Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) – Điểm hẹn du lịch
Nằm trên đường thiên lý Bắc – Nam, thành phố Đồng Hới nằm cạnh dòng sông Nhật Lệ, thuộc tỉnh Quảng Bình, nơi hẹp nhất trên bản đồ Việt Nam, nổi tiếng với hệ thống hang động đẹp nhất nước, bờ biển dài và thơ mộng, bãi tắm êm ả, nước trong xanh với gió biển lồng lộng thổi về và nhiều di tích lịch sử mà ra đi rồi mà vẫn còn lưu luyến.
Quảng Bình có đường bờ biển dài hơn 116 km, với 5 cửa sông, trong đó có 2 cửa sông lớn là Nhật Lệ và cửa Gianh; 5 hòn đảo là: Hòn La, hòn Gió (đảo Chim), hòn Nồm, hòn Cỏ và Vũng Chùa – Đảo Yến với nhiều thắng cảnh đẹp, cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền tạo cho Quảng Bình một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn hải sản và phong phú về loài (1.650 loài).
Đầu tiên là Quảng Bình Quan – một biểu tượng của thành phố. Xưa kia đây là một chốt trên đường kinh lý Bắc – Nam, một trong ba cửa ải của hệ thống lũy thầy do Đào Duy Từ hiến kế và chỉ huy xây đắp vào năm 1631. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) xây lại bằng gạch đá. Năm 1961 được tu sửa lạị. Ngoài ra còn một cổng thành nữa mà người dân địa phương gọi tên là Quảng Bình Quan nhỏ cũng nằm trong thành phố.
Bên kia sông Nhật Lệ là bán đảo Bảo Ninh xanh rợp bóng dừa của quê hương mẹ Suốt mà nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Lặng nghe mẹ kể ngày xưa / Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình / Mẹ rằng: Quê mẹ Bảo Ninh / Mênh mông sóng biển lênh đênh mạn thuyền”. Phóng tầm mắt về phía cửa biển với làn nước xanh màu biển nhớ, nhìn lên bầu trời, những áng mây trắng bồng bềnh trôi về phương vô định; những chiếc thuyền gỗ trôi chậm trên mặt sông lấp lánh trong buổi trưa hè. Tại công viên trung tâm thành phố có di tích nhà thờ Tam Hòa chỉ còn lại tháp chuông rêu phong cổ kính.
Chợ Đồng Hới nằm cạnh sông, có bến cá với tấp nập người trên bến dưới thuyền. Đến vùng cửa sông, du khách sẽ mục kích cảnh giao thoa non nước tuyệt vời giữa hai dòng nước cùng cảnh quan khá đẹp và thơ mộng với bờ biển cát vàng thoai thoải chạy dài với vẻ đẹp hoang sơ bên rừng dương xanh thẳm, hoa rau muống biển nở tím điểm xuyết trên nền những doi cát mịn màu vàng.
Tới chân tượng đài mẹ Suốt đứng uy nghi bên bờ sông. Còn nhớ chỉ trong ngày 7/2/1965, Mỹ huy động 160 lượt máy bay phản lực ồ ạt tấn công Đồng Hới và các vùng lân cận. Bất chấp máy bay địch bổ nhào thả bom, phóng rocket, mẹ Nguyễn Thị Suốt vẫn dũng cảm một mình chèo đò đưa bộ đội sang sông và chuyển đạn ra tàu chiến của hải quân ta. Liên tục trong những năm sau, mẹ Suốt vẫn kiên cường chèo đò để đưa đón cán bộ, bộ đội, nhân dân qua sông Nhật Lệ. Ngày 1/1/1967, mẹ được Nhà nước tặng danh hiệu anh hùng. Mẹ đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ vào ngày 11/10/1968.
Đến Đồng Hới, du khách nên tham quan Bàu Tró. Đó là hồ tự nhiên, có quang cảnh khá đẹp, bao quanh hồ là rừng cây xanh tạo nên khung cảnh khá lãng mạn, bình yên. Hồ có trữ lượng nước gần chục triệu mét khối, là nguồn nước ngọt tự nhiên khép kín giữa lòng động cát vàng, chỉ cách biển Đồng Hới và vùng cửa sông khoảng một cây số. Bàu Tró còn là di tích khảo cổ học được phát hiện sớm nhất trong khu vực và văn hóa Bàu Tró được gọi chung cho nền văn hóa hậu kỳ đồ đá mới vùng ven biển từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế. Người ta đã tìm thấy ở đây những cổ vật có niên đại 5.000 năm.
Ngoài ra, để thu hút du khách và xây dựng Cảnh Dương thành điểm đến của du lịch Quảng Bình tại khu vực phía Bắc tỉnh này, đầu năm 2018, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp với UBND H. Quảng Trạch, UBND xã Cảnh Dương thực hiện những bức họa khá đẹp mô tả câu chuyện về quá trình hình thành, phát triển, truyền thống anh hùng trong kháng chiến của người dân nơi đây.
Du khách đến Đồng Hới, ngoài tham quan cảnh đẹp cùng các di tích, du khách thưởng thức món hàu thơm, béo ngọt lịm nổi tiếng với con hàu lấy từ sông Nhật Lệ chế biến các món nướng, um, xào, nấu cháo cùng các “đặc sản” vùng miền như bánh bột lọc, cá lẹp, cá khoai…, và các loài hải sản tươi sống từ biển khơi do ngư dân đánh bắt./.