Thanh Hóa: Khai thác tiềm năng du lịch di sản
Khách du lịch nghe giới thiệu về di tích Lam Kinh.
Đến với Lam Kinh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc với điện miếu, lăng tẩm, bia ký và một không gian xanh mướt trong lành của cỏ cây hoa lá. Bước qua cầu Bạch, nơi có dòng sông Ngọc nước lượn lờ yên ả, trước mắt du khách sẽ là Nghi môn. Hai bên Nghi môn là cây Đa Thị - cây di sản vô cùng độc đáo và một giếng cổ lớn nước đầy quanh năm. Bước qua cửa chính, du khách bước vào sân Rồng, là nơi tổ chức các nghi thức tế lễ, bái yết long trọng bậc nhất. Qua sân Rồng, du khách sẽ đến với công trình kiến trúc được xem là điểm nhấn quan trọng bậc nhất của toàn bộ Khu Di tích lịch sử Lam Kinh: Tòa Chính điện.
Còn nhớ cách đây chừng dăm bảy năm, công trình cổ xưa này chỉ là vết tích của những hàng cột với chân kê bằng đá, mặc cho nắng mưa gột rửa, bào mòn. Trải qua nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu và nhiều bước thực hiện công phu, công cuộc phục dựng Chính điện đã hoàn thành. Tòa Chính điện vững chãi và sừng sững tọa lạc ở trung tâm di tích để khách thập phương mỗi dịp trở về không khỏi trầm trồ thán phục. Với tổng mức đầu tư gần 260 tỷ đồng, toạ lạc trên tổng diện tích gần 1.780m2, Chính điện Lam Kinh bề thế và có giá trị to lớn về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật. Đồng thời, mang nhiều hàm ý tốt đẹp - biểu tượng cho tài năng cùng đức độ của đức Lê Thái tổ tỏa rạng thiên hạ (Quang Đức), đề cao, tôn sùng đạo hiếu (Sùng Hiếu) và đặc biệt là khát vọng vun đúc, kéo dài sự tốt lành cho vương triều và quốc gia Đại Việt (Diên Khánh). Có thể khẳng định, sự hiện hữu của Tòa Chính điện ví như linh hồn của di sản, đã mang đến cho Lam Kinh một diện mạo, một hơi thở vừa phảng phất cổ xưa, vừa tràn đầy sức sống.
Mang theo niềm kính ngưỡng và tự hào của con dân đất Việt những ngày húy kỵ Đức Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi, anh Lê Đức Tuấn, một du khách đến từ Vũng Tàu, chia sẻ: Là người con xứ Thanh xa quê ngót 30 năm, nên việc được về dâng hương tại Lam Kinh là nguyện vọng suốt nhiều năm của anh. Trước đây, do điều kiện kinh tế không cho phép, việc đi lại cũng không thuận tiện như bây giờ, nên việc về quê cũng thưa thớt, chứ nói gì đến việc thăm thú Lam Kinh. Bây giờ thì khác, không chỉ về quê thường xuyên hơn, anh còn đưa gia đình đi thăm nhiều di tích, danh thắng đẹp của quê nhà, trong đó, Lam Kinh là một điểm đến thường xuyên. “Đôi khi tôi chỉ cần đến đây một vài tiếng, vừa dâng hương vừa thăm thú cảnh quan, cũng cảm thấy vui vẻ, an yên rồi. Có lẽ với những người đang sống tại quê hương, hoặc sẽ không có, hoặc ít có cảm giác như tôi. Đó là khi đến được những địa điểm tâm linh như Lam Kinh, sẽ có cảm giác tự hào khó tả lắm”, anh Tuấn tâm sự. Anh cũng chia sẻ thêm, dù đã đi nhiều và thăm thú nhiều địa danh, di tích nổi tiếng khắp các vùng miền trong cả nước; song Lam Kinh vẫn cho anh cảm giác gần gũi, thân thuộc và bình yên hơn cả.
Để khai thác tiềm năng du lịch của di sản; đồng thời, kéo gần khoảng cách địa lý và đón du khách về với Lam Kinh, những năm qua, bên cạnh công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di sản, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông và cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền giới thiệu, quảng bá bằng nhiều hình thức; nhất là sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, in ấn và phát hành các công trình nghiên cứu, các ấn phẩm tuyên truyền hấp dẫn liên quan đến di tích. Ngoài ra, việc sưu tầm, bổ sung hàng nghìn hiện vật phục vụ khách tham quan và công tác nghiên cứu khoa học, cũng được thực hiện thường xuyên đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai đề án phát triển du lịch Lam Kinh và các dự án quy hoạch bảo tồn phát triển bền vững rừng đặc dụng di tích; xây dựng mới và cải tạo nhà vệ sinh công cộng; lắp hệ thống biển chỉ dẫn, biển giới thiệu di tích; xây dựng các mẫu quà lưu niệm; đưa vào thí điểm xe điện trong khu di tích... cũng được quan tâm triển khai thực hiện.
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh, trong khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, Lam Kinh đón khoảng 300.000 lượt khách đến tham quan. Một điểm gây ấn tượng đẹp cho du khách là tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên ban quản lý di tích và cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh, cho hay: “Để phát triển du lịch trước hết phải coi trọng văn hóa du lịch. Do đó, ban quản lý luôn coi trọng công tác đón tiếp khách bằng tinh thần tận tình, chu đáo nhất, nhằm tạo được ấn tượng sâu sắc cho du khách mỗi lần về với Lam Kinh. Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ di tích, bảo vệ rừng, phòng chống cháy nổ, thiên tai... cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, ban quản lý đã xây dựng các phương án cụ thể và triển khai thực hiện hiệu quả; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Nhân dân để cùng chung tay bảo vệ di tích. Ngoài ra, với nhiều giá trị to lớn về mọi mặt, Lam Kinh đang trở thành “trường học lịch sử” sinh động, hấp dẫn dành cho học sinh, sinh viên và mọi đối tượng du khách có mong muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa liên quan đến di tích”.
Mặc dù vậy, để Lam Kinh trở thành một trọng điểm du lịch văn hóa - tâm linh hấp dẫn, nhằm thu hút du khách thì còn nhiều việc phải làm. Đó là việc thu hồi và đưa vào quản lý toàn bộ 200 ha di tích đã được quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch, nhằm giữ chân du khách ở lại Lam Kinh lâu hơn. Cùng với đó là dành nguồn lực đáng kể cho công tác kích cầu tiêu dùng, quảng bá sản vật địa phương nhằm mang lại nguồn thu cho người dân địa phương. Ngoài ra, nội thành di tích hiện vẫn còn nhiều hạng mục cần được đầu tư tôn tạo, gồm 4 tòa Thái miếu, tả vu, hữu vu, đông trù, tây thất, tường thành. Đồng thời, tiến hành chống xuống cấp, nâng cấp các công trình đã được đầu tư; cải tạo cảnh quan môi trường... Từ đó, từng bước tạo dựng diện mạo nguyên vẹn, bề thế và tôn nghiêm của di tích; đồng thời, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh giàu giá trị này.