Hoạt động của ngành

Đánh thức tiềm năng du lịch ở Hướng Hóa (Quảng Trị)

Cập nhật: 04/08/2020 09:19:13
Số lần đọc: 949
Hướng Hóa là huyện miền núi có nhiều đặc trưng như hệ thống núi rừng hùng vĩ; sông suối, thác, hồ đa dạng, phong phú tạo nên bức tranh đẹp thơ mộng; khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm; giàu bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô; nhiều di tích lịch sử quốc gia, vang danh quốc tế...tạo ấn tượng khó phai đối với du khách đến tham quan. Đây được xem là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy phát triển du lịch. Thời gian qua, huyện đã xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, chú trọng thu hút đầu tư khai thác tiềm năng du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần làm phong phú các loại hình du lịch ở địa phương.  

Hướng Hóa ngày càng có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách đến tham quan. Ảnh do NVCC

Thực hiện chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, 2 năm trở lại đây, huyện Hướng Hóa đã tập trung các nguồn lực, quyết tâm thúc đẩy ngành du lịch của địa phương phát triển. Trên cơ sở tiềm năng du lịch vốn có, bám sát các điều kiện thực tế của địa phương, như điều kiện về nguồn kinh phí, cơ sở hạ tầng du lịch, nhân lực... huyện đã đề ra các giải pháp tích cực nhằm từng bước khắc phục khó khăn, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành du lịch. Theo đó, từ đầu năm 2020, huyện đã ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ tăng cường xúc tiến, quảng bá và kêu gọi đầu tư. Hướng Hóa đã đẩy mạnh quảng bá rộng rãi trên các kênh truyền thông về tiềm năng thế mạnh du lịch địa phương.

Các hoạt động giới thiệu sản phẩm du lịch cũng được đầu tư bài bản, như tổ chức Phiên chợ vùng cao lần thứ nhất năm 2020, trưng bày và quảng bá nông sản đặc trưng; kết hợp tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô như: Các khu trưng diễn về nghề dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực, chơi nhạc cụ truyền thống và hát dân ca truyền thống, múa cồng chiêng… Xây dựng phim quảng bá về các sản phẩm du lịch, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, các địa điểm đẹp ở Hướng Hóa. Qua đó, vừa quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Hướng Hóa, đồng thời kêu gọi các đơn vị đầu tư phát triển du lịch tại địa phương. Đến nay, bước đầu đã có một số đơn vị đến khảo sát để lập đề án phát triển du lịch ở Hướng Hóa như: Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất khảo sát tại khu sinh thái Tà Puồng với tổng mức đầu tư dự kiến trên 300 tỉ đồng; Công ty TNHH SJ Korea khảo sát tại Tà Đủ với mức đầu tư dự kiến 70 tỉ đồng; Công ty Cổ phần SCI khảo sát tại Hướng Linh với mức đầu tư dự kiến trên 50 tỉ đồng; Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Sa Mù Hill khảo sát tại Tà Puồng, Chênh Vênh với tổng mức đầu tư dự kiến trên 17 tỉ đồng…

Xây dựng chiến lược phát triển du lịch lâu dài và bền vững, huyện Hướng Hóa cũng đã chú trọng đến việc khôi phục, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn. Riêng năm 2020, huyện đã hoàn thành việc xây dựng Bia di tích lịch sử Đồn điền Mụ Rôm - nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hướng Hóa. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng phương án phục hồi các công trình phụ trợ nhằm hoàn hiện quần thể di tích tại đây. Tuyên truyền vận động người dân ở xã Hướng Tân tạo sự đồng lòng trong việc giải phóng mặt bằng xây dựng con đường lên Cao điểm 689 - một di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng tại địa phương. Xây dựng kế hoạch cắm mốc đối với các di tích lịch sử cấp tỉnh, trong đó ưu tiên các di tích có tác động đến mục tiêu phát triển du lịch.

Nắm bắt được xu thế phát triển du lịch hiện nay, một số hộ gia đình trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã bắt đầu bắt tay vào xây dựng mô hình thí điểm. Tiêu biểu như mô hình vườn hoa tập trung ở Khóm 2 thị trấn Khe Sanh đã trồng hoa theo mùa, như cúc họa mi, tam giác mạch, thạch thảo, sao nhái…thu hút hàng trăm du khách mỗi ngày. Mô hình farmstay tại Khóm 1 thị trấn Khe Sanh có quy mô gần 7 ha, phát triển theo hướng du lịch nông nghiệp sạch, hiện đang dần hoàn thiện… Đặc biệt, thời gian gần đây mô hình farmstay của anh Hoàng Thông, một doanh nhân người Huế được đầu tư khá bài bản tại thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng. Trên diện tích hơn 2,5 ha đất đồi, anh quy hoạch thành vườn cà phê, vườn cây ăn trái, vườn hoa phong lan, hoa anh đào, hoa hồng… Đồng thời, xây dựng các mô hình bungalow, một dạng nhà nghỉ lưu trú dành cho khách du lịch.

Anh Hoàng Thông cho biết: “Mô hình farmstay “5 mùa bungalow” của chúng tôi tuy chưa hoàn thiện nhưng tuần nào cũng có các đoàn du khách trong và ngoài tỉnh đặt lịch trước. Hiện chúng tôi vừa đưa vào khai thác mô hình vừa tiếp tục đầu tư mở rộng về quy mô. Hy vọng rằng, mô hình này sẽ thành công, tạo đà cho bà con dân tộc thiểu số trong vùng cùng tham gia làm du lịch cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, so với tiềm năng lợi thế thì du lịch ở Hướng Hóa vẫn chưa được khai thác xứng tầm. Cơ sở hạ tầng phát triển du lịch còn hạn chế; các điểm du lịch sinh thái chưa được quy hoạch và khai thác mà chủ yếu mang tính tự phát; du lịch lịch sử, văn hóa vốn rất đặc sắc nhưng vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng; các sản phẩm du lịch mới còn thiếu, chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu...

Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, đồng thời có chính sách hỗ trợ và khuyến khích hợp lý nhằm thu hút đầu tư, khai thác tốt tiềm năng du lịch của địa phương. Phấn đấu đến năm 2025 đưa Hướng Hóa trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn ở tỉnh Quảng Trị. Đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của huyện trong giai đoạn tiếp theo”.

Kô Kăn Sương

 

Nguồn: Báo Quảng Trị

Cùng chuyên mục