Hoạt động của ngành

Để du lịch Nga Sơn (Thanh Hóa) phát triển bền vững

Cập nhật: 22/04/2020 08:15:44
Số lần đọc: 1066
Nga Sơn là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch văn hóa và tâm linh với nhiều di tích nổi tiếng như: động Từ Thức, chùa Hàn Sơn, cửa biển Thần Phù, đền thờ Mai An Tiêm, chùa Tiên...


Gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Lễ hội Mai An Tiêm.

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa và huyện Nga Sơn giai đoạn 2015 - 2020, những năm gần đây huyện đã chú trọng đầu tư, kêu gọi thu hút các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng đường vào các di tích trọng điểm cũng như trùng tu, xây dựng khuôn viên tạo điểm đến hấp dẫn, phục vụ du khách gần xa. Vì thế đã đón được hơn 52.450 lượt khách và ước đạt trên 5 tỷ đồng/năm. Du khách về đây không chỉ được tham quan các di tích, danh thắng trên địa bàn mà còn được thưởng ngoạn nhiều món ăn đặc sản ẩm thực nổi tiếng: gỏi cá nhệch, rượu nếp Nga Sơn, dê ủ trấu, hải sản...

Chị Hồ Thị Năm, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cũng là người con xã Nga Thiện, cho biết: "Mặc dù xa quê hương nhưng tôi không quên được những kỷ niệm ở miền quê trù phú này. Lúc nhỏ cùng bạn bè rủ lên động Từ Thức chơi, ngắm cảnh và thường ngồi trên cây quấn thành võng đu đưa trước cửa hang thích thú vô cùng. Giờ đây cùng con cháu về thăm quê vào động Từ Thức thăm quan, chứng kiến sự đổi thay trên quê hương thấy mừng, nhất là khuôn viên bên ngoài được đầu tư đồng bộ, trồng hoa, tôn bồi đất cao, đường đi lối lại đẹp và hấp dẫn. Các cây xanh cổ thụ vẫn được giữ nguyên, đường lên và xuống động được tôn tạo dễ đi hơn, hang động có hệ thống điện, bắc cầu qua không phải lội như trước đây. Hệ thống hang động núi đá vôi có nhiều thạch nhũ muôn hình độc đáo gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp tiên đầy thú vị được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Các dấu tích còn hiện hữu: buồng tắm của Giáng Hương, thư phòng của Từ Thức, bàn cờ tiên, đôi chim thạch nhũ, mâm ngũ quả, dàn nhạc cụ... đã tạo nên nét đẹp riêng của động Từ Thức. Do đó động Từ Thức được nhân dân cho là động đẹp nhất, vô nhị của trời Nam".

Rời động Từ Thức du khách có thể đến tham quan chùa Hàn Sơn, cửa Thần Phù, đền thờ Mai An Tiêm... Mỗi di tích đều có bản sắc riêng. Cửa Thần Phù, chùa Hàn Sơn nằm trên đất Nga Điền. Hai di tích này đã được trùng tu xây dựng tương đối hoàn thiện từ nguồn xã hội hóa. Đây là vùng đất cửa biển xưa kia của Nga Sơn nay được bồi và xa dần. Chùa Hàn Sơn được xây dựng từ năm 1797 thuộc thôn Chính Đại (Nga Điền). Qua bao biến cố thăng trầm, chùa bị tàn phá nhiều đến tháng 3/2011 được trùng tu tôn tạo lại từ nguồn xã hội hóa. Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh... Các hiện vật trong chùa được bài trí công phu đẹp. Chùa chính, khuôn viên, hồ nước, cổng chùa mang đậm sắc thái văn hóa tâm linh...

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong 5 năm qua, Nga Sơn đã đầu tư cơ sở hạ tầng từ hệ thống đường giao thông đến kết nối các điểm du lịch, như mở thêm đường du lịch từ QL 10 xã Nga An đến động Từ Thức, hệ thống điện Viễn Thông được cung cấp tại các điểm di tích, xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn đến các biển du lịch, trùng tu tôn tạo các di tích trên địa bàn, cắm mốc khoanh vùng di tích xây dựng làng nghề truyền thống, thương hiệu đặc sản ẩm thực địa phương. Đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch: Xây dựng cổng thông tin điện tử dulichngason.vn, tuyên truyền chuyên mục du lịch trên báo Văn hóa và Đời sống, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu các điểm đến hấp dẫn du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao, tham gia hội thảo, hội chợ triển lãm giới thiệu về tiềm năng du lịch Nga Sơn. Theo đó chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, tổ chức tốt các cuộc thanh, kiểm tra các điểm du lịch nên đã tạo được ấn tượng cho khách về tham quan, vãn cảnh...

Để du lịch Nga Sơn phát triển xứng tầm một cách bền vững, phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu đón được 80 triệu lượt khách, trong đó có khách quốc tế 1 triệu lượt khách, doanh thu đạt 50 tỷ đồng. Huyện Nga Sơn đã đưa ra 1 số giải pháp, trong đó tập trung lãnh đạo, huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực di tích, danh lam thắng cảnh. Đặc biệt là việc đẩy mạnh quy hoạch tiếp tục đầu tư hạ tầng, xây dựng tour, tuyến, các sản phẩm du lịch, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá và phát triển nguồn nhân lực...

Nguồn: vanhoadoisong.vn

Cùng chuyên mục