ẩm thực... đáp ứng nhu cầu của khách. Năm 2019, Nà Ó đón khoảng 19 nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh. Năm 2020, dự kiến lượng khách sẽ tăng hơn.Anh Nguyễn Tuấn Phong, kiến trúcKhu du lịch Đồng Cao. Ảnh: Việt Hưng. sư đến từ TP Hà Nội chia sẻ: “Đoàn chúng tôi lên Sơn Động và vào bản từ hôm trước. Cách đây 3 năm, trong đợt khảo sát tại Bắc Giang để mở chi nhánh văn phòng mới về thiết kế nhà ở, tôi có cơ hội đến bản. Yêu thích từ ngày đó, tôi đã giới thiệu cho bạn của mình và nhiều lần trở lại Nà Ó”. Theo anh Phong, đến bản ngoài được ngâm mình trong dòng nước suối mát lạnh, thăm thú vài nơi, anh còn có thể trực tiếp trải nghiệm cùng bà con đi rừng bắt ốc, soi cua, cảm giác như hòa mình vào thiên nhiên, khỏe khoắn, thư thái hơn. “Sau những ngày làm việc vất vả nơi phố thị, ai đó muốn đến nơi yên tĩnh nghỉ ngơi thì Nà Ó là một điểm tuyệt vời. Bầu không khí trong lành, người dân thân thiện, chân thành nên cứ rảnh rỗi là tôi lại lên đây”-anh Phong nói.

Bảo vệ môi trường sinh thái, đầu tư hạ tầng

HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng An Lạc hát Then phục vụ khách du lịch. Ảnh: Quốc Phương.

Từ bản Nà Ó, khách đến tham quan đến các điểm có cảnh quan thiên nhiên đẹp như hồ Vũng Tròn, đỉnh Khau Tron, rừng Rông Táu, suối Khe Đin, Khe Rỗ... Để Nà Ó cũng như khu du lịch sinh thái An Lạc trở thành điểm đến hấp dẫn và hút khách như ngày hôm nay là cả một sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và bà con trong vùng. Anh Huân nhớ lại, khi mới thành lập năm 2014 với mục tiêu là du lịch cộng đồng nhưng anh vẫn chưa hình dung làm dịch vụ như thế nào. Được sự hỗ trợ từ nhiều phía, học hỏi kinh nghiệm một số nơi, anh đã dần biết cách triển khai, từng bước phát triển mô hình. “Chúng tôi làm việc bằng tất cả sự nhiệt tình, cái tâm nên khách đến điểm du lịch một lần rồi trở lại vào những lần tới. Đó là niềm vui nhất mà người làm kinh doanh như mình nhận được”-anh Huân bộc bạch. 

Khe Rỗ thu hút nhiều khách du lịch. Ảnh: Xuân Thỏa.

Cũng trăn trở với phát triển du lịch, anh Huân nhận thấy, dù là người Tày nhưng chính nhiều người dân bản địa không còn nắm rõ về bản sắc văn hóa của dân tộc; tiếng nói, phong tục dần mai một. Để gìn giữ, HTX đã thành lập tổ đàn tính-hát Then, tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng đón khách, tuyên truyền lưu giữ tiếng nói, quần áo đặc trưng của dân tộc mình. 

Đến nay, thành viên của HTX đã truyền dạy hát Then cho 20 cháu nhỏ trong xã. Các cháu đều yêu thích, thành thạo tiếng Tày, đây là những hạt nhân tiếp tục truyền dạy, lưu giữ giá trị bản sắc của dân tộc cho thế hệ mai sau. HTX đang phối hợp phục dựng điệu múa Trầu Then của dân tộc Tày

Được biết, ngoài khu sinh thái An Lạc, Sơn Động còn có các thắng cảnh đẹp khác như: Đồng Cao, thác Ba Tia, hồ Khe Chảo… cùng những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn. Do đó, từ hiệu quả của mô hình điểm ở Nà Ó mang lại, huyện Sơn Động xác định, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, trong đó có du lịch cộng đồng. 

Theo đó, phấn đấu năm 2025 khách du lịch đến huyện đạt 1.000.000 lượt; có từ 2 - 3 thôn xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Trên cơ sở phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, để đạt mục tiêu đề ra, huyện tập trung quy hoạch quản lý tốt đối với các khu vực có điều kiện phát triển du lịch: Khu Tây Yên Tử, Đồng Cao, Khe Rỗ; đồng thời chuẩn hóa các mô hình trải nghiệm. Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, mấu chốt của du lịch cộng đồng là phải bảo vệ môi trường sinh thái, giữ bằng được cánh rừng nguyên sinh vốn có và bản sắc văn hóa dân tộc. 

Sơn Động phấn đấu năm 2025, khách du lịch đến huyện đạt 1.000.000 lượt; có từ 2 - 3 thôn xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Đi đôi với giải pháp trên, huyện tập trung tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng phát triển du lịch. Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử-văn hóa; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư dự án phát triển du lịch, tham gia hoạt động làm dịch vụ du lịch. Đầu tư tuyến giao thông huyết mạch phục vụ cho phát triển du lịch trong tương lai và bảo đảm kết nối ra bên ngoài như: Tuyến từ quốc lộ 31 đi Khe Rỗ, xã An Lạc; tuyến tỉnh lộ 291 nối từ quốc lộ 31 đến tỉnh lộ 293; xây dựng hệ thống các công trình giao thông nông thôn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực làm du lịch.

Trịnh Lan

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục