Nhìn ra thế giới

Thành phố Doha - ''kỳ quan mới'' của thế giới

Cập nhật: 17/11/2021 13:03:39
Số lần đọc: 772
Từ nguồn tiền khổng lồ nhờ bán dầu mỏ, Qatar xây dựng những thành phố thông minh với mục đích đem lại đời sống tốt hơn cho người dân. Trong đó, thành phố Doha không chỉ là nơi phát triển nhất Trung Đông mà đã đạt tới đẳng cấp một “kỳ quan mới” của thế giới.


Thủ đô Doha của Qatar.

Doha là thủ đô, trung tâm chính trị và kinh tế của Qatar, được thành lập vào những năm 1820, chính thức trở thành thủ đô vào năm 1971, là thành phố lớn nhất Qatar. Nội thị Doha có diện tích 132km, dân số trên 1,08 triệu người. Vùng ngoại ô Doha có diện tích 902km2, dân số trên 1,15 triệu người. Tổng cộng, dân số nội thị và vùng ngoại ô Doha chiếm trên 75% dân số toàn quốc (2,23 triệu người/2,95 triệu người - theo số liệu của Liên hợp quốc ngày 5-11-2021).

Sau khi Qatar tuyên bố độc lập năm 1970 và Doha trở thành thủ đô năm 1971, công cuộc đại kiến thiết thành phố bắt đầu bằng việc phá hủy tất cả các khu phố cũ; người dân tạm thời chuyển đến ở khu vực ngoại ô mới được mở rộng như Al Rayyan, Madinat Khalifa và Al Gharafa. Chính quyền Doha đã mời các kiến trúc sư bậc thầy như I.M. Pei (người Trung Quốc, một trong những kiến trúc sư thành công nhất thế kỷ XX), Jean Nouvel (người Pháp, thiết kế hơn 200 công trình tầm cỡ thế giới ở nhiều quốc gia), Arata Isozaki (được mệnh danh “hoàng đế kiến trúc Nhật Bản”), Rem Koolhaas (người Hà Lan, “nhà tiên tri của kiến trúc hiện đại mới”)... tham gia kiến trúc tổng thể thành phố.

Điểm chung của các nhà thiết kế này là sự đổi mới, sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của chính quyền Doha với mục tiêu thiết kế, xây dựng một thành phố “chưa từng có”. Kết quả là chỉ sau khoảng 30 năm, Doha đã trở thành một đô thị toàn cầu với nhiều đại công trình, nhiều tòa nhà chọc trời, khu công năng phức hợp khổng lồ... với kiến trúc hiện đại. Nhờ sự tỉ mỉ của các kiến trúc sư, mỗi công trình đều có mối liên hệ với màu của các công trình xung quanh và phù hợp với khí hậu, nắng và gió ở địa bàn xây dựng. Đó là những cơ sở rất tốt để chính quyền Doha đầu tư, tổ chức xây dựng chiều sâu của thành phố thông minh.

Xuất phát từ nền móng “4 không”: Không núi, không rừng, không hệ thống sông ngòi, không cây xanh và đa dạng sinh học, Doha đã làm tất cả để “biến không thành có” (tất nhiên còn phải kể đến yếu tố “có” rất quan trọng, đó là có trữ lượng dầu mỏ ước tính lên tới 15 tỷ thùng, cùng với đó là các mỏ khí đốt chiếm khoảng 13% trữ lượng toàn cầu).

Thực hiện chương trình hiện đại hóa do Tiểu vương Sheikh Hamad bin Khalifa vạch ra, Doha đã tiến hành đồng bộ các công việc xây dựng thành phố mới. Từ cuối thế kỷ XX, thành phố bắt đầu giai đoạn bùng nổ, phát triển rất nhanh. Đặc biệt, từ năm 2011 nhiều công trình lớn được đưa vào vận hành hoặc xây dựng mới như 39 khách sạn mới, hơn 50 tòa tháp, tiến tới các mục tiêu đặt ra trong “Tầm nhìn quốc gia Qatar 2030”... Trong đó, nổi bật nhất là việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng mới từ năm 2014 để phục vụ cho công việc tổ chức World Cup (bóng đá) 2022 tại Qatar, chủ yếu diễn ra ở Doha.

Là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu ở khu vực Trung Đông, Doha trở thành thành phố toàn cầu hạng Beta, có sự kết nối trung bình với kinh tế thế giới. Vào tháng 5-2015, Doha chính thức được công nhận là một trong top “7 kỳ quan mới” cùng với các thành phố Vigan (Philippines), Lapaz (Bolivia), Durban (Nam Phi), La Habana (Cuba), Beirut (Liban) và  Kuala Lumpur (Malaysia).

Doha phát triển nên cư dân ở đây được hưởng lợi: Sống sung túc; không phải đóng thuế; được miễn phí khám sức khỏe, tiền khí đốt, tiền điện... Gần đây Doha đã bắt tay vào việc xây dựng một thành phố giáo dục đặc sắc, tạo lập một khu vực lý tưởng dành cho nghiên cứu và giáo dục để tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Về định hướng phát triển tiếp theo của Doha, Thủ tướng Qatar, ông Sheikh Khalifa bin Abdulaziz Al-Thani, cho biết: Để trả lời câu hỏi “Qatar có thể trở thành “Hồng Kông của Trung Đông” hay sẽ bị kéo tụt hậu bởi “lời nguyền tài nguyên”, phải thực hiện tốt “Tầm nhìn quốc gia Qatar 2030” với mục đích biến Qatar thành một xã hội tiên tiến, có khả năng đạt được sự phát triển bền vững vào năm 2030.

Riêng với thủ đô Doha, có 3 dự án xây dựng “xanh” rất lớn là: Thứ nhất, dự án Msheireb Downtown Doha, tái sinh thành phố bền vững đầu tiên trên thế giới nhằm bảo tồn và tái sinh trung tâm lịch sử của Doha; thứ hai, dự án Trung tâm Hội nghị quốc gia Qatar (Qatar National Convention Center); thứ ba, dự án Thành phố tương lai Lusail Smart City. Đó là 3 dự án phản ánh rõ nhất “Tầm nhìn quốc gia Qatar 2030” với các đặc điểm: Thiết kế bền vững để tối ưu hóa hiệu ứng vi khí hậu; tối đa hóa hiệu quả sử dụng năng lượng và nước; tối đa hóa hiệu quả quản lý chất thải và giảm lượng khí thải carbon; tạo không gian xanh và mở để tạo bầu không khí thoải mái, tích hợp với các thành phần sống động của thành phố...

Ông Sheikh Khalifa bin Abdulaziz Al-Thani khẳng định: Chính phủ Qatar sẽ làm tất cả để Doha trở thành “ngôi sao sáng nhất” và góp phần định vị Qatar trở thành hình mẫu phát triển bền vững về con người, kinh tế, du lịch và thể thao.

Nhật Trình

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT