Hoạt động của ngành

Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đoàn kết, đồng lòng vượt khó

Cập nhật: 04/08/2020 09:40:49
Số lần đọc: 709
Vừa đạt nhiều tín hiệu khởi sắc cho kích cầu du lịch nội địa thì dịch Covid-19 tái phát khiến ngành du lịch TP Hồ Chí Minh tiếp tục đối mặt nhiều thử thách, khó khăn. Chính quyền thành phố cùng các cơ quan chức năng, doanh nghiệp (DN) du lịch đang triển khai nhiều giải pháp giúp DN du lịch trụ vững và phát triển.  


Du khách tham quan, mua tour du lịch tại Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2020 vừa qua.

Ưu tiên hàng đầu cho công tác chống dịch

Khi các tour du lịch quốc tế tạm ngưng, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã kỳ vọng ở thị trường nội địa với du lịch hè để vực dậy nhưng dịch Covid-19 bùng phát ngoài cộng đồng trở lại khiến DN du lịch lỡ cơ hội phục hồi. Theo diễn biến hiện nay, các DN lữ hành đánh giá nếu dịch bệnh kéo dài đến cuối quý III, đầu quý IV của năm sẽ gây khó khăn lớn do hoạt động du lịch vì đây là giai đoạn thấp điểm trong năm. Các DN nhỏ sẽ gặp thách thức lớn để có thể trụ vững.

Theo thống kê sơ bộ từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, từ khi ca bệnh Covid-19 thứ 416 được công bố tại Đà Nẵng, đã có hơn 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ như khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan… của các DN tại thành phố đã bị hủy, hoãn. Chia sẻ từ nhiều DN, bên cạnh nhiều khách hủy tour, vẫn có một bộ phận khách thấu hiểu, đồng hành với ngành du lịch khi đồng ý dời tour sang thời điểm thích hợp khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.

Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn cho sự phát triển nhưng ngành du lịch thành phố vẫn ưu tiên hàng đầu về công tác phòng, chống dịch, tăng cường ở mức cao nhất. Các DN khẳng định, những tour đến Đà Nẵng và các khu vực lận đã ngừng hoạt động. Tất cả hướng dẫn viên đến Đà Nẵng trong thời điểm phát hiện có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng đều thực hiện cách ly 14 ngày theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương. Công tác phòng dịch tại chỗ cũng được thực hiện, bao gồm đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn... áp dụng cho toàn bộ nhân viên và khách hàng khi giao dịch. Ngoài ra, các DN du lịch, lữ hành thực hiện nghiêm quy định của Sở Du lịch Thành phố về triển khai Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 đối với lĩnh vực du lịch trên địa bàn.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Truyền thông Công ty Cổ phần Lữ hành Fiditour: “Chúng tôi thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và vẫn duy trì tour đến những điểm tham quan an toàn. Chúng tôi đang tập trung phối hợp cùng du khách, đối tác để thay đổi dịch vụ theo nhu cầu chuyển tour, dời tour của khách hàng sau khi điểm đến Đà Nẵng, Quảng Nam ngừng hoạt động. Đồng thời, công ty cũng tăng cường liên kết với các sở, ban, ngành để phát triển sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong thời điểm này”.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu ngành du lịch TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tính đến tháng 7/2020, khách du lịch đến thành phố chỉ đạt 9,4 triệu lượt người, giảm 54,7% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu đạt hơn 34.000 tỷ đồng, giảm 49,6% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, du khách quốc tế đến thành phố chỉ đạt 1,3 triệu lượt người (giảm 70%).

Sẻ chia, đồng lòng vượt khó

TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có số lượng DN lữ hành nhiều nhất cả nước và đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian này, việc hủy, hoãn các chuyến du lịch vì lý do an toàn, bảo đảm sức khỏe là hợp lý. Tuy nhiên, do tâm lý e ngại dịch bệnh lây lan, theo các DN lữ hành, tình hình huỷ tour không chỉ riêng các địa phương có dịch bệnh mà cả những điểm đến là những địa phương chưa có ca nhiễm. Chẳng hạn, nhiều chương trình du lịch đi Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa)… của du khách thành phố đặt mua trước đó đã bị hủy. Vấn đề đang tạo áp lực lớn cho DN lữ hành chính là khi hủy tour, đa số khách yêu cầu hoàn tiền 100% trong khi các khoản ứng trước cho nhà cung cấp vận chuyển, lưu trú, nhà hàng… của DN lữ hành thì khó hoàn lại.

Để tháo gỡ vấn đề này, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố về liên kết hỗ trợ DN lữ hành trong đàm phán hủy, hoãn tour du lịch giai đoạn dịch Covid-19. Đây là động thái tích cực hỗ trợ DN lữ hành khi nhiều điểm đến là những địa phương chưa có dịch bệnh Covid-19 cũng bị ngưng trệ hoạt động.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Thành phố, đây là thời điểm rất cần sự liên kết, hợp tác, sẻ chia giữa du lịch thành phố và các địa phương để cùng cả nước vừa chống dịch vừa vượt qua khó khăn. Hiệp hội mong muốn Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương vận động các đơn vị cung ứng dịch vụ chia sẻ tổn thất và thiệt hại, không phạt hủy, hoãn, đồng thời có cơ chế hoàn phí cho DN lữ hành của thành phố, tạo điều kiện cho DN thanh toán với khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch Thành phố cho biết, hiện tại, Sở đang tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại do dịch bệnh đến ngành du lịch, từ đó đề xuất UBND Thành phố có biện pháp tháo gỡ. Chẳng hạn, triển khai nhóm giải pháp giãn thuế, cho phép nộp chậm các loại thuế… Sở Du lịch Thành phố cũng nghiên cứu các kịch bản kịp thời để chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch được kiểm soát tốt và có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực phục hồi. Hiện Sở Du lịch Thành phố cũng đã làm việc với các ngân hàng để cùng tháo gỡ khó khăn cho DN lữ hành.

Bên cạnh giải pháp từ cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, các DN lữ hành cũng chủ động triển khai các giải pháp thích ứng với tình hình. Nhiều công ty đang tư vấn cho du khách chuyển tới những điểm đến an toàn, chưa có ca nhiễm, có dịch vụ, chất lượng tốt như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc các hành trình gần di chuyển từ thành phố đến Đồng bằng sông Cửu Long. Theo các chuyên gia, các DN lữ hành cần có phương án và giải pháp cụ thể để đối phó với những khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Song song với công tác phòng, chống dịch, DN lữ hành cũng nên chủ động tìm kiếm thêm các thị trường du lịch mới, thiết kế các tour đến vùng an toàn, chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh, chuẩn bị xây dựng chương trình xúc tiến, quảng bá sau khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch và Thương mại TST chia sẻ: “Với chúng tôi, đối với khách hàng vẫn giữ kế hoạch đi tour tới những điểm đến chưa ghi nhận ca nhiễm, công ty sẽ yêu cầu đối tác bảo đảm an toàn cao nhất, đáp ứng các tiêu chí do ngành quy định bao gồm vận chuyển, lưu trú, nhà hàng khách sạn… Còn khách duy trì kế hoạch đi tour nhưng dời ngày khởi hành đến sau khi dịch được kiểm soát, chúng tôi sẽ cập nhật tình hình của dịch tại các địa phương nhằm chủ động tư vấn thời gian phù hợp và an toàn nhất cho khách hàng. Công ty tư vấn các đối tượng khách hàng còn lại chuyển hướng đến các điểm xa vùng dịch và cùng hệ thống đối tác bảo đảm các nguyên tắc an toàn cao nhất trong phòng chống dịch”.

Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, từ nay đến hết năm 2020, thành phố sẽ tập trung vào việc hỗ trợ DN du lịch, chuẩn bị triển khai chương trình kích cầu du lịch, kế hoạch tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm du lịch. Đồng thời, thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ, hướng tới hợp tác với các tỉnh Trung Bộ và Bắc Bộ./.

 

Nguồn: https://www.qdnd.vn

Cùng chuyên mục