Thanh Hóa: Du lịch cộng đồng lấy người dân là chủ thể
Bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh tư liệu của K.N
Bản Ngàm (xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn) là một điểm du lịch sinh thái cộng đồng, được UBND tỉnh công nhận và đưa vào khai thác thời gian gần đây. Bản Ngàm có thể không so được với bản Đôn (huyện Bá Thước) về mức độ nổi tiếng hay vẻ đẹp của thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín. Song, chính khung cảnh núi rừng hoang dã, huyền bí, bao bọc lấy bản làng trong thung lũng nhỏ hẹp và chưa tiếp xúc nhiều với các yếu tố “kỹ thuật văn minh” bên ngoài, đã làm nên điểm hấp dẫn riêng cho bản Ngàm. Một điểm nhấn thú vị thu hút du khách khi về đây là chuyến trải nghiệm thú vị bằng bè mảng và bắt cá trên dòng suối chạy vòng quanh bản. Với những ai đã quá quen với những tour du lịch sinh thái chủ yếu là khám phá hang động, cảnh quan núi rừng và thưởng thức ẩm thực dân tộc, thì trải nghiệm này rất đáng để thử. Không có phương tiện đánh bắt hiện đại, càng không có chuyện khai thác tận diệt, những người chèo bè cũng là cư dân bản địa sẽ phô diễn cho du khách những kinh nghiệm và kỹ năng đánh bắt cá truyền thống của đồng bào Thái. Đó là kiểu quăng chài bắt cá có từ xa xưa, vẫn được duy trì cho đến ngày nay, với mục đích bảo vệ môi trường sống cho đàn cá. Chỉ với tập quán sinh hoạt này thôi, nhưng nếu du khách tinh ý và luôn mở lòng cảm nhận, sẽ thấy rất đáng trân trọng. Đó là lối sống giản dị, gần gũi thiên nhiên và tôn trọng, bảo vệ môi trường tự nhiên. Và chính sự hài hòa, cân bằng giữa con người với thiên nhiên này, chẳng phải là cách sống, là lối sống mà ngày nay con người đang ra sức tìm lại, nếu không muốn phải trả cái giá quá đắt cho tình trạng ô nhiễm và hủy hoại môi trường hiện nay?
Không phải một cuộc sống văn minh, hiện đại, gắn với khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Sự chảy trôi của cuộc sống nơi bản làng vùng cao này, vẫn theo một nhịp khá chậm của mùa màng, thời tiết và phong tục tập quán bao đời. Không có trình độ học vấn cao, hay hiểu biết rộng, nhưng con người nơi đây lại đang sống một cuộc sống hạnh phúc, dẫu hạnh phúc ấy rất giản dị. Và vượt lên tất cả, đó là những bài học đáng giá mà người dân nơi đây đã ký gửi vào nhận thức và tình cảm của du khách. Những cư dân bản địa, bất kể là người hoặc trực tiếp hay gián tiếp tham gia làm du lịch, đều đón tiếp du khách bằng thái độ tự nhiên, chân thành, hòa nhã và dễ chịu. Để rồi, dù họ chưa thể làm du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, thì chính sự thân thiện, mộc mạc và môi trường sống xanh - sạch, đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Du lịch cộng đồng là quá trình trải nghiệm và khám phá văn hóa, lịch sử vùng đất mới của khách du lịch. Ở đó, mỗi người dân là một “hướng dẫn viên du lịch cộng đồng”, với hiểu biết phong phú, sâu sắc về nơi họ sinh ra, lớn lên và có lẽ sẽ dành cả đời để chứng kiến mọi sự đổi thay của nó. Vậy nên, bằng kinh nghiệm sống và vốn hiểu biết, họ sẽ đưa du khách vào những chuyến phiêu lưu, dẫu rằng không hiểm nguy hay kỳ bí, nhưng cũng không thiếu điều thú vị và ý nghĩa. Mỗi người dân cũng là một cầu nối, hay một sợi dây liên hệ giữa du khách với cộng đồng hay điểm đến du lịch. Đương nhiên, không phải tất cả mọi người, ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào, cũng nhận thức được và làm tốt vai trò “đại sứ thiện chí” của mình. Cho nên, làm thế nào để mỗi người dân có thể trở thành một mắt xích tích cực và trách nhiệm, giúp vận hành trơn tru guồng máy du lịch? Câu trả lời, trước hết nằm ở mong muốn và sự nỗ lực thay đổi những thói quen không còn phù hợp của chính người dân. Để có được các kỹ năng ứng xử lành mạnh, văn minh trong du lịch, không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Các kỹ năng cần được hình thành qua quá trình thực hành kiên trì, để dần hoàn thiện mà thành lối ứng xử tự nhiên.
Đó là điều kiện cần, còn điều kiện đủ không thể không nhấn mạnh đến vai trò của ngành chức năng và chính quyền địa phương, trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân khi làm du lịch. Đồng thời, có chính sách khuyến khích người dân tham gia và tạo điều kiện để họ được phát huy giá trị các loại hình văn hóa, nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống phục vụ du khách. Quan trọng hơn nữa là giúp người dân nhận thức được vai trò và hiểu cách làm du lịch, để góp phần phát triển du lịch bền vững. Chính những nỗ lực từ phía người dân và chính quyền, mà hiện các điểm du lịch cộng đồng như Pù Luông (Bá Thước), thác Ma Hao (Lang Chánh), bản Hang (Quan Hóa)... đã nhận được nhiều tình cảm yêu mến của du khách, nhờ chất lượng dịch vụ và nhất là lối sống, cung cách ứng xử thân thiện của cư dân bản địa.
K.N