Hoạt động của ngành

Sơn La: Truyền dạy, bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái

Cập nhật: 21/04/2023 11:26:22
Số lần đọc: 921
Gìn giữ, bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc trong cộng đồng dân cư, trên địa bàn Thành phố, nhiều lớp học tiếng Thái được tổ chức theo hình thức xã hội hóa, góp phần phát huy các giá trị văn hóa, ngôn ngữ, văn học dân gian của đồng bào dân tộc Thái.


Hát đố ca dao bằng tiếng Thái tại Chương trình giao lưu văn hóa Thái năm 2023.

Từ năm 2021 đến nay, các lớp học tiếng Thái trên địa bàn Thành phố được khôi phục. 14 câu lạc bộ dân tộc Thái, ngoài tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, các câu lạc bộ còn mở các lớp truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán cho con em mình. Các lớp học tiếng Thái được tổ chức ở phường Chiềng Cơi, Chiềng An và xã Chiềng Ngần đã tổ chức các lớp dạy học tiếng Thái cho khoảng 80 học viên, từ trẻ em, người lớn đến người cao tuổi có nhu cầu học tập.

Tại bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi lớp học tiếng Thái được duy trì 2 buổi/tuần và 1 buổi tổ chức dạy múa, hát, chơi trò chơi dân gian cho trẻ em từ 6-12 tuổi. Để tổ chức lớp học, bản đã tạo điều kiện cho mượn nhà văn hóa; CLB dân tộc Thái bản Chậu Cọ cử thành viên có trình độ sư phạm đã tham gia giảng dạy chữ Thái đứng lớp; học viên tự mua sách tài liệu và đồ dùng học tập.

Bà Lò Thị Mai Cương, thành viên CLB dân tộc Thái bản Chậu Cọ, cho biết: Được phân công giảng dạy tiếng Thái cho các cháu, tôi đã nghiên cứu, biên soạn giáo án phù hợp với lứa tuổi, dễ tiếp thu, chủ yếu giới thiệu chữ viết, dạy thêm từ vựng. Các cháu không đơn thuần chỉ học viết, học nói, mà còn được giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu đời của dân tộc; truyền cảm hứng, tình yêu văn hóa dân tộc. Hiện nay, tôi tiếp tục xây dựng giáo án, dự kiến mở lớp học tiếng Thái vào dịp nghỉ hè tới đây. Đồng thời, chuẩn bị tham gia giảng dạy thêm một lớp cho nhân dân địa phương theo đề xuất của CLB. 

Không để mai một tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc mình, thành viên các câu lạc bộ còn thường xuyên giao tiếp và trò chuyện bằng tiếng Thái với con, cháu trong sinh hoạt hằng ngày. Anh Quàng Văn Tuyên, bản Chậu Cọ, tâm sự: Khi địa phương tổ chức lớp học chữ Thái cho con em, tôi rất vui, giờ con tôi sẽ không chỉ biết nói, mà còn biết viết chữ Thái, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Cháu Quàng Bảo Đăng, học sinh lớp 6, Trường THCS Tô Hiệu, Thành phố, chia sẻ: Tham gia lớp học, cháu biết được chữ viết, ngôn ngữ Thái cổ cháu thấy rất hào hứng, thêm yêu và tự hào về nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Cuối năm 2022, CLB dân tộc Thái bản Noong La, xã Chiềng Ngần kết thúc lớp học tiếng Thái cho 14 học viên từ 35-67 tuổi là thành viên câu lạc bộ và công chức xã. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối thứ 2, 4, 6. Ông Quàng Văn Hôm, thành viên CLB dân tộc Thái bản Noong La, cho biết: Tôi được Ban chủ nhiệm CLB tín nhiệm phân công giảng dạy chữ Thái, tôi đã xây dựng giáo án, giới thiệu các học viên về 19 cặp chữ Thái, tập đọc, ghép vần, hiểu nghĩa từ, câu. Sau hơn 2 tháng, các học viên đã đọc thông, viết thạo chữ Thái.

Ngoài các lớp học tiếng Thái do các CLB dân tộc Thái trên địa bàn tổ chức bằng hình thức xã hội hóa, Thành phố còn quan tâm tổ chức các lớp học tiếng Thái cho cán bộ, công chức tham gia. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích thành lập, duy trì hoạt động các CLB dân tộc, tích cực tổ chức truyền dạy, lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng không riêng của đồng bào dân tộc Thái mà các dân tộc khác trên địa bàn, góp phần lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phan Trang

Nguồn: Báo Sơn La - baosonla.org.vn - Đăng ngày 21/04/2023

Cùng chuyên mục