Hoạt động của ngành

Lạng Sơn: Phát huy giá trị di tích thành nhà Mạc

Cập nhật: 05/08/2020 08:25:13
Số lần đọc: 1000
Thành nhà Mạc là di tích nằm trong quần thể di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh, núi Tô Thị, thành nhà Mạc tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Từ năm 2018 đến nay, sau khi được bàn giao quản lý, UBND thành phố Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp thiết thực góp phần cải thiện cảnh quan của di tích, từ đó thu hút  người dân và du khách đến tham quan.

Đến di tích thành nhà Mạc vào một ngày cuối tháng 7/2020, theo quan sát của chúng tôi, những bụi cây rậm rạp được cắt tỉa gọn gàng, chậu hoa được trồng bổ sung, rác thải được dọn dẹp sạch sẽ. Bà Lương Thị Sinh, Tổ trưởng Tổ di tích Tam Thanh, Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố cho biết: Chúng tôi thường xuyên cắt cỏ, thu gom rác thải để giữ cho di tích luôn sạch đẹp. Nhờ đó, khách du lịch có phản hồi rất tốt khi đến tham quan.

Hai năm trước đây, có rất nhiều ý kiến người dân phản ánh hiện trạng rác thải bừa bãi, kim tiêm “rắc đầy” tại di tích thành nhà Mạc… gây nguy hiểm cho du khách tham quan và mất mỹ quan khu di tích. Trước tình hình đó, UBND thành phố chỉ đạo Trung tâm Văn hóa – Thể thao tăng cường công tác quản lý và phối hợp với bộ phận liên quan thực hiện vệ sinh môi trường tại di tích (1 – 2 lần/tuần). Đến nay, di tích thành nhà Mạc không còn tình trạng mất vệ sinh môi trường.

Nhân viên Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố vệ sinh khu vực di tích thành nhà Mạc

Cùng với đó, chính quyền, ngành chức năng thành phố đã có nhiều giải pháp để cải tạo, chỉnh trang nhằm từng bước phát huy giá trị di tích lịch sử thành nhà Mạc. Cụ thể như: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trồng mới 600 cây hoa đào góp phần tạo cảnh quan cho di tích gắn với xây dựng thành phố Lạng Sơn – thành phố hoa đào. Đồng thời,  chỉ đạo Trung tâm Văn hóa – Thể thao tiến hành gắn biển tên di tích, thay mới hệ thống bảng thông tin chỉ dẫn tại di tích, tu sửa lại hai đoạn tường thành; tháng 7/2020, UBND thành phố triển khai dự án tu bổ di tích thành nhà Mạc với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng.

Chị Nông Thị Hương, khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi thường xuyên tập thể dục tại di tích thành nhà Mạc, tôi thấy gần đây, di tích đẹp và sạch sẽ hơn. Đặc biệt hiện nay, vào buổi tối, khuôn viên di tích đã có điện nên có không gian để người dân vui chơi.

Song song với chỉnh trang, cải tạo di tích, tháng 10/2019, UBND thành phố phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh, núi Tô Thị, thành nhà Mạc – Di sản văn hóa và tiềm năng du lịch” nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia du lịch, nhà nghiên cứu lịch sử thúc đẩy du lịch tại di tích thành nhà Mạc. Thêm vào đó, đầu năm 2020, UBND thành phố đã giao Phòng Văn hóa – Thông tin phối hợp với Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu quảng bá khu danh thắng Nhị – Tam Thanh, di tích thành nhà Mạc.

Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với UBND thành phố tăng cường công tác quản lý các di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn, trong đó có di tích thành nhà Mạc. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tham mưu UBND thành phố giao phòng chức năng thực hiện khoanh vùng, cắm mốc ranh giới di tích thành nhà Mạc. Đồng thời thực hiện tu bổ di tích kết nối tuyến du lịch Nhị Thanh – Tam Thanh, thành nhà Mạc.

Mong rằng, với sự đồng lòng của chính quyền và người dân trong việc phát huy giá trị di tích thành nhà Mạc, thời gian tới, di tích sẽ được khai thác và phát huy hiệu quả để góp phần phát triển du lịch, giáo dục truyền thống lịch sử cho Nhân dân và du khách.

Thành nhà Mạc là một di tích kiến trúc quân sự quan trọng, hiểm yếu trấn giữ con đường độc đạo nối giữa Việt Nam và Trung Quốc suốt từ cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII. Năm 1592, nhà Lê được Chúa Trịnh giúp đỡ đánh bật nhà Mạc ra khỏi Thăng Long. Tàn dư nhà Mạc chạy lên các tỉnh biên giới phía Bắc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, lập căn cứ để chống lại tập đoàn phong kiến Lê Trịnh. Năm 1962, di tích này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia

 

HOÀNG HIẾU – THÙY DUNG

 

Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục